ClockThứ Năm, 11/02/2016 05:10

Vấn vương Huế

TTH - Từng nhiều lần đến Huế, giờ đây khi mái đầu đã bạc, tôi vẫn vấn vương một nguyện ước với vùng đất thơ mộng này.

Nhớ lại, có lẽ tôi biết tới Huế, dù là một cách mơ hồ, dù không hẳn là Huế, từ cái thời còn học vỡ lòng. Khi ấy, giữa lòng Hà Nội có một con phố dài mang tên cố đô, chạy từ cửa ô Cầu Dền, tên chữ là ô Yên Ninh, chỗ tiếp giáp mấy con đường Đại Cồ Việt, Bạch Mai đến cuối phố Hàng Bài. Nhà tôi khi ấy ở phố Nguyễn Công Trứ, xế cửa Nhà máy rượu. Từ đó, muốn đi lên Bờ Hồ  phải đi bộ vài trăm mét ra bến tàu điện ở phố Huế. Ngay từ lúc ấy, không hiểu sao trong cái đầu non nớt của tôi lại nảy ra một câu hỏi: Sao có phố Huế mà không có phố Sài Gòn? Là vì trong kháng chiến chống Mỹ, Hà Nội kết nghĩa với Huế, Sài Gòn. Sau này mới biết, tên phố Huế có từ thời Pháp thuộc. Hà Nội còn có đường Nam Bộ, nơi bắt đầu con đường thiên lý từ Hà Nội đi phía Nam, chạy tuốt vào Sài Gòn. Chắc vì thế mà không đặt tên phố Sài Gòn.

Dáng chiều. Ảnh: Văn Đình Huy

Phố Huế thời ấy, trong kí ức tôi hay gợi tới cảm giác mát lạnh, ngọt ngào của que kem Cẩm Bình. Hà Nội thời ấy chỉ có vài hàng kem, mà kem Cẩm Bình tọa lạc chỗ đầu phố Huế khá nổi tiếng. Cơ sở may hàng xuất khẩu mà mẹ tôi làm việc gần đấy. Mỗi lần được nghỉ học theo mẹ đi làm, thể nào tôi cũng được mẹ cho đồng một hào màu đỏ để ăn kem Cẩm Bình. Phố Huế còn có chợ Hôm, một trong những chợ lâu đời của Hà Nội cùng chợ Đồng Xuân, chợ Hàng Da, chợ Mơ… Tôi có bà trẻ người làng Quỳnh Lôi bán hàng rổ rá, mây tre ở chợ. Thỉnh thoảng được chị giúp việc đưa ra, lần nào tôi cũng được bà cho ăn quà. Khi thì cặp bánh giày dò, lúc chiếc bánh rán mật… Trước lúc về, bao giờ bà cũng ôm tôi vào lòng, thơm vào hai má rồi dúi cho tờ bạc hai hào màu xanh vào túi áo ngực… Giờ nghĩ lại, còn chút gì về Huế trong tôi thuở bé thơ là một con phố có tiếng leng keng tàu điện, có vị mát lạnh ngọt ngào của que kem Cẩm Bình, vị ngọt ngào của chiếc bánh rán chợ Hôm và mùi trầu vỏ thơm nồng nàn trong vòng tay âu yếm của bà trẻ… Sau này, theo đòi nghề viết lách, tôi còn được biết trên phố Huế, đối diện cửa chợ Hôm còn có số nhà 96, nơi sống và làm việc của nhiều văn nghệ sĩ, trong đó có vợ chồng nghệ sĩ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ.

