ClockThứ Bảy, 07/06/2014 05:41

Vài góp ý từ sân khấu liên hoan dân ca

TTH - Liên hoan Dân ca Bình-Trị-Thiên 2014 đã thành công tốt đẹp. Nhiều giọng ca trẻ được đào luyện từ câu lạc bộ, các trường nghệ thuật, học viện... và cả những “lò” đào tạo của các nghệ nhân, nghệ sĩ mang đến Liên hoan những giọng ca, tiếng đàn mới đầy triển vọng. Đó cũng là sự kế tiếp không ngừng nghĩ, rất đáng trân trọng những thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên đối với Ca Huế, dân ca Bình Trị Thiên. Chính họ cùng với những đạo diễn, tác giả, những người thầy giáo, cô giáo truyền dạy, góp phần giữ hồn và đưa ca Huế, dân ca quê hương đến với công chúng hôm nay và mai sau. Tuy nhiên chúng tôi xin nêu một số ý kiến sau đây với mong muốn có thể góp phần làm cho Liên hoan lần sau sẽ thành công hơn.
Việc cải biên, nâng cao giá trị dân ca là rất đáng khuyến khích. Tuy nhiên việc cải biên phần xố của hò lệ hố (trong hò khoan Lệ Thuỷ) của một tiết mục trong Liên hoan, theo chúng tôi là chưa đạt, làm mất đi vẻ đẹp của làn điệu, đó là sự rộn ràng nhưng vô cùng thắm thiết. Cũng xin nói thêm, việc ghép “hò hụi”, một điệu hò của Bình Trị Thiên vào tổ hợp hò khoan Quảng Bình (gồm 6 điệu) là không đúng. Sáu làn điệu trong tổ hợp hò khoan Quảng Bình trình diễn theo thứ tự là: hò mái chè, hò mái nện, hò mái ba, hò mái nhì, hò mái duỗi và hò mái xắp (tức hò lệ hố). Do sự nổi tiếng của mình, hò mái xắp còn gọi là hò khoan Quảng Bình, tên gọi đại diện cho cả tổ hợp hò gồm 6 làn điệu. Nguyên thuỷ là vậy, nhưng có lẽ do hiện nay, một số điệu hò trong sáu điệu hò khoan nói trên ít người hát, nên hò hụi được đưa vào tổ hợp hò khoan Quảng Bình chăng? Cũng cần nói lại cho rõ, Quảng Bình không có dân tộc ít người nào là “người Nguồn”, mà chỉ có các tộc người như: Mày, Khùa, Rục v.v.... “Người Nguồn” là cách gọi dân gian để chỉ người Kinh sống lâu năm ở hai huyện Minh Hoá, Tuyên Hoá (Quảng Bình).
Trong Liên hoan số tiết mục lời mới về đề tài hiện đại rất ít; làm hạn chế sức sống của bộ môn này. Ở đây còn có sự chú trọng hơn trong việc tìm lời mới tập luyện để xây dựng tiết mục. Không lẽ lời ca Huế cứ ngân nga mãi những “ghẹo nguyệt trêu hoa”, những “phận má hường” thì cũng khiến cho công chúng phải suy nghĩ! Nên chăng cần có sự quy định số tiết mục có lời mới, với đề tài mới khi tham gia Liên hoan. Cũng do không chịu khó tìm các sáng tác lời mới mà có tiết mục được giới thiệu là tổ khúc dân ca nhưng nội dung không phải cùng một chủ đề mà là sự ghép nối lời các làn điệu có nội dung khác nhau. Nâng cao chất lượng lời mới cho các tiết mục cũng là một việc cần lưu ý trước mắt cũng như lâu dài. Có tiết mục lời ca làm cho người nghe khó chịu. Ví dụ: Nón nghiêng nghiêng trắng nõn nà / Trai làng thêm đẹp, gái làng thêm xinh
Từ “nõn nà” thường để tả làn da người con gái, còn vì có chiếc nón nghiêng mà “trai làng thêm đẹp” thì tối nghĩa! Ví cảnh đẹp Huế hôm nay có tác giả ví như “ Chốn bồng lai” (!?) là một cách thể hiện cũ kỹ, sáo mòn, gây phản cảm. Ở một khía cạnh khác, một số tiết mục có cảm tưởng đạo diễn, người dàn dựng đã lạm dụng vũ đoàn, đạo cụ, làm rối sân khấu.
Liên hoan Ca Huế - Dân ca Bình-Trị-Thiên, một sự kiện văn hoá nghệ thuật quy mô liên tỉnh đã thành công tốt đẹp. Hoạt động rất có ý nghĩa này đã được Lãnh đạo ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch ba tỉnh thống nhất tổ chức 2 năm một lần luân phiên ở mỗi tỉnh. Năm 2016, Liên hoan sẽ được tổ chức ở Quảng Trị. Mong rằng với nội dung và phương thức tổ chức ngày càng phong phú, số đơn vị tham gia ngày càng đông; “đến hẹn lại về”, Liên hoan sẽ góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, quảng bá, phát huy giá trị ca nhạc truyền thống của quê hương xứ sở.
Minh Khiêm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top