ClockThứ Năm, 30/06/2016 09:27

Vấn nạn rác thải xây dựng

TTH - Mặc dù đã được chấn chỉnh, song việc đổ rác thải xây dựng (RTXD), xà bần trên các tuyến đường và khu dân cư của thành phố Huế vẫn diễn ra phức tạp, trong khi công tác kiểm tra, xử lý tình trạng này gặp nhiều khó khăn...

Lực lượng mỏng, mức phạt chưa đủ răn đe

Dạo một vòng quanh TP. Huế, nhất là các khu vực vùng ven dễ dàng bắt gặp những đống RTXD, xà bần đổ tràn lan ở những khu đất trống hai bên vệ đường gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng vệ sinh môi trường. Tuyến đường Võ Văn Kiệt thuộc địa bàn phường An Tây và Thủy Xuân là một điển hình. Dọc hai bên tuyến đường, chỗ nào chưa có nhà, công trình thì đều trở thành điểm đổ rác thải. Ngay ở khu vực tập kết tạm thời của thành phố dù đã đóng cửa và có dây ngăn cách nhưng vẫn không hiếm trường hợp người dân phá rào đến đổ rác thải xây dựng. Bà Phạm Thị Phương Mai, Chủ tịch UBND phường An Tây cho biết, rác thải xây dựng đang ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của phường An Tây, làm ô nhiễm môi trường và khiến người dân bức xúc. Vấn nạn này cộng với việc chưa được đầu tư hoàn chỉnh về hạ tầng khiến cho việc phát triển đô thị ở An Tây khá chậm, do tâm lý e ngại của người dân khi xây dựng nhà ở khu vực này.

Rác thải đổ tràn lan trong các khu dân cư

Cũng theo bà Phạm Thị Phương Mai, phát hiện hành vi đổ RTXD rất khó khăn, bởi việc đổ rác thường diễn ra rất lén lút, vào thời điểm buổi tối hoặc buổi trưa trong khi tổ quản lý đô thị chỉ có 3 người, chủ yếu tập trung vào việc quản lý xây dựng trên địa bàn.

Một vấn nạn phức tạp và tạo ra nhiều hệ lụy hơn, đó là tình trạng đổ đất, rác thải xuống kênh rạch, ao hồ. Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân cho biết, thời gian qua, phường đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm việc đổ đất, RTXD làm ảnh hưởng dòng chảy, kênh rạch. Với những trường hợp này, lực lượng chức năng của phường đều tiến hành lập biên bản xử lý và yêu cầu người vi phạm trả lại nguyên trạng. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều trường hợp “xe dù” lén lút đổ RTXD và tình trạng người dân đổ đất lấn chiếm diện tích kênh mương theo hình thức “mưa dầm thấm lâu” cũng rất khó phát hiện.

Ông Lê Quang Lân, Đội phó Đội Quản lý đô thị TP. Huế cho rằng, với lực lượng 7 người và cơ chế phối hợp còn chưa chặt chẽ như hiện nay thì việc phát hiện và xử lý những vi phạm về đổ RTXD, xà bần, vi phạm hành lang kênh mương, ao hồ còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế, số lượng vụ việc bị phát hiện, xử lý không nhiều, mức xử phạt từ 1 - 2 triệu đồng/trường hợp vi phạm theo quy định hiện hành cũng chưa đủ sức răn đe.

Cần giải pháp khả thi

Trong quá trình đô thị hóa, RTXD sẽ ngày càng tăng và sẽ là áp lực lớn đối với chính quyền đô thị. Theo ông Lê Quang Lân, cùng với lực lượng quản lý đô thị, cần có sự vào cuộc của chính quyền cơ sở để nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm tra phát hiện và xử lý vi phạm, bởi chính quyền cấp phường hoàn toàn có đủ thẩm quyền để xử lý. Với những trường hợp nghiêm trọng vượt quá mức xử lý của cấp phường (cấp phường mức phạt chỉ đến 5 triệu đồng) thì phối hợp với Đội Quản lý đô thị tham mưu UBND thành phố xử lý.

Vấn đề có tính lâu dài đó là phải có quy hoạch - xây dựng các bãi chứa loại rác thải này. Thực tế, với quỹ đất thành phố đang khan hiếm, vấn đề tìm bãi tập kết RTXD  là không hề đơn giản. TP đã chỉ đạo và giao Công ty cổ phần Môi trường đô thị tiến hành khảo sát, lựa chọn thêm các điểm đổ, nhưng đang rất khó khăn vì phải vừa đảm bảo thuận lợi cho dân vừa thuận tiện cho công tác quản lý và phải có thời gian sử dụng vài năm trở lên. Và quan trọng hơn đó là việc cân nhắc việc nên hay không tận dụng RTXD, hoặc đất đào không rõ nguồn gốc để san lấp mặt bằng các khu quy hoạch dân cư. Bởi, nếu có dùng RTXD hoặc đất không rõ nguồn gốc để san lấp người dân sẽ xới lên và tiếp tục xúc đi đổ ở những nơi khác, gây lãng phí tiền của xã hội.

Ông Nguyễn Văn Hoành, Tổ trưởng tổ dân phố 8, KV2, phường Thủy Xuân, TP. Huế cho rằng: Người dân cần kịp thời phản ảnh thông tin lên cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng về việc vi phạm. Người dân cũng mong thành phố có “đường dây nóng” để kịp thời nhận tin báo của bà con nhân dân thông tin về vi phạm trật tự đô thị, người dân cũng có thể chụp ảnh để gửi cho cơ quan chức năng có chứng cứ để xử phạt nguội các đối tượng vi phạm.

6 tháng đầu năm 2016, Đội Quản lý đô thị thành phố đã phát hiện và lập biên bản xử lý 55 trường hợp đổ đất đá, phế liệu xuống sông, hồ công cộng, trong đó xử phạt 13 trường hợp với số tiền 28,8 triệu đồng, 42 trường hợp còn lại được xử lý với hình thức viết cam kết và khắc phục trả lại nguyên trạng.

Quang Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Góp phần xây dựng cổng trường an toàn

Hình ảnh nhiều phụ nữ, đoàn viên thanh niên, cựu chiến binh tổ chức kẻ vẽ nơi đậu xe cho phụ huynh trước các cổng trường được nhiều người tấm tắc khen. Dù chỉ là những việc làm nhỏ, nhưng góp phần làm cho cổng trường thực sự là nơi an toàn đối với học sinh.

Góp phần xây dựng cổng trường an toàn
Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

Chiều 8/4, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị để nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 và thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

TIN MỚI

Return to top