ClockThứ Năm, 18/01/2018 13:41

Văn hóa còi xe, nhìn từ Thái Lan

TTH - Giao thông ở nhiều nước nói chung và Thái Lan nói riêng vào giờ cao điểm luôn rơi vào tình cảnh ùn tắc. Tuy nhiên, văn hóa tham gia giao thông của người dân xứ sở chùa Vàng là câu chuyện khiến tôi suy ngẫm trong những ngày lưu lại đây.

Bắt đầu từ văn hóa giao thôngĐầu tư cho văn hóa giao thôngThành phố không tiếng còi

Xe cộ lưu thông trên đường phố Bangkok vào giờ cao điểm theo làn lối rất trật tự, và hiếm lắm mới nghe được tiếng còi xe

Một năm qua, TP. Huế đang thực hiện cuộc vận động “Thành phố không tiếng còi” khiến tôi liên tưởng rất nhiều đến những gì mà mình đã trải nghiệm trên những đại lộ hay những ngóc ngách tấp nập, nhộn nhịp ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Câu hỏi luôn đặt ra trong suy nghĩ, tại sao giữa hỗn độn của giao thông ấy người dân nơi này rất ít khi sử dụng còi xe.

Về cơ bản, giao thông Huế nói riêng và Việt Nam nói chung giống như Thái Lan với các phương tiện chủ yếu vẫn là xe máy và ô tô. Hệ thống giao thông nước bạn được xây dựng cách đây chừng hai thế kỷ nhưng sự phát triển du lịch quá mạnh đã khiến thủ đô nước này thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Vào giờ cao điểm, đường phố Bangkok bị nhồi kín bởi hàng vạn chiếc xe ở 8 làn đường, có thể tắc từ 2-4 tiếng đồng hồ. Từng chiếc xe phải nhích một cách chậm chạp theo đúng làn, hiếm lắm mới có một vài chiếc xe máy hoặc tuk tuk vội vàng lấn làn sau khi phát đi tín hiệu xin vượt. Ở giữa khung cảnh ấy, ngoài tiếng động cơ xe, tuyệt nhiên không có một tiếng còi nào vang lên như những gì tôi thường xuyên gặp phải ở quê nhà.

Cũng như nhiều thành phố lớn ở các nước đang phát triển, Bangkok thu hút rất đông lượng lao động nhập cư từ nhiều tỉnh, thành khác đổ về. Cùng với đó, sự phát triển như vũ bão của nền kinh tế khiến các phương tiện gia tăng một cách chóng mặt. Nhưng vẫn rất hiếm khi bạn nghe thấy một tiếng còi xe.

Ngày đầu tiên có mặt ở thủ đô Bangkok, tôi quan sát rất kỹ hệ thống giao thông cũng như cách đi lại của người dân. Cảm giác rất sợ bởi phương tiện ở đây đi ngược so với Việt Nam (sử dụng làn xe bên trái). Khi thuê xe máy để trải nghiệm giao thông, thi thoảng tôi vẫn đi ngược đường theo thói quen lưu thông như ở quê nhà nhưng vẫn nhận được những nụ cười của người Thái – vì họ biết mình là du khách.

Đèn đỏ ở thủ đô Bangkok dừng rất lâu dẫn đến tình trạng ùn ứ kéo dài. Khi trạng thái tín hiệu chuyển sang đèn xanh, các xe chậm rãi nối đuôi nhau, theo làn lối, và tất nhiên vẫn không có tiếng còi xe nhói tai như ở Việt Nam. Trò chuyện với rất nhiều người đi đường Thái Lan, họ bất ngờ khi được hỏi về câu chuyện còi xe, để rồi họ lý giải rằng: “Tất cả vẫn do ý thức”. “Đã rơi vào tình cảnh ấy (kẹt xe – PV) thì dù có bấm còi cũng đâu giải quyết được vấn đề gì – Riwatcha, người dân thủ đô Bangkok nói tiếp – thay vì thế hãy mỉm cười, di chuyển trong trật tự, như thế việc kẹt xe sẽ không rơi vào tình trạng kéo dài”.

Một trong những yếu tố tác động đến việc tham gia giao thông có văn hóa của người Thái là tôn giáo. Họ biết còi xe sẽ gây ồn ào, phản cảm và ảnh hưởng đến nhiều người. Ở những ngã tư, khúc cua, bạn cũng sẽ thấy người Thái điều khiển phương tiện rất chậm và nhường quyền qua đường trước cho người đi bộ.

Hình ảnh cảnh sát giao thông cũng rất ít thấy trên đường phố Thái Lan. Thay vào đó, camera được lắp dày đặc các tuyến đường, theo dõi bất kỳ hành vi vi phạm luật. Trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm sẽ bị xử lý rất nghiêm, ngoài nộp tiền phạt còn bị trừ điểm trong quỹ bằng lái. Một khi bị trừ điểm đồng nghĩa với treo bằng và bị cấm sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân trong một khoảng thời gian nhất định, nặng hơn nữa phải thi lại để lấy bằng lái xe. Chính vì những điều khoản khắt khe trong Luật Giao thông cộng với ý thức của chính mỗi người tham gia giao thông mà văn hóa giao thông Thái Lan trở thành một hình ảnh đẹp, đáng khen ngợi và học tập.

Không chỉ ở Bangkok, mà nhiều thành phố khác ở Thái Lan cũng như thế: Không tiếng còi xe. Chiang Mai là một điển hình cụ thể, dễ so sánh bởi có nét tương đồng với Cố đô Huế. Đường sá ở đây không lớn so với Bangkok, giờ cao điểm ở những con đường ở khu vực phố cổ Chiang Mai cũng kẹt cứng như những tuyến đường dẫn vào khu vực nội thành Huế giờ tan tầm. Cũng là hai thành phố được mệnh danh “sống chậm”, nhưng ngược với tiếng còi xe inh ỏi ở Huế, Chiang Mai không có. Đến đây, tôi lại nghĩ về câu chuyện ý thức. Ý thức quyết định rất lớn đến văn hóa giao thông.

Vẫn biết mỗi đất nước, mỗi thành phố có sự khác biệt nhau về đường sá, giao thông. Nhưng, ý thức thì ở đâu cũng như nhau. Từ Thái Lan, nghĩ về Huế, rằng sau một năm phát động vẫn mong thói quen tốt này sẽ được hình thành từ từ, để tiếng còi xe không còn là nỗi ám ảnh với mọi người.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
DỰ ÁN TUYẾN ĐƯỜNG BỘ VEN BIỂN:
Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6/2024

Dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An (TP. Huế) đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), tiến độ thi công trên công trường, nhằm hoàn thành công trình vào tháng 3 năm 2025.

Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước tháng 6 2024

TIN MỚI

Return to top