ClockThứ Bảy, 13/06/2015 11:17

Ung thư tự lành, biết đâu một ngày...

TTH - Trong nỗi ám ảnh đau đớn vật vã, suy mòn và lơ lửng án tử, có thông tin một vài trường hợp ung thư tự lành bệnh mà không qua một can thiệp điều trị nào. Những dẫn chứng gây kinh ngạc này đang tạo cảm hứng cho các nhà nghiên cứu tìm ra những hướng tiếp cận điều trị ung thư mới?

Điều diệu kỳ

Tỷ lệ cho điều bí ẩn cực hiếm này là 1/100.000 nhưng cũng đủ gây phấn khích những ai quan tâm. Bác sĩ Alan Irvine ở Bệnh viện St James, Dublin (Anh Quốc) có bệnh nhân là cụ bà 74 tuổi được chẩn đoán xác định là ung thư biểu mô da với triệu chứng phần dưới chân trái có khối sùi loét lớn và chảy dịch máu. Trong trường hợp này, xạ trị hay phẫu thuật cắt rộng u chỉ có tính chất tạm bợ, giải quyết triệu chứng trong khi phương pháp triệt để hơn là cắt cụt chi lại không khả thi do ở tuổi đó bệnh nhân khó sử dụng chân giả. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định trì hoãn điều trị để tìm phương án tối ưu. Trong khi chờ đợi, khối u dần thoái triển và biến mất hoàn toàn sau 20 tuần! “Không nghi ngờ gì về chẩn đoán bệnh của bà ấy, nhưng giờ đây hoàn toàn không còn gì trong mẫu bệnh phẩm sinh thiết hay trên phim cắt lớp!”, bác sĩ Alan Irvine nói.
Một bí ẩn hy hữu khác. Cũng một bệnh viện ở Anh quốc vừa báo cáo trường hợp một phụ nữ sinh đẻ nhiều được phát hiện có một khối u lớn nằm giữa tử cung và trực tràng. Nhưng trước khi các bác sĩ kịp can thiệp, cô lại mang thai và rồi sinh hạ một em bé hoàn toàn khỏe mạnh. Vấn đề là, các bác sĩ kinh ngạc nhận thấy khối u đã biến mất trong quá trình mang thai của cô. Sau chín năm, vẫn không có dấu hiệu tái phát ung thư!
Sự thoái triển ngoạn mục còn được ghi nhận ở nhiều loại ung thư khác, bao gồm bệnh bạch cầu tủy cấp. “Với bệnh này nếu không điều trị gì, bệnh nhân có thể chết trong vài tuần, thậm chí vài ngày”, Armin Rashidi, bác sĩ ở Đại học Washington (St Louis) nói. Tuy nhiên, ông thống kê có 46 trường hợp tự khỏi mặc dù chỉ có 8 trường hợp không tái phát qua theo dõi lâu dài. “Nếu bạn hỏi một bác sĩ ung bướu liệu điều này có xảy ra, 99% sẽ nói không”.
Các ung thư nguyên bào thần kinh (neuroblastom) ở trẻ em cũng được cho là có thể thoái triển tự nhiên. Đây là bệnh ung thư của hệ thống thần kinh và nội tiết, nếu bệnh lan tràn hoặc di căn sẽ tạo nên các khối u ở da, gan, ổ bụng có thể gây khó thở cho trẻ. Lạ kỳ là bệnh neuroblastom có thể biến mất nhanh như khi nó đến, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Với những trường hợp này, các bác sĩ có xu hướng tránh can thiệp hóa trị tức thì, hy vọng u sẽ tan biến. Đúng thế thật. “Tôi nhớ ba trường hợp đã có di căn da, gan lớn, nhưng bệnh đã tự lành”, bác sĩ Garrett Brodeur ở Bệnh viện Nhi Philadelphia nói.
 
