ClockChủ Nhật, 31/07/2016 06:30

Ứng xử với các công trình kiến trúc cổ kiểu Pháp: “Đập bỏ là cách giải quyết thô thiển”

TTH - Ngoài Hà Nội, Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh thì Huế đang sở hữu một gia tài công trình kiến trúc kiểu Pháp lâu năm. Đập bỏ hay sửa chữa, bảo tồn các công trình này trong điều kiện hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Là người gắn bó và tâm huyết ở lĩnh vực này, KTS Huỳnh Quang, Nguyên Viện trưởng Viện quy hoạch, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Cty CP Tư vấn thiết kế tổng hợp nhận định:

KTS Huỳnh Quang

Các công trình kiến trúc cổ kiểu Pháp ở Huế thường đặt ở các vị trí đắc địa trong lòng đô thị. Những công trình này như dòng chảy của thời gian, gắn liền với lịch sử thăng trầm của vùng đất, mang giá trị văn hóa vô hình và đó là một “vật báu” đô thị cần gìn giữ.

Hiện chưa có nghiên cứu, dự án chính thống đánh giá hiện trạng cụ thể, chất lượng đồ án từng công trình, tu bổ về lĩnh vực này mà chỉ thống kê khái quát phục vụ cho công tác quy hoạch đô thị. Đó cũng là một trong những lý do khiến nhiều công trình kiến trúc kiểu Pháp dần bị mai một theo thời gian. Điều này dẫn đến việc làm mất đi giá trị văn hóa, bản sắc đô thị.

Vừa qua, một công ty xin đập bỏ biệt thự kiểu Pháp trăm tuổi trên đường Lý Thường Kiệt (TP Huế) gây tranh cãi trong dư luận. Xóa (đập bỏ) các công trình là điều rất dễ song sẽ tạo ra một tiền lệ xấu và để lại hậu quả như thế nào trong việc quy hoạch đô thị, thưa ông?

Cá nhân tôi thấy chưa cần thiết với việc đập bỏ. Lịch sử để lại cho chúng ta một giá trị về mặt văn hóa thông qua các công trình kiến trúc. Kiến trúc cũng được xem như một tác phẩm nghệ thuật. Khi ta xóa đi, vô hình chung đụng chạm đến quá khứ, làm mất cái giá trị tích lũy để làm giàu thêm về mặt bản sắc văn hóa đô thị. Kiến trúc đó dù được xây dựng ở thời kỳ nào đi chăng nữa, bản chất của nó không có tội và cần được tôn trọng. Người xưa đã để lại những gì có giá trị thì hiện tại phải cố gắng mà gìn giữ.

Không riêng Huế mà ở nhiều tỉnh thành (có nhiều công trình kiến trúc kiểu Pháp lâu năm) có hai xu hướng rõ rệt: Phía cho rằng nên đập bỏ công trình xuống cấp, làm mới để đảm bảo an toàn và phát triển kinh tế; phía bảo tồn cho rằng phải giữ vì đó là quỹ di sản kiến trúc đô thị. Làm sao để giải quyết mâu thuẫn này? Những người làm công tác quản lý nên chọn điểm nhìn nào để có sự đánh giá chân xác?

Nói về nhu cầu xã hội, người sở hữu ngôi biệt thự luôn muốn thay đổi trên mảnh đất đó để làm sao đem lại hiệu quả kinh tế là điều dễ hiểu. Vì vậy, kéo theo đó là câu chuyện đập bỏ công trình lớn tuổi để xây dựng công trình mới hơn, diện tích sử dụng rộng hơn…

Đối với địa phương nào thì tôi không biết, nhưng riêng với Huế, điều này không nên. Bởi giá trị kiến trúc Pháp đang tồn tại ở Huế gắn với lịch sử, hình thành phát triển cũng như đấu tranh, xây dựng đất nước. Công trình cổ kiểu Pháp là một tác phẩm nghệ thuật cần được bảo quản - đây là trách nhiệm chung của xã hội, của chính quyền.

Mỗi người có một góc nhìn khác nhau nhưng trên hết, cần phải tôn trọng sự tồn tại của quỹ kiến trúc này, xem nó như tài sản quý. Cùng với đó, cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền, quảng bá để cộng đồng hiểu rõ giá trị và vì sao cần gìn giữ. Khi có vấn đề gì xảy ra, phải đưa ra dư luận để lấy ý kiến, xem xét một cách khách quan và tuyệt đối không được quyết định vội vàng.

Việc xin phá dỡ ngôi biệt thự mang kiến trúc Pháp tại số 5 Lý Thường Kiệt (TP. Huế) vấp phải phản đối của nhiều chuyên gia quy hoạch kiến trúc

Luật Di sản văn hóa Việt Nam năm 2001, điều 8 quy định: Mọi di sản văn hóa có xuất xứ trong nước hoặc từ nước ngoài đều cần được bảo vệ và phát huy giá trị. Song, vấn đề đặt ra là chờ được công nhận di sản rồi mới bảo tồn hay là ưu tiên bảo tồn các công trình “sống” đang được khai thác sử dụng?

