ClockChủ Nhật, 11/06/2017 14:06

Vào đời...

TTH - Dẫu sao mũ cử nhân cũng đã tung lên rồi, hy vọng cũng đã trao đi, mấy người trẻ lại bước vào ngôi trường mới của chính mình, cái mà lâu nay họ vẫn gọi là trường đời.

Với nhiều sinh viên bên cạnh niềm vui tốt nghiệp ra trường đó là nỗi âu lo khi phải đối mặt với hành trình xin việc gian nan

Các con chữ cứ đánh ra, xóa vào, đánh ra xóa vào hoài không "kiên định". Nó tính thay mặt chủ bảo tụi tôi đang lo không có việc nhưng cái đầu gằn giọng: “Thất nghiệp mà cứ khoe hoài, nhắc hoài không biết dị”. Thế là các con chữ sợ, lại chạy ra chui vào, hoang mang như người ngồi trước bàn phím.

Thời gian chạy cái vèo như thể không kịp dừng đèn xanh đèn đỏ, thoắt một cái bằng khen được nhận đã xếp theo tá, dù càng về sau thành tích có đôi chút khác biệt, các giấy tờ khác kể cả bản kiểm điểm cũng ký hoài đếm không hết. Rồi cái lúc lén nhìn từ trên tầng cao đầy ngưỡng mộ mấy anh chị làm hành động tung mũ cử nhân hồi hè năm trước giờ cũng đã đến lượt. Cái mũ, đoạn đó không vừa với mình, chắc chế ra cốt chỉ để tung lên rồi nhặt lại nên mỗi khi đội là phải cặp tứ lung tung cả. Khi ấy còn lầm bầm hoạch họe, nhưng có lẽ, nó sinh ra là để tung lên cao, như chúng tôi tung ước mơ của mình lên trời, chắc kéo cả hy vọng theo nữa để mong đi rồi không trở lại được. Hoặc chăng là để bảo “chúng mày free rồi, đừng ở lại nữa vì không còn ai dạy, không còn ai nuôi”.

Ngày tung mũ hẳn là vui, nhưng giờ thì lo gần chết. Tất cả rục rịch xin tìm chỗ thử việc hết cả. Hồi trước thì cù rủ đi bán cà phê chung, đi bán áo quần cùng nhưng giờ đứa nào thân thân thì còn có cửa, chứ tụi nó âm thầm tự đi hết. Chắc là sợ bị bạn giành phần. Tôi biết tỏng nhưng chẳng nói, vì hiểu rõ đó là cái lo hiển nhiên của tuổi trẻ. Mà lạ, học một đằng mà ít thấy đứa nào nhắm việc trúng hay mém trúng chuyên ngành một chút. Dẫu đã trừ ra số được ba mẹ hay anh chị định hướng từ trước, thì số còn lại vẫn rất nhiều.

Tôi chơi với một nhóm 5 người, đứa không tin ngành mình giờ dễ có việc nên học thêm vài ba bằng nữa để về gõ đầu trẻ, đứa học văn học ngoại quốc hay quan hệ ngoại giao 4 năm muốn khùng lên thì giờ đã là bà chủ của một xe trà sữa nhỏ. Đoạn tôi hỏi, tụi nó còn chem chẻm “ừ thì đi dạy tiếng Anh này, ừ thì trà sữa xuất xứ từ nước ngoài, tao đi ngoại giao mãi mới ký hợp đồng chuyển giao công nghệ được đấy mày ạ”...

Niềm vui trong lễ tốt nghiệp

Ngộ nhất là hai nhân vật, một cũng trầy trật để qua môn nhưng rồi lại về buôn mỹ phẩm nội địa và không có ý định theo tiếp con đường học vấn. Được mấy bữa, tôi thấy nàng cũng long nhong tìm việc. Cứ ngỡ nàng kiếm được chân tiếp tân khách sạn như lúc trước vui vẻ khoe nên đứa nào cũng hồ hởi chúc mừng. Mà kì thực nàng lại chấp nhận ngày đứng 8 tiếng đợi giới thiệu bán điện thoại tại một cửa hàng lớn ở trung tâm thành phố. Đứa còn lại thì lỡ lấy chồng sớm, giờ chắc đang nằm nhà thui thủi đợi anh chồng mở cho tiệm tạp hóa gần nhà. Hồi cùng ngồi nói chuyện, cô nhân viên điện máy là đứa hăm hở nhất dù lắm lúc xen kẽ nỗi lo không biết tháng này có chạy đủ số lượng, còn bà chủ tạp hóa tương lai thì im phăng phắc vì chắc tiếc tuổi thanh xuân chưa nở đã già.

