ClockThứ Năm, 27/06/2019 13:15

Vận động dân thực hiện nếp sống văn minh

TTH - Nghe và tin lời ông Nguyễn Xuân, Tổ trưởng Tổ Dân phố (TDP) Uất Mậu, thị trấn Sịa (Quảng Điền), người dân đã xóa bỏ các tập quán, phong tục lạc hậu, hướng đến xây dựng khu phố văn minh.

“Người thầy thuốc của bản làng”Người đàn ông Pa Hy truyền cảm hứngGiỏi giang và nhân hậu

Ông Xuân (phải) động viên, chia sẻ mất mát với gia đình vừa có người mất

Một thời người dân TDP Uất Mậu thường tổ chức tang lễ, cưới hỏi linh đình để “nở mặt nở mày” với bà con làng xóm. Sự “tranh đua” có vẻ như không có hồi kết khi người tổ chức lễ, tiệc sau lúc nào cũng “to” hơn người đi trước, gây lãng phí tiền của, công sức.

Có những tiệc cưới sau khi quan viên hai họ ra về, người nhà còn ngồi lại hát hò thâu đêm gây mất trật tự, ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Hay những lễ tang kéo dài nhiều ngày, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người dân. Bà con, hàng xóm đến phúng điếu còn được gia quyến mời cơm, uống rượu gây lãng phí. Cứ sau mỗi lần đưa tang, trên nhiều tuyến đường đầy vàng mã, vất vả cho các tổ, đội thu gom rác thải…

Tổ trưởng TDP Uất Mậu, ông Nguyễn Xuân luôn trăn trở trước vấn nạn tại địa phương. Sau một thời gian dài đi hết nhà này sang nhà khác nắm bắt tâm tư nguyện vọng, ông quyết định “làm một cuộc cách mạng” để thay đổi phong tục, tập quán của người dân. Sau nhiều cuộc họp bàn các biện pháp, kiến nghị lên cơ quan chức năng xin chủ trương, ông Xuân tiến hành các bước để hướng đến xây dựng quy chế xây dựng khu phố văn hóa, văn minh.

Đích thân ông Xuân đến từng nhà tham khảo ý kiến của người dân, phân tích, giải thích những cái được, cái mất trong quá trình tổ chức tang lễ, cưới xin… Đồng thời, tuyên truyền, vận động bà con tuân thủ, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm xây dựng đời sống khu dân cư văn hóa, văn minh và hiện đại.

Quy chế sau khi được ban hành đã quy định không được tổ chức tang lễ quá 72 giờ, không dọn rượu bia cho người đến viếng, không đưa tang theo phong tục “trầu ăn rượu uống” mà chỉ cúng nội bộ gia đình. Phần lớn người dân trong TDP làm nghề tiểu thủ công nghiệp nên việc “coi ngày giờ” hạ huyệt dù có “căng” mấy chăng nữa cũng phải hạ huyệt trước 8 giờ sáng để con cháu đi làm việc.

Quy chế cũng quy định, trong quá trình đưa tang không được rải vàng mã trong khu dân cư và trên những trục đường chính của các địa phương. Đối với những tuyến đường được rải vàng mã, sau khi đưa tang xong, người nhà phải huy động lực lượng ra quân thu dọn đem đốt đúng quy định… Nếu tang gia vi phạm, không chấp hành quy định thì làng sẽ không nhận đưa tang, gia đình tự lo liệu.

Việc thay đổi phong tục tập quán một sớm một chiều là điều không dễ đối với người dân nên ban đầu gặp những khó khăn nhất định. Dù đã thống nhất quan điểm, quy chế của TDP nhưng khi người dân có đám tang, đám cưới nhiều hộ đã không tuân thủ quy định. Các thành viên trong TDP đến tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhưng người dân vẫn không chấp hành. Đích thân ông Xuân phải đến tận gia chủ bàn bạc, phân tích điều hay, lẽ phải cũng như chủ trương, chính sách với phương châm “mưa dầm thấm sâu” nên người dân cũng đồng thuận.

Gia đình ông A. ở TDP Uất Mậu có người thân vừa mới qua đời, lúc đầu khăng khăng không muốn đưa tang sớm trước 72 giờ, bày biện cơm nước, rượu bia mời người đi viếng, sau đó cũng phải nghe lời của ông Xuân. “Việc chọn ngày tốt, giờ tốt để đưa tang, hạ huyệt cũng quan trọng, trở thành phong tục, tập quán từ xa xưa đối với người dân nên gia đình rất băn khoăn, trăn trở. Vì con còn quá trẻ, chưa vợ nên đưa sớm quá thấy thương nó. Nhưng tin vào những “lời hay, ý đẹp” và uy tín của ông Xuân nên tang lễ chỉ để đúng 3 ngày, bỏ luôn việc dọn rượu, cơm nước đã tránh lãng phí hàng chục triệu đồng, người thân lại đảm bảo sức khỏe, sớm ổn định công ăn việc làm”, ông A. trải lòng.