Tôi nghĩ đây là câu hỏi khá hóc búa và nó sẽ làm khó các nhà quản lý.

Tuy còn nhiều ngôi biệt thự cổ mang kiến trúc Pháp chưa được công nhận, xếp hạng di tích nhưng chúng ta phải xem đó là tác phẩm vô giá (đây là niềm tự hào, vì không phải đô thị nào cũng có nét công trình kiến trúc này như Huế). Dần dà, khi có điều kiện, nên tiến hành sắp xếp, đánh giá, đưa ra quan điểm bảo tồn rõ ràng. Song song với đó, những người làm công tác quy hoạch kiến trúc cùng chính quyền cần đề xuất đúng hướng để có thái độ đúng mực với quỹ kiến trúc kiểu Pháp đang hiện hữu. Chưa được công nhận là di tích thì chúng ta đưa ra và thông qua một quy chế quản lý để thực hiện sẽ tránh được tình trạng mai một trong tương lai.

Một công bố trên Báo Thừa Thiên Huế của nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh, số lượng công trình kiến trúc cổ Pháp ở Huế theo thống kê sơ bộ khoảng 200 công trình. Qua thời gian, chúng đã có sự thay đổi (đập bỏ làm mới, chỉnh sửa...) và xuống cấp. Trong khi nguồn kinh phí không đủ để sửa chữa toàn bộ, theo ông nên ứng xử như thế nào với những công trình như thế? Điều gì cần ưu tiên?

Xét theo luật, khi các công trình kiến trúc hết niên hạn thì người ta cấm sử dụng bởi không đảm bảo an toàn. Còn việc đập bỏ là cách giải quyết thô thiển. Những người làm quy hoạch kiến trúc, chính quyền và cộng đồng cần ngồi lại để thống kê, đánh giá, phân tích và hệ thống lại để biết được có bao nhiêu công trình kiểu Pháp giá trị, trong đó có bao nhiêu công trình trên 100 năm tuổi, bao nhiêu công trình dưới 100 năm, bao nhiêu công trình còn sử dụng được… Từ đó, đưa ra một kế hoạch và hành động để bảo tồn và tất cả đưa vào dự định trước.

Tiếp theo, có thể giới thiệu người mua, cho thuê những công trình kiểu Pháp để làm bảo tàng tư nhân, bán hàng thủ công mỹ nghệ, không gian ẩm thực… Tôi đề nghị, giống như nhà rường truyền thống Huế, các công trình kiến trúc kiểu Pháp cần có cơ chế, chính sách riêng để khuyến khích giữ lại dài lâu như giảm thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp…

Ngoài chính quyền, cộng đồng và người đang sở hữu những công trình này cần làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị các công trình đặc biệt nói trên?

Hiện nay, cộng đồng sử dụng những ngôi biệt thự kiểu Pháp còn khá ít, phần lớn chúng thuộc sở hữu nhà nước. Điều đáng mừng là những người còn giữ những công trình kiểu này rất tôn trọng giá trị kiến trúc vì họ cho rằng đó là nét đẹp, sự cộng hưởng văn hóa dân tộc với bản địa, trải qua biết bao thăng trầm lịch sử nhưng vẫn tồn tại đến bây giờ.

Cần có một đề án hay ngân quỹ riêng để thực hiện công tác bảo tồn, đưa ra một kế hoạch lâu dài. Đừng nói suông theo kiểu cho có rồi chìm vào quên lãng, như vậy sẽ có lỗi với lịch sử, với những công trình kiến trúc giá trị. Cùng với đó, phải khơi dậy trong cộng đồng niềm kiêu hãnh của Huế, nơi có bề dày lịch sử, truyền thống với những loại hình kiến trúc thuộc dạng hiếm.

Xin cảm ơn ông!

NINH THÀNH (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân

Ngày 17/4, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân; Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phạm Như Hiệp có buổi tiếp công dân định kỳ tháng 4.

Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân
Giải quyết trợ cấp thất nghiệp gắn với tư vấn hỗ trợ việc làm

Để hỗ trợ người lao động thất nghiệp (LĐTN) trên địa bàn ổn định cuộc sống và tìm kiếm việc làm mới, ngoài việc giải quyết các thủ tục chi trả trợ cấp thất nghiệp (TCTN), Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kết nối tạo việc làm đến với LĐTN.

Giải quyết trợ cấp thất nghiệp gắn với tư vấn hỗ trợ việc làm
Diện mạo mới từ các công trình thanh niên

Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện và sáng tạo tuổi trẻ trong thực hiện phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, Huyện đoàn A Lưới tích cực triển khai những công trình, mô hình đoàn thanh niên tiêu biểu, góp phần thay đổi tích cực diện mạo huyện miền núi.

Diện mạo mới từ các công trình thanh niên

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top