ClockThứ Năm, 30/03/2017 12:08

Vay vốn cho người khuyết tật

TTH - Dự án “Dạy nghề và tín dụng nhỏ cho thanh niên khuyết tật và gia đình thanh niên có người khuyết tật” từ nguồn vốn do Hội Chữ Thập đỏ Tây Ban Nha tài trợ, được Hội Chữ Thập đỏ xã Thủy Vân (thị xã Hương Thủy) triển khai từ năm 2009, có kỳ hạn 3 năm với tổng số tiền cho vay 73 triệu đồng mỗi kỳ.

Đến nay, dự án trải qua hai kỳ luân chuyển vốn và thực hiện có hiệu quả. Ông Bùi Văn Phương, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ xã Thủy Vân, cho hay: “Chúng tôi luôn tìm hiểu gia cảnh của từng hộ trong xã, qua đó chọn lọc những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, có nguyện vọng vay vốn để làm ăn kinh tế”.

Mới buổi sáng nhưng quầy tạp hóa của bà Đào ngay chân cầu ở thôn Xuân Hòa (xã Thủy Vân) đã tấp nập người ra vào. Bà Đào là giáo viên hưu trí, chồng bị mù và tai biến dẫn đến liệt toàn thân, không có khả năng lao động. Năm 2009, với số tiền 3.000.000 đồng vay từ nguồn vốn Hội Chữ Thập đỏ Tây Ban Nha, bà mở một tiệm tạp hóa nhỏ. Năm 2012, sau khi đã hoàn trả vốn kì trước, bà được cho vay kì hạn mới 5.000.000 đồng. Số tiền đó bà dùng để mở rộng quy mô, tăng số lượng hàng hóa. Đến nay kinh tế gia đình đã phần nào khấm khá hơn.

Bà Bé (thôn Công Lương, xã Thủy Vân) khuyết tật, gia cảnh neo đơn, sau khi mẹ già mất bà sống một mình. Thấy hoàn cảnh khó khăn, Hội Chữ Thập đỏ xã xét cho bà vay vốn làm ăn. Sau 2 kỳ vay vốn tổng số tiền 8.000.000 đồng, bà Bé tăng gia sản xuất, nuôi heo, gà, vịt và chằm nón. Thu nhập ổn định trên 3.000.000 đồng/tháng. Bà Bé tâm sự: “Hồi trước cực lắm, sau khi được vay vốn, tôi bắt đầu chằm nón, rồi nuôi cặp heo, sau đó nuôi thêm gà, vịt. Đến giờ qua được đói nghèo”.

Bà Gái bị teo hai chân, gia cảnh nghèo khó. Sau khi vay vốn từ Hội Chữ Thập đỏ xã để làm ăn, bà mở một quầy bán mì. Quầy mì của bà đắt khách, đa phần là bà con địa phương tới ủng hộ. Bà Gái chia sẻ: “Nguồn vay vốn thật sự rất có ý nghĩa , giúp tôi có một công việc để nuôi sống bản thân mình”.

Đó chỉ là 3 trong số 17 người được vay vốn làm ăn từ dự án. Dù nguồn vốn không lớn, nhưng thời gian qua, Hội Chữ Thập đỏ xã Thủy Vân đã quan tâm tìm hiểu sâu sát đời sống của người khuyết tật ở địa phương, triển khai cho vay vốn để người dân làm ăn, kinh doanh, đó còn là cách để người khuyết tật hòa nhập bình đẳng với xã hội trong môi trường lao động.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ tỉnh đánh giá: “Xã Thủy Vân là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả nguồn vốn của Hội Chữ Thập đỏ Tây Ban Nha, tạo điều kiện cho người khuyết tật và gia đình có người khuyết tật làm kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống”.

Phước Ly

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập

Nhiều chương trình, hoạt động, dự án hỗ trợ người khuyết tật (NKT) được triển khai trên địa bàn tỉnh đã giúp NKT cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.

Hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập
Cải thiện đời sống cho người khiếm thị

Tiếp tục tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người mù, người khiếm thị là mục tiêu được Hội Người mù (HNM) tỉnh chia sẻ vào chiều 1/12 trong lễ tọa đàm nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Người khuyết tật (NKT) 3/12.

Cải thiện đời sống cho người khiếm thị
Gần 2 tỷ đồng hỗ trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi

Sáng 30/11, Hội Người khuyết tật (NKT) – Bảo trợ NKT và Trẻ mồ côi tỉnh tổ chức tổng kết công tác Hội, đồng thời kỷ niệm ngày Quốc tế NKT 03/12 với chủ đề: “Chung tay hành động để bảo toàn và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững với NKT, do NKT và vì NKT”.

Gần 2 tỷ đồng hỗ trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi
Return to top