Manh mối và hy vọng
Cụ bà 74 tuổi bệnh nhân của bác sĩ Alan Irvine nói đó là nhờ ơn Chúa, vì bà đã hôn lên một di tích tôn giáo sau khi biết bệnh mình. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe những chuyện mang tính tâm linh như vậy, trong đó có một vài trường hợp người Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà khoa học thì muốn đi xa hơn, họ muốn nghiên cứu bản chất sinh học của cái gọi là “thoái triển tự động” ung thư, truy tìm những manh mối để làm sao các trường hợp này không còn là hy hữu nữa.
Về mặt lý thuyết, bản chất của ung thư liên quan đến các biến đổi di truyền trên DNA làm sai hỏng quá trình tăng sinh tế bào, do đột biến của các gen ung bướu (oncogene) hay các gen kìm hãm khối u (tumor suppressor gene). Bình thường, các tế bào của cơ thể sinh sôi, phát triển giúp cơ thể hoạt động rồi chết đi sau hàng chục lần phân chia, và được thay thế bằng những tế bào mới, gọi là chết theo chương trình (apoptosis). Các tế bào ung thư thì không chết theo chương trình mà tăng sinh vô hạn độ, vô tổ chức không thể kiểm soát. Điều này xảy ra khi hệ miễn dịch suy yếu, không thể bảo vệ cơ thể chống lại các tế bào ung thư bất trị bằng các cơ chế tế bào và thể dịch. Manh mối ở đây: ung thư tự khỏi khi hệ miễn dịch phục hồi hoạt động và mạnh lên?
Một trong những tác nhân tái kích hoạt hệ miễn dịch chính là một bệnh nhiễm trùng. Khoảng cuối thế kỷ 19, một bác sĩ chẳng mấy tên tuổi người Mỹ là William Bradley Coley với nỗ lực cứu chữa cho một bệnh nhân có khối u lớn ở cổ. Năm lần phẫu thuật vẫn không thể lấy sạch khối u. Sau đó, bệnh nhân bị một đợt nhiễm khuẩn da, sốt cao. Đến khi bệnh nhiễm khuẩn da được chữa khỏi thì khối u ở cổ cũng biến mất. Thử nghiệm trên một số bệnh nhân khác, Coley nhận thấy rằng chủ động tạo nhiễm khuẩn lên bệnh nhân hoặc điều trị bằng độc tố vi khuẩn được nuôi cấy có thể phá hủy khối u. Nghiên cứu mới đây của Rashidi và Fisher cho thấy 90% bệnh bạch cầu lành bệnh sau khi mắc một bệnh nhiễm khác như viêm phổi, hoặc một số báo cáo cho rằng khối u biến mất sau khi bệnh nhân mắc các bệnh như bạch hầu, lậu, viêm gan, sốt rét, sởi, cúm, giang mai... Đây không phải là chữa bệnh bằng vi khuẩn mà chính là sự nhiễm khuẩn đã kích hoạt phản ứng miễn dịch bất lợi cho khối u. Cái nóng như thiêu đốt của một cơn sốt nhiễm khuẩn có thể làm cho khối u dễ bị tổn thương hơn. Hoặc khi chúng ta bị nhiễm khuẩn, cơ thể huy động một khối lượng lớn các đại thực bào - những chiến binh của hệ miễn dịch này tìm diệt vi khuẩn và cả các tế bào ung thư. Đây là cảm hứng cho một phương pháp điều trị ung thư mới. Tất cả vẫn đang trong vòng thử nghiệm, với sự cẩn trọng cần thiết. Như lời bác sĩ Alan Irvine, “thoái triển tự động” chỉ là một manh mối nhỏ trong tổng thể một câu chuyện lớn. Nếu thử nghiệm thành công, tác động sẽ là đáng kinh ngạc. Ung thư tự lành giờ vẫn còn là một điều diệu kỳ muôn một, một phép lạ. Biết đâu một ngày, điều hy hữu đó sẽ trở thành bình thường.
TS.BS Phạm Nguyên Tường
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện

Ngày 24/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân (BN) Phạm Q.T.. Đây là trường hợp ghép tim thứ 11 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 10 tại đơn vị.

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện
Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola
Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Return to top