ClockThứ Sáu, 06/05/2016 14:26
KỶ NIỆM 62 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954-7/5/2016)

Về chiến trường xưa

TTH - Chúng tôi rất vui và có dịp đến Điện Biên tham quan vùng chiến trường xưa, nơi đã ghi dấu chiến dịch 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ (ĐBP) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; để cảm nhận được chiến công hiển hách một thời chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

62 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954-7/5/2016. Ảnh: Internet

Lần đầu cả gia đình lên Điện Biên, chúng tôi đến tham quan khu Tượng đài Chiến thắng trên đồi D1. Đây là một cứ điểm cao nhất của dãy đồi phía Đông Điện Biên. Vào lúc 17 giờ, ngày 30/3/1954, quân ta được pháo binh yểm trợ, 2 tiểu đoàn 166 và 154 (Trung đoàn 209, Đại đoàn 312) đã tấn công chiếm được đồi D1 này. Sau đó, Tiểu đoàn 154 lo chốt giữ vị trí để tạo thế tấn công của quân ta tiến đánh vào trung tâm tập đoàn căn cứ địa của giặc. Giờ đây, trên đỉnh đồi này được dựng một tượng đài cao với hình tượng quân ta phất cờ chiến thắng.

Tiếp đó, chúng tôi đến tham quan căn hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm của giặc ở ĐBP. Đến xem căn hầm chỉ huy sở của tướng Pháp Đờ Cát, chúng tôi rất ấn tượng bởi chính nơi này kết thúc chiến dịch ĐBP, tổ anh Tạ Quốc Luật đã đến phất cao ngọn cờ chiến thắng của quân ta trên nóc hầm chỉ huy của giặc. Tôi còn nhớ vào ngày 22/5/1954, lễ thành hôn cậu tôi là tướng Cao Văn Khánh (quê Thừa Thiên Huế), nguyên Đại đoàn phó Đại đoàn chủ lực 308 tham gia chiến dịch ĐBP) cùng với mợ tôi là Nguyễn Ngọc Toản (nữ quân y sĩ của chiến dịch) diễn ra trong căn hầm này sau nửa tháng, ngày mà ĐBP hoàn toàn được giải phóng. Sau này cậu tôi kể với tôi rằng: “Cậu mợ yêu nhau trước khi vào chiến dịch ĐBP, nhưng vì chiến tranh đang tiếp diễn ác liệt nên cậu mợ chưa nghĩ đến chuyện cưới nhau. Sau ngày quân ta toàn thắng ĐBP, ông Vương Thừa Vũ (Chính ủy, Đại đoàn trưởng Đại đoàn chủ lực 308) khuyên cậu mợ nên tổ chức thành hôn sau ngày thắng lợi lớn này của dân tộc là rất hay, rất có ý nghĩa… Vì thế, cậu mợ đã trở thành vợ chồng trong một thời khắc đặc biệt như vậy. Thật là một kỷ niệm nhớ mãi trong cuộc đời quân ngũ của cậu mợ…”.

Sáng ngày hôm sau, chúng tôi đến tham quan vùng đồi A1, một căn cứ quan trọng bậc nhất trong 5 quả đồi phòng tuyến phía Đông của quân giặc để bảo vệ khu trung tâm Tập đoàn cứ điểm Mường Thanh. Nơi đây quân địch bố trí nhiều binh lực, hỏa lực rất mạnh và công sự trận địa kiên cố. Trận tấn công đồi A1 là trận diễn ra ác liệt nhất. Qua 39 ngày đêm chiến đấu liên tục, quân ta đã đánh bại được 30 đợt phản công của địch. Hầm chỉ huy kiên cố nhất ở cứ điểm A1 của quân giặc bị các Đại đội 315 và 317 (Tiểu đoàn 249, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316) của ta chiếm được vào đêm 6/5/1954.

Những di tích lịch sử tại ĐBP đã để lại cho chúng tôi cũng như du khách trong nước và ngoại quốc nhiều ấn tượng sâu sắc, xúc cảm. Nhất là chiến tích ở vùng đồi A1. Nơi đây quân Pháp xây đắp các đồn bốt kiên cố, có 5 lớp hàng rào dây thép gai và các bãi mìn xen kẽ để bảo vệ; có hầm hào giao thông từ thấp lên cao và có trang bị vũ khí trung liên, đại liên, súng cối… để đánh lùi quân ta từ dưới chân đồi lên dần. Do đó, quân ta nhiều lần đánh đồi A1 vẫn không thành, bị hy sinh rất nhiều. Sau đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch ĐBP đã bàn mưu kế đánh thắng cho được đồi A1-một cứ điểm quan trọng của quân giặc. Mật kế đó là việc đào hầm ngầm xuyên sâu dưới đồi A1 dẫn đến trụ sở chỉ huy của giặc ở sát đỉnh đồi này. Quân ta cho một khối lượng bộc phá lớn đánh nổ tung sở chỉ huy của giặc trên đồi, tiếp đó ào ạt xung phong lên chiếm lĩnh được đồi A1. Trận đánh đồi A1 làm cho quân địch vô cùng hoảng hồn, lo sợ cho số phận các cứ điểm khác trong vùng Điện Biên.

Chúng tôi tiếp tục đến thăm vùng núi đồi thuộc Sở chỉ huy chiến dịch ĐBP. Tại đây có các lán trại chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiếu tướng Hoàng Văn Thái. Các lán trại sát bên vách núi và có căn hầm chiến lược dài 62 m, vừa là nơi trú ẩn, vừa là nơi làm việc an toàn. Ngoài ra, trong vùng rừng núi này có thêm các lán trạm công vụ khác.

Đến thăm Nhà Bảo tàng chiến thắng ĐBP, càng biết thêm được tinh thần vượt gian khó, kiên cường, quyết tâm chiến đấu để giành thắng lợi của quân và dân ta. Như chuyện kéo pháo vào, kéo pháo ra, rồi kéo pháo vào; bí mật đào hào ngầm lên đồi A1 và chiến đấu hy sinh anh dũng mấy chục đêm ngày; chuyện hàng trăm nghìn đồng bào các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Tây Bắc… đi dân công, vận tải lương thực phục vụ cho chiến dịch ĐBP mà nhiều người hy sinh.

Sáng ngày cuối cùng, trước khi bay về Hà Nội, chúng tôi chạy xe dạo quanh thành phố Điện Biên, chạy dọc đại lộ Võ Nguyên Giáp (dài 6 km) sang đường Nguyễn Hữu Thọ để ngắm nhìn rõ con sông Nậm Rốm hiền hòa mang phù sa về xuôi lặng lẽ. Nhiều cây hoa ban nở trắng xóa. Chúng tôi dừng chân chụp ảnh kỷ niệm dưới những cây hoa ban đặc trưng của miền rừng núi Tây Bắc.

Theo tổng kết Chiến dịch ĐBP của Bộ Quốc phòng thì toàn bộ