Chúng tôi hay bảo nhau khùng vì vác xác ngày nắng ngày mưa học học học, nhưng rồi ra trường đều bỏ xó cả. Mà biết làm sao được, hồi đại học, ngoài những quyết định hợp tác giữa nước này với nước khác thì còn có một đống công thức phân chia tài sản. Mấy môn này đối với dân ngoại ngữ là cả một dấu chấm hỏi to đùng. Không ai hiểu nó có mặt để làm gì và mục đích nó đến với hành tinh này là chi. Chẳng nhẽ hồi sau ra đời có đứa ghi nhớ để mong thực hành chia cái nhà, đôi đũa với người nó thương. Mấy chuyện này thiệt khó, ai mà làm được. Cả lũ không tiếc khoảng thời gian đi học, nhưng cô bảo nghề chọn mình mà đồng thời tiền nhà, phí sinh hoạt hay tiền chơi lễ lược cũng cùng lúc bấm nút quay lại nên tất cả đều làm cố trước. Chí ít cũng có chút vốn để hồi rảnh rỗi có thể nghĩ về việc gắn bó với chuyên ngành. 

Mà còn nữa, để làm cố đâu có dễ. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao các phòng gym mở ra nhan nhản rồi. Đã qua rồi cái thời “tút lại vẻ đẹp trai”, giờ giữ dáng là còn để dễ bề có việc. Dù sao khách hàng vẫn muốn làm việc với một nhân viên có ngoại hình cân đối hơn là những người lùn xủn bụng bia mà, đúng không. Chắc có lẽ đó cũng là lý do vì sao trong những thông báo tuyển nhân sự đều có những gạch đầu dòng rất to “Ngoại hình cân đối, dễ nhìn”.

Trời cứ nóng lên hoài, như thiêu đốt thêm cái lo tuổi trẻ của những người mong nhàn hạ trong phòng máy lạnh hay kẻ chấp nhận lao nhao ngoài đường để theo đuổi ước mơ. Những cái đó đều tốt, nhưng đều là những đoạn đường chông gai. Chắc chắn là vậy.

Bài, ảnh: HANI 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sắm tết

Năm mới bắt đầu tiến gần hơn đến những trạm dừng chân cuối cùng. Mấy câu hát, nhạc xuân rình rang nhờ đó được mùa tua lui, tua tới từ cặp loa giấu kỹ hai bên cổng vào của nhiều hàng quán đông đúc.

Sắm tết
Người trẻ bận rộn

Ngẫm lại, thấy ngày dài trôi qua rất vui, rất mệt nhưng mấu chốt vẫn là mình đã nhận ra, mình cũng đang muốn đi để trở về...

Người trẻ bận rộn
Trẻ & sách

Cuối hè đầu thu, mưa bắt đầu ỉ ê từng đợt, rồi lại ngừng liên tục. Đối với một số người nhạy cảm, thì nước chỉ chực lách tách vài giọt là lòng đã trào dâng xúc cảm. Mà lạ, tôi chỉ thấy mình trơ ra, dù lắm khi cũng tặc lưỡi: cảm xúc nhiều vô hạn.

Trẻ  sách
Bà nội, bà ngoại

Đỉnh điểm của sự trẻ con thường được nổ ra nhiều lần trong ngày, thường là một người 84 chê một bà 80 làm chậm; bà nhỏ hơn yếu thế, không nói lại được nên thủ thỉ với cháu “ngoại ở nhà chướng quá, sau cả mấy mươi năm mà nấu từng này muối, từng kia đường cũng lăn tăn được”.

Bà nội, bà ngoại
Góc cũ

Ngày Huế có chút trở lạnh, mưa cứ tí tách rơi hoài rơi. Có những người rúc mình vào quán hít hà cái ấm từ tách cà phê tươi, có người trầm ngâm bên ánh đèn vàng cổ nhìn ra màn nước. Cảnh này lặp đi lặp lại nhiều ở mấy quán cà phê xưa, cái xưa làm người ta muốn níu kéo hoài niệm đang dần trôi theo Huế hiện đại.

Góc cũ
Return to top