Thể thao trong nước

U.21 Thừa Thiên Huế hành trình phía trước

ClockChủ Nhật, 02/12/2018 12:31
TTH - Thất bại tại Vòng chung kết (VCK) U.21 Báo Thanh Niên 2018 cùng những màn trình diễn tại Đại hội thể thao (ĐHTT) toàn quốc và sắp tới tại giải U.21 Quốc tế là cơ hội để U.21 Thừa Thiên Huế kiện toàn lại đội hình cho chặng đường phía trước.

Chờ “Cu Ren” & đồng độiU21 Thừa Thiên Huế & cơ hội phía trướcBóng đá Huế: Nhân tài không thiếu, nhưng…

U.21 Thừa Thiên Huế (áo trắng) sẽ đóng góp nhiều nhân tố chất lượng cho bóng đá Cố đô tại mùa giải hạng Nhất 2019

Thời gian dài cho một giải đấu ngắn

Đặt chỉ tiêu vào bán kết VCK U.21 Báo Thanh Niên, nhưng đội chủ sân Tự Do không thể vượt qua vòng bảng. Đây là một thất bại của thầy trò HLV Phan Văn Trí, nhất là khi được chơi trên sân nhà. Tuy nhiên, theo dõi 3 trận vòng bảng, nếu như ở trận khai màn, U.21 Thừa Thiên Huế thua U.21 Hà Nội với cách biệt 4 bàn đủ để nói lên chênh lệch giữa 2 đội, ở 2 trận còn lại gặp Bình Dương và Đắk Lắk, nói như HLV Phan Văn Trí, thì “các em đã thể hiện bộ mặt khác hẳn”.

Cái khác ở đây không phải do thực lực tương đương, mà đó là tinh thần, độ gắn kết của từng vị trí. Trước đó, trong những trận cuối của lượt về giải hạng Nhất quốc gia, tuyển U.21 Thừa Thiên Huế có nhiều chân sút được đôn lên đội hình 1. Và, để chuẩn bị cho VCK U.21 Báo Thanh Niên, U.21 Thừa Thiên Huế đã khởi động cách ngày khai mạc tầm 1 năm – thời gian khá dài cho một giải đấu ngắn.

Nghĩa là, U.21 Thừa Thiên Huế đã có sự chuẩn bị chu đáo. Vậy nhưng họ vẫn bị loại sớm, trong khi lý do HLV Phan Văn Trí đưa ra là thiếu tính gắn kết giữa từng vị trí. Nghe qua, lý do này xem chừng không hợp lý, khi mà, như đã đề cập, U.21 Thừa Thiên Huế có thời gian khá dài để chuẩn bị.

HLV Phan Văn Trí chia sẻ: “Lý thuyết là như vậy, nhưng thực tế, 6-7 cầu thủ tham gia VCK U.21 Báo Thanh Niên cũng không được thường xuyên đá chính ở giải hạng Nhất, mà chủ yếu ngồi dự bị. Đồng thời, do lực lượng tại chỗ mỏng, không đảm bảo dàn đều cho 11 vị trí trên sân nên sát ngày khai mạc, Huế mời thêm 7 chân sút trẻ đến từ Quảng Nam, Bình Định để bù lấp, dẫn đến mảng miếng phối hợp giữa các vị trí chưa nhuần nhuyễn”.

“Trừ Hà Nội, thực lực của U.21 Thừa Thiên Huế cũng “một 8 một 10” với các đội còn lại. Vấn đề ở đây là tính gắn kết giữa từng cá nhân khi triển khai lối chơi theo ý đồ chiến thuật ban huyến luyện đưa ra”, HLV Phan Văn Trí nói thêm.

Giờ cơm của U.21 Thừa Thiên Huế tại ĐHTT toàn quốc 2018 Ảnh: Phan Trí

Thách thức cũng là cơ hội

Nhắc lại câu chuyện VCK U.21 Báo Thanh Niên 2018 không phải để “xáo xới”, vấn đề là từ thất bại này, bóng đá Huế - mà trụ cột là những chân sút U.21 sẽ làm thế nào để người hâm mộ yên tâm trong hành trình phía trước, nhất là tại mùa giải hạng Nhất 2019.

Cách đây 1 tuần, Nguyễn Văn Sang và Nguyễn An là 2 cái tên của bóng đá trẻ Cố đô lọt vào đội tuyển chọn U.21 Việt Nam tham dự U.21 Quốc tế vào 12/12 cùng với 20 chân sút trẻ xuất sắc nhất của Bình Dương, Hà Nội, Hoàng Anh Gia Lai, Viettel và Đắk Lắk sau màn trình diễn tại VCK U.21 Báo Thanh Niên mới đây. Tuy nhiên, trong quá trình tập luyện, Nguyễn An gặp chấn thương và Nguyễn Văn Hiếu – một chân sút của U.21 Thừa Thiên Huế ngay lập tức được thế chỗ. Ở góc độ nào đó, điều này cho thấy, dù lực lượng mỏng, nhưng bóng đá trẻ Cố đô không thiếu những chân sút đáp ứng điều kiện góp mặt ở những sân chơi đẳng cấp.

Dẫu vậy, cũng từ chuyện lực lượng “cây nhà lá vườn” mỏng, trong khi kết thúc mùa giải hạng Nhất 2018, bóng đá Huế tiếp tục chia tay một số chân sút trụ cột, trong đó đáng chú ý nhất là Võ Lý, rồi liên hệ đến thất bại của U.21 tại VCK Báo Thanh Niên, không ít người bày tỏ lo lắng cho đội bóng con cưng tại ĐHTT toàn quốc 2018 cũng như mùa giải hạng Nhất 2019.

“Đúng là khi chia tay một số chân sút chủ lực, tâm lý của không ít cầu thủ trẻ có phần xáo động. Nhưng điều này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn bởi BHL đã làm tốt công tác tư tưởng, đồng thời các em cũng tiệm cận thể thao chuyên nghiệp nên chắc chắn nhận thức được vấn đề này. Ngoài ra, sau những màn trình diễn của chính các em cũng như cầu thủ bạn ở VCK U.21 Báo Thanh Niên, ở ĐHTT toàn quốc và U.21 Quốc tế 2018, tôi tin các em sẽ đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý khi góp mặt tại sân chơi hạng Nhất 2019”, Phó Trưởng đoàn Bóng đá Huế Nguyễn Đình Tuấn chia sẻ.

Thiếu hụt một số chân sút chủ lực ở đội hình 1 trong khi tuyến U.21 chưa thực sự dạn dày kinh nghiệm là thách thức lớn của bóng đá Huế trước mùa giải mới, nhất là khi các chân sút trẻ sẽ kế thừa trọng trách lứa đàn anh để lại. Tuy nhiên, đó cũng chính là cơ hội để họ khẳng định mình sau khi được rèn giũa ở 3 giải đấu chất lượng nói trên chỉ trong vòng 2 tháng, mà nói như HLV Phan Văn Trí là “cơ hội hiếm có, khó tìm” của bóng đá Cố đô nói chung trong giai đoạn hiện nay.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đô thị Huế hiện đại & hành trình phát triển - Kỳ 1: Thành phố bên bờ sông Hương

Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 10/12/2019 về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Bài viết dưới đây giới thiệu về sự ra đời và hành trình phát triển của Huế với tư cách một đô thị hiện đại.

Đô thị Huế hiện đại  hành trình phát triển - Kỳ 1 Thành phố bên bờ sông Hương
Return to top