ClockThứ Bảy, 22/04/2017 14:51

Văn hóa Huế từ một góc nhìn

TTH - Văn hóa Huế có gì khác so với các vùng, miền khác trong cả nước và việc bảo tồn, phát triển nó như thế nào? Bạn đọc và những ai quan tâm đến vấn đề này có thể đáp ứng và thỏa mãn phần nào khi đọc cuốn “Văn hóa Huế - Đặc điểm lịch sử và vấn đề bảo tồn, phát triển”.

Cuốn sách là kết quả của cuộc hội thảo khoa học với chủ đề cùng tên, do Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức và chủ trì, Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành. Nội dung cuốn sách được lựa chọn và biên tập cẩn trọng từ 20 bài nghiên cứu công phu của 26 tác giả ở trong và ngoài nước tham gia hội thảo. Sách dày 500 trang, được chia làm hai phần chính: Văn hóa Huế và vấn đề bảo tồn, phát triển; Văn hóa Huế với phát triển du lịch.

Văn hóa Huế và vấn đề bảo tồn, phát triển

Đây là nội dung chính, xuyên suốt cuốn sách. Tuy cách tiếp cận có khác nhau, nhưng các nhà nghiên cứu đều xuất phát từ một góc nhìn lịch sử về văn hóa Huế. Từ góc nhìn này, người đọc sẽ nhận ra diện mạo của văn hóa Huế, hay nói cách khác là đặc điểm (đặc trưng chính) lịch sử của văn hóa Huế chính là văn hóa Cố đô (cả vật thể và phi vật thể); là dòng chảy chủ đạo trong dặm dài lịch sử văn hóa xứ Huế và của dân tộc Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho rằng: “Nhìn lại vốn liếng di sản văn hóa nước nhà được tạo dựng trong cả ngàn năm qua, chúng ta không có triều đại quân chủ nào để lại một khối lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mang giá trị cao cả lượng lẫn chất như vương triều Nguyễn (1802 - 1945), mà tập trung nhất là ở miền núi Ngự sông Hương. Đây là nơi hội tụ và lan tỏa của trí tuệ và tâm hồn Việt Nam trong gần một thế kỷ rưỡi, đặc biệt là trong thế kỷ XIX, thời kỳ quốc gia còn giữ được nền độc lập và tự chủ (1803 – 1884)”. Đó cũng là trách nhiệm chung của các nhà nghiên cứu về vai trò và vị trí của văn hóa Huế từ góc nhìn lịch sử, đồng thời với việc đưa ra những đề xuất, kiến nghị, ý tưởng và giải pháp đối với vấn đề bảo tồn, phát triển.

Thực chất của vấn đề khó và nan giải này là làm gì và bằng cách nào để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển văn hóa Huế trong xu thế hội nhập ngày nay. Cần ghi nhận ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, nhưng dẫu sao cũng chỉ là những gợi mở ở dạng “tiềm năng”, mà đây là vấn đề khoa học gắn chặt với thực tiễn. Bạn đọc có cảm giác miên man khi chìm trong “dòng văn hóa phi vật thể” từ nghệ thuật trang trí chữ Hán trên di tích Huế thời Chúa Nguyễn, văn hóa Cung đình Huế nhìn từ nghi lễ tế tự, dòng họ khoa bảng, trang phục dân gian, văn học dân gian xứ Huế, nhà vườn Huế, ca Huế… đến ẩm thực Huế, rồi chợt tĩnh khi nhận ra sự vắng bóng của văn hóa vật thể (ngoại trừ bài mang tính tổng kết công cuộc bảo tồn và phát huy Di sản thế giới Huế) như di tích thời Chămpa, di tích lịch sử và cách mạng, di tích và địa điểm di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người ở Huế… Đó là sơ suất ngoài ý muốn của những người làm sách chăng?