Đã có lúc, tôi tưởng mình sẽ được đặt chân tới Huế, được gặp người dân Huế, ngắm những cô gái Huế trong tà áo dài tha thướt tím. Ấy là vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, khi tôi cùng đơn vị đứng chân phía bắc sông Mỹ Chánh, với tâm thế sẽ tiếp tục tiến về phía Nam, vào Huế… Mọi sự không diễn ra như dự định, thế nhưng tôi cũng vẫn được gặp người Huế,  mà là một cô gái Huế bằng xương bằng thịt sau đó không lâu. Tết Qúy Sửu - 1973 là cái tết đáng nhớ của người Hà Nội. Hiệp định Paris được kí kết. Bóng đen của chiến tranh với những đợt bom rải thảm hồi cuối tháng chạp năm 1972 tạm lùi xa. Người Hà Nội trở về từ nơi sơ tán, cũng đã có những người lính từ mặt trận trở về. Dù trong mỗi gia đình, trong sâu thẳm nỗi lòng vẫn còn đó niềm đau đáu về người đi xa, người Hà Nội có đủ lý do để ăn một cái Tết đàng hoàng,ấm áp. Chợ hoa Tết chỗ Cống Chéo Hàng Lược, nơi phố cổ vốn chưa bao giờ ngừng họp trong những năm chiến tranh phá hoại, nay lại càng đông vui, rực rỡ. Trong cái không khí háo hức ấy, tôi- một chú lính vừa trở về từ Quảng Trị - được gặp cô gái Huế trong bữa tiệc sinh nhật một người bạn. Duyên trời run rủi, ngay từ cái nhìn đầu tiên, chú lính trẻ đã bị hút hồn bởi ánh mắt trong veo, làn da nâu mịn màng với lớp măng tơ nơi gò má và đặc biệt là cặp môi mọng đỏ duyên dáng, mời gọi.

Có lẽ cũng do duyên trời run rủi, em hình như cũng có thiện cảm với tôi, chắc là do vẻ lạc lõng của bộ quân phục bạc màu giữa những chiếc áo khoác may bằng vải sợi tổng hợp sang trọng, đang là mốt diện Tết của giới trẻ Hà Nội năm ấy. Cũng duyên trời run rủi, ngay sau lần gặp đầu tiên tôi mời được em đi chợ hoa Tết, được mê mải ngắm em vô tư bên những nhánh đào, khóm cúc với làn khăn voan màu tím Huế hờ hững trên vai cùng tấm áo len màu tím sậm...

Và Tết ấy, chắc cũng lại do ông trời run rủi, tôi được em mời đến xông đất vào sáng mồng một. Ba mẹ em đều là người Huế, tập kết ra Bắc và sinh em ở Hà Nội. Như bao gia đình công chức Hà Nội thời đó, em cùng ba mẹ ở trong căn hộ nhỏ một phòng, thiếu thốn tiện nghi nhưng ngăn nắp, ấm cúng, phảng phất đây đó phong vị Huế. Huế từ giọng nói nằng nặng, còn giữ nhiều thổ âm của ba em, từ giọng Huế đã nhẹ đi ít nhiều do gần hai chục năm sống ở đất Bắc của mẹ em, từ  chiếc áo len mỏng màu tím nhạt mà em hờ hững khoác, từ bức tranh làng Sình có hình hai đô vật tranh tài trong hội Xuân mà ba em bảo ông mang theo từ hồi đi tập kết… Ông bà mời tôi uống trà nóng với mứt gừng. Bà bảo, Tết Huế không thể thiếu mứt gừng. Dường như nỗi nhớ quê có dịp bộc lộ, bà rủ rỉ kể cho tôi về món mứt đặc trưng xứ Huế, được các bà nội trợ đất thần kinh chế biến từ củ gừng Tuần, thứ gừng trồng trên vùng đất sỏi, nơi hợp lưu của hai nhánh tả, hữu sông Hương. Ba em, một cựu học sinh Quốc Học thì nhắc lại đến mấy lần, trời, phải chi con có lần về ăn Tết Huế!

Cách nói của ông, từ “con” theo cách gọi của phương Nam làm dấy lên trong tôi một hy vọng. Và cũng tại em, cuối xuân ấy, khi hai đứa ngồi ngắm màn mưa bụi rây rắc một chiều Hồ Tây, em thủ thỉ: Thế nào cũng có lần chúng mình về ăn Tết Huế…

Thoáng chốc mà tóc trên đầu đã bạc. Ông trời run rủi cho tôi được gặp em, rồi lại khiến mỗi đứa một phương. Từng nhiều lần qua lại Huế. Đã có những người bạn thân ở Huế, thân đến mức có thể “ vòi” bạn gửi cho hũ tôm chua, chai rượu làng Chuồn hay dăm trái vả vườn nhà… Vậy nhưng trong tôi vẫn còn đó cái mong ước vấn vương từ thời trai trẻ, ước chi một lần về ăn Tết Huế. Chẳng phải là không thể, chỉ là tôi vẫn cứ mong giữ mãi niềm vấn vương vô cùng đẹp đẽ mà thôi….

Phương Quang

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top