ClockThứ Tư, 27/03/2013 06:08

UBND phường sẽ nhanh chóng quan tâm, giúp đỡ

TTH - Báo Thừa Thiên Huế nhận được đơn của chị Trịnh Thị Dần, tổ trưởng tổ dân phố 6, phường Kim Long phản ánh: tại tổ 9 phường Kim Long có 1 trường hợp là anh Phạm Xứng bị bệnh tâm thần, sống một mình, không giấy tờ tùy thân, không hộ khẩu, nhà không điện, không nước… mà chính quyền địa phương không quan tâm, hay biết.

Theo chị Dần, trước đây anh Phạm Xứng sống với mẹ (cha chết), nhưng mẹ anh bị bệnh tâm thần nên được đưa vào Trung tâm bảo trợ An Hòa. Còn lại một mình anh Xứng, bị bệnh nhẹ nên hàng ngày vẫn đi làm thuê cho xưởng gỗ ở tổ 6 (phường Kim Long). Tuy nhiên, chủ xưởng chỉ cho ăn bữa trưa mà không trả tiền công, nên buổi tối, ai cho gì thì ăn nấy, cuộc sống rất đáng thương. Chúng tôi cũng đã xác nhận thông tin này và được chị Tôn Nữ Hồng Vân, chủ xưởng gỗ cho biết, thông tin chị Dần cung cấp là đúng. Tuy nhiên, thỉnh thoảng có khách cần chở sản phẩm về nhà (bằng xe ba gác), anh Xứng kiêm luôn việc này và được họ trả tiền công từ mười đến vài chục nghìn đồng/chuyến.

 

Nơi ở của anh Xứng không điện, nước, cỏ mọc vào đến tận thềm

 

Thoạt nhìn, anh Xứng cũng giống như những người bình thường, vẫn trả lời được những câu hỏi của người khác. Tuy nhiên, tiếp xúc mới biết, người đàn ông này “chậm chạp” và có vẻ “tưng tửng”. Để vào được nhà anh Xứng, phải đi qua một con ngõ rất sâu, rất hẹp, đầy rác bẩn thỉu. Cỏ dại mọc um tùm đến tận hiên nhà. Ngôi nhà đã cũ kỹ xuống cấp. Trên bức tường phía trước khắc dòng chữ: Nhà tình thương do Liên danh Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) và Công ty TNHH PETRO Quảng Ngãi tài trợ. Trong nhà (có độc nhất 1 chiếc giường) xộc lên mùi hôi hám, ẩm mốc, bừa bộn. Đúng như phản ánh, nhà không có điện, cũng chẳng có nước. Hỏi anh Xứng lấy nước đâu rửa mặt, người đàn ông chỉ về phía cái giếng trong vườn. Nước giếng ngầu đục. Chúng tôi hỏi, anh nấu ăn ở đâu thì người đàn ông này lắc đầu.

 

Bà Châu Thị Mận, hàng xóm kề cận của anh Xứng cho hay, bà không biết anh Xứng có bị bệnh tâm thần hay không, nhưng thấy anh cả ngày đi đâu đó, tối về chẳng nấu nướng gì, nên cả năm trời ròng rã, bà cho anh Xứng cơm để ăn tối. “Có hôm khuya rồi nhưng hắn vẫn khóc, kêu đói, tui phải lấy đồ ăn cho”- bà Mận kể.

 

Theo chị Dần, thấy hoàn cảnh anh Xứng như vậy, chị đã trực tiếp đến UBND phường, gặp Bí thư Đảng ủy phường phản ánh và đề nghị chính quyền địa phương có sự quan tâm giúp đỡ. Lúc này, bà Bùi Thị Minh Trí (Bí thư Đảng ủy phường Kim Long) mới cử một vị Phó Chủ tịch UBND và cán bộ thương binh xã hội phường cùng chị Dần đến gặp tổ trưởng tổ dân phố 9, nơi anh Xứng sinh sống, nắm tình hình. Tuy nhiên, tổ trưởng tổ 9 nói, do anh Xứng thường bỏ đi lang thang nên tổ không làm thủ tục đề nghị đưa vào hộ nghèo, diện khó khăn (trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Trung, Tổ trưởng tổ dân phố 9 cho biết, anh Xứng có bị tâm thần nhưng không quậy phá, sống nay đây mai đó, tối lúc về lúc không về. Hiện tại ông đang tiến hành làm xác nhận hộ khẩu (đã mất) cho anh). Còn cán bộ thương binh xã hội phường lại cho rằng, anh Xứng còn sức lao động thì phải tự lo liệu. Do đó, chị Dần phải đưa anh Xứng đến Bệnh viện Tâm thần tại Kim Long để khám. Sau khi có kết luận của bệnh viện, anh Xứng bị tâm thần phân liệt, chị Dần đã đưa toàn bộ hồ sơ nộp tại UBND phường Kim Long.

 

Ngày 15/3, ông Hoàng Xuân Tiệp, Chủ tịch UBND phường cho biết: Đối với gia đình anh Xứng, trước đây phường đã rất quan tâm, nên gia đình anh mới được xây nhà tình nghĩa. Sau khi mẹ anh Xứng là bà Lê Thị Sáo bị bệnh tâm thần, được đưa vào trại, anh Xứng còn sức lao động, đi làm thuê, nên được đưa ra khỏi diện hộ nghèo. Có lẽ anh Xứng chỉ mới bị bệnh gần đây, nên phường chưa biết. Nay phường đã thụ lý hồ sơ (làm chế độ về tâm thần-PV) của anh Xứng và sẽ tiếp tục theo dõi, chuyển hồ sơ làm chế độ cho anh (270.000 đồng/tháng). Nếu (bệnh) nhẹ, trạm xá sẽ chăm sóc cấp thuốc uống, nếu nặng sẽ liên hệ với các đơn vị chức năng. Đối với nơi sinh sống (không điện, nước, mất vệ sinh, ô nhiễm) của anh Xứng, ông Tiệp nói: “Chị (tức là PV báo Thừa Thiên Huế) phản ảnh, tôi sẽ lên ngay để xem xét, huy động tổ chức Đoàn thanh niên giúp đỡ anh Xứng”.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

Tại một số tuyến đường, tình trạng cây xanh không được cắt tỉa mọc lấn ra đường che lấp đèn tín hiệu giao thông. Điều này không những gây mất mỹ quan, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với người tham gia giao thông.

Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông
Thận trọng nơi công cộng

Đã có nhiều vụ cướp giật tài sản, trộm cắp ở công viên, nơi công cộng được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật. Song, để tình trạng này không tiếp diễn, bản thân mỗi người dân cần chủ động tự bảo vệ tài sản của mình.

Thận trọng nơi công cộng
Dự án Khu du lịch Suối Voi: Yêu cầu nhà đầu tư cam kết về tiến độ thực hiện dự án

Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoa Lư - Huế (Công ty Hoa Lư - Huế) chủ đầu tư Dự án (DA) Khu du lịch Suối Voi (Phú Lộc) phải có văn bản cam kết về tiến độ thực hiện DA, trong đó nêu rõ cam kết chấm dứt hoạt động một phần DA nếu giai đoạn 1, 2 không hoàn thành theo đúng tiến độ.

Dự án Khu du lịch Suối Voi Yêu cầu nhà đầu tư cam kết về tiến độ thực hiện dự án
Return to top