Văn hóa Huế với phát triển du lịch

PGS.TS Đỗ Bang có biện luận: “Văn hóa và du lịch là đứa con sinh đôi của một vùng đất và cũng là người bạn đồng hành trong nhịp sống của nhân loại; văn hóa là điều kiện cần để phát triển du lịch nhưng để có du lịch phát triển là phải có tác động của văn hóa thông qua con người và chính sách mang tính đồng bộ, hợp lý. Phát triển du lịch bằng mọi giá là nguy cơ hủy diệt văn hóa, chắc chắn sẽ bị trả giá nghiệt ngã trong tương lai”.

Tương đồng với nhận thức tầm quan trọng trong mối quan hệ khăng khít giữa văn hóa và du lịch, qua kiểm chứng thực tiễn, các nhà nghiên cứu và quản lý đã đưa ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất mang tính phát hiện đáng quan tâm suy nghĩ, và cùng chung tay hành động để tiếp tục cụ thể hóa tiềm năng văn hóa thành hiện thực sinh động và mang lại hiệu quả ngày càng cao trong phát triển du lịch của một vùng đất có ưu thế vượt trội (với 5 di sản văn hóa thế giới). Bên cạnh việc hoạch định chiến lược bảo tồn, phát triển văn hóa phải gắn chặt với sự phát triển du lịch (từ quy hoạch cho đến việc chọn bước đi, giải pháp cụ thể mang tính khả thi cao), cần quan tâm đúng mức đến nguồn nhân lực trong hoạt động văn hóa và du lịch (con người) tương ứng với tiềm năng, làm mới một cách tinh tế từ những cái cũ sẵn có (văn hóa) để tăng tính hấp dẫn và sức hút đối với khách du lịch khi đến Huế. Đó không chỉ là trăn trở của lãnh đạo, các cơ quan, ban, ngành có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực này, mà là mối quan tâm và trách nhiệm của người dân Huế.

Chừng nào người dân Huế chưa thực sự trở thành chủ thể của văn hóa và du lịch, thì chừng đó văn hóa và du lịch Huế vẫn loay hoay trong sự kiếm tìm, thiếu sự đột phá. Điều đó không có nghĩa là làm giảm đi những nỗ lực, thành tựu mà Huế đã làm được trong thời gian qua về bảo tồn, phát triển văn hóa, gắn với phát triển du lịch, mà chính là làm tăng thêm những gợi mở, và động lực mới. Văn hóa Huế - địa điểm lịch sử và giải pháp bảo tồn, phát triển là vấn đề lớn, có nội dung rộng nên khó có thể giải quyết thấu đáo trong một cuộc hội thảo khoa học, nên những hạn chế của cuốn sách là điều khó tránh khỏi. Nhưng đây là một cuốn sách có giá trị khoa học, thực tiễn nhất định, đáng đọc và suy nghĩ.

LÊ VIẾT XUÂN

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

Hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng
Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

Tiếp tục phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển toàn diện và đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản... trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững
Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ

Làm gì để giữ gìn văn hóa Huế trong dòng chảy cuộc sống hôm nay? Đó là nỗi trăn trở của những người yêu Huế. Muốn giữ gìn, phát huy, lan tỏa thì phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục đối với mọi tầng lớp nhân dân, trong đó phải kể đến đối tượng học sinh – sinh viên đang học tập, sinh hoạt trong mỗi trường học.

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ
Giúp nhau phát triển kinh tế từ nghề truyền thống

Thành lập các câu lạc bộ (CLB), tổ liên kết (TLK) để cùng chia sẻ kinh nghiệm, thị trường, giúp đỡ vốn... đó là cách Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hương Toàn (TX. Hương Trà) giúp hội viên phát triển kinh tế từ nghề truyền thống của địa phương.

Giúp nhau phát triển kinh tế từ nghề truyền thống
Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã

Ngày 7/4, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) phối hợp với Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) tổ chức buổi tọa đàm: Sinh viên với hành động vì động vật hoang dã.

Tuổi trẻ với sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã
Return to top