ClockThứ Sáu, 07/09/2018 08:24

Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động bảo tàng: Xu thế tất yếu

TTH - Tận dụng thế mạnh của công nghệ số để giới thiệu, quảng bá di tích và đưa các phòng trưng bày bảo tàng ngày càng gần hơn với công chúng là cách mà nhiều bảo tàng đã làm.

Thêm 189 tư liệu, hiện vật trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh

Theo phương pháp truyền thống, việc truyền đạt, giới thiệu trong các khu vực di tích, các khu trưng bày, phòng triển lãm được thực hiện bằng cách đặt các bảng biển thông tin, thông qua hướng dẫn viên, phát tập gấp hoặc sách hướng dẫn du lịch. Phương pháp này giới thiệu hiện vật theo cách tiếp cận "kho mở". Nghĩa là, chỉ cần sắp xếp để giới thiệu tại chỗ đối với những gì đang có sẵn, hoặc thông qua cách tiếp cận hiện vật sau khi đã được chọn lựa, sắp xếp trong tủ, bố trí ánh sáng và kèm theo lời giới thiệu hoặc sơ đồ.

Tuy nhiên, những cách này thường bị hạn chế về dung lượng thông tin. Đôi khi các phương tiện đi kèm lại thiếu sự đầu tư về chất lượng và không đảm bảo thẩm mỹ nên có thể gây hiệu ứng ngược đối với người xem. Trong khi đó, xu hướng trưng bày diễn giải kết hợp với tương tác hiện đang trở thành xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay. Trong xu hướng này, việc thiết kế kiến trúc kết hợp với cảnh quan và không gian trưng bày được nghiên cứu kỹ lưỡng để thể hiện một thông điệp thống nhất và xuyên suốt, đem lại nhiều cảm xúc cho người xem. Bằng cách sử dụng nhiều kỹ thuật, âm thanh và hình ảnh được kết hợp để thể hiện hình ảnh ba chiều của hiện vật, triển lãm trở nên đặc biệt sống động. Quá trình này được gọi là “thiết kế diễn giải”.

Các bảo tàng hiện đại trên thế giới có sự phát triển vượt bậc trong việc ứng dụng công nghệ để giới thiệu trong trưng bày bảo tàng. Đi đầu là các bảo tàng về các ngành khoa học. Bằng việc sử dụng cách tiếp cận này, các bảo tàng cho phép người xem được trực tiếp tương tác với hiện vật trưng bày, cảm nhận được sự liên hệ giữa nhận thức cá nhân của mỗi người với những gì họ được xem tại triển lãm. Lúc này, bảo tàng là nơi diễn giải lịch sử chứ không đơn thuần chỉ là giới thiệu về lịch sử và là nơi thu hút khách tham quan.

Ở Việt Nam, Bảo tàng Khảo cổ học Nhà Quốc hội ở Hà Nội là nơi đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông minh trong trưng bày bảo tàng để đem tới những cảm xúc mới lạ, sinh động và hấp dẫn cho khách tham quan bảo tàng, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5 năm 2016. Ở khu di sản Huế, từ năm 2007 đã có chương trình sử dụng công nghệ phục dựng kỹ thuật số để giới thiệu Hoàng thành Huế. Đây là một trong những kết quả đầu tiên của việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại kết hợp với việc giới thiệu, quảng bá di sản tại Huế. Từ đó đến nay, tại khu di sản Huế, tiếp tục có các sản phẩm ứng dụng công nghệ số để giới thiệu, quảng bá điểm đến, gồm: bộ phim 3D giới thiệu về di tích Hổ Quyền, bộ phim 3D giới thiệu về di tích Hiển Lâm Các (Đại Nội, Huế) và gần đây nhất, tháng 4/2018, Trung tâm Thông tin Diễn giải Lịch sử Hoàng thành Huế và trải nghiệm thực tế ảo VR – “Đi tìm Hoàng cung đã mất”. Đến với trung tâm VR này, du khách không chỉ được cung cấp thêm thông tin về khu di sản Huế mà còn được trải nghiệm dịch vụ giải trí sử dụng công nghệ thực tế ảo thông qua trò chơi trực tuyến trong không gian ảo mô phỏng thực tế.

Có thể thấy, việc sử dụng công nghệ mang lại những trải nghiệm nhập vai và tương tác trong quá trình quảng bá, phát huy giá trị của di sản và các sưu tập bảo tàng đang trở thành một xu hướng tất yếu. Đây cũng là một phần không tách rời trong chiến lược thu hút khách và trong chiến lược phát triển khách tham quan và là một phần của công tác bảo tồn di sản. Quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu kỹ thuật số cũng giúp tạo ra kho lưu trữ dữ liệu để quản lý, bảo tồn, phục vụ đắc lực cho việc truyền tải, xử lý và tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, sử dụng trong các hoạt động khoa học, học thuật có liên quan.

Sử dụng công nghệ kỹ thuật số có thể đem lại trải nghiệm diễn giải diễn ra ngay tại khu di sản hoặc ở tuyến tham quan bên ngoài di sản mà không bị lệ thuộc vào vị trí thực địa của di sản. Các phiên bản khác nhau có thể được tải lên trang web trước, trong và sau chuyến tham quan để giới thiệu, tăng cơ hội quảng bá và tìm hiểu cho người xem mà không phụ thuộc vào khoảng cách địa lý. Quá trình nghiên cứu, xây dựng nội dung thông tin diễn giải cũng tạo ra những góc độ diễn giải mới cho đối tượng các học giả và người xem, khuyến khích những cách tiếp cận mới trên nhiều khía cạnh: Văn hóa, xã hội, lịch sử, mỹ thuật... Ưu điểm của việc sử dụng công cụ diễn giải bằng kỹ thuật số cho phép liên tục cập nhật thông tin để thích ứng, bổ sung và mở rộng mỗi khi có thêm những phát hiện khoa học hoặc có công nghệ mới ra đời.

NAM GIAO

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đến bảo tàng để thêm yêu văn hóa truyền thống

Bảo tàng Mỹ thuật Huế không chỉ là không gian trưng bày các triển lãm thu hút công chúng tham quan, mà những năm qua, nơi này đã trở thành điểm đến như một trường học trải nghiệm cho các em học sinh. Không chỉ hiểu thêm về nghệ thuật như hội họa, sắp đặt…, các em còn được nhập vai để cho ra tác phẩm theo cách của riêng mình.

Đến bảo tàng để thêm yêu văn hóa truyền thống
Hoạt động nhà máy tháng 3 của Trung Quốc mở rộng lần đầu tiên sau 6 tháng

Kết quả khảo sát cho thấy, hoạt động sản xuất của các nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 3 đã mở rộng lần đầu tiên sau 6 tháng, mang lại sự lạc quan cho các nhà hoạch định chính sách ngay cả khi cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản vẫn là lực cản đối với nền kinh tế nước này.

Hoạt động nhà máy tháng 3 của Trung Quốc mở rộng lần đầu tiên sau 6 tháng
Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang phát triển mạnh mẽ, đặt ra thách thức lớn đối với công tác quản lý thuế (QLT), đảm bảo sự công bằng cho các tổ chức, cá nhân. Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các đơn vị, tích cực thực hiện một số giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả QLT đối với hoạt động TMĐT trên địa bàn.

Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

TIN MỚI

Return to top