Ông Hoàng Minh Hải, Phó ban Thường trực Ban Dân vận Huyện ủy Quảng Điền đánh giá cao những nỗ lực của ông Nguyễn Xuân cũng như TDP Uất Mậu trong việc thay đổi nhận thức, phong tục, tập quán văn hóa. Mô hình tổ chức tang lễ, cưới hỏi… tại TDP Uất Mậu đã được các TDP của thị trấn Sịa và nhiều địa phương trên địa bàn huyện áp dụng, triển khai nhân rộng mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa huyện Quảng Điền ngày càng văn minh.

Ông C. ở TDP Uất Mậu vừa tổ chức đám cưới cho con trai đầu lòng cũng có ý định tổ chức “hoành tráng” để đãi khách cho “nở mặt nở mày”. “Nếu ông Xuân không đến sớm có thể tui sẽ mời tầm 600 khách với những nghi lễ rất tốn kém. May sao quá trình lập danh sách để mời thì ông Xuân xuất hiện. Ông đã phân tích những cái lợi, cái mất nên tui chỉ rút gọn còn 400 khách và bỏ những nghi lễ không cần thiết như “lễ chịu lời, ông Tơ bà Nguyệt”, hay lễ thách cưới nên giảm được chi phí hơn 30 triệu đồng. Nghi lễ, tiệc đãi khách chỉ diễn ra trong vòng 3 giờ, không kéo dài cả ngày lẫn đêm như trước”, ông C. cởi mở.

Tổ trưởng TDP Uất Mậu, ông Nguyễn Xuân chia sẻ, ngoài các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành, bản thân ông cùng với các thành viên trong cấp ủy, Mặt trận, đoàn thể phải gương mẫu, tiên phong. Các tiệc cưới, tang lễ của người thân các thành viên phải tuyệt đối chấp hành đúng quy chế, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các gia đình có cán bộ, công chức đưa vào bình xét, xếp loại thi đua cuối năm.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động xây dựng đời sống khu dân cư văn hóa, văn minh, TDP Uất Mậu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hầu hết các gia đình đã “thấm nhuần tư tưởng” nên chấp hành tốt quy chế, quy định của TDP. Trước đây việc đưa tang chỉ ra khỏi đường là rải vàng mã nay đã không còn; thời gian tang lễ, tiệc cưới cũng rút ngắn, tổ chức đơn giản, bỏ bớt tiệc tùng, các tập quán, phong tục lạc hậu. Các tiệc cưới tổ chức sinh hoạt, văn nghệ lành mạnh, không kéo dài quá 10 giờ đêm. Một số tiệc cưới trùng với đám tang cũng đã hủy chương trình văn nghệ…

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng chất lượng công tác dân vận trên địa bàn

Ngày 1/12, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện và xã Lâm Đớt, huyện A Lưới tổ chức lễ kết nghĩa phối hợp thực hiện Đề án nâng cao chất lượng hiệu quả công tác dân vận, giai đoạn 2023- 2030 và những năm tiếp theo.

Nâng chất lượng công tác dân vận trên địa bàn
Triển khai Đề án nâng cao chất lượng công tác dân vận

Sáng ngày 27/10, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 4 giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo tại tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Triển khai Đề án nâng cao chất lượng công tác dân vận
KỶ NIỆM 93 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA ĐẢNG (15/10/1930 - 15/10/2023)
Nói dân hiểu và hiểu dân nói

“Cán bộ làm công tác dân vận của Đảng (DVCĐ) phải nói dân hiểu và hiểu dân nói; phải trả lời được tất cả các câu hỏi thắc mắc của người dân”. Đây là yêu cầu, cũng như mục tiêu đặt ra đối với đội ngũ làm công tác DVCĐ các cấp trong toàn tỉnh.

Nói dân hiểu và hiểu dân nói
Nâng cao hiệu quả công tác dân vận

Ngày 5/10, UBND huyện A Lưới phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức kết nghĩa phối hợp thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận ở vùng đặc thù giai đoạn 2023- 2030 và những năm tiếp theo”.

Nâng cao hiệu quả công tác dân vận
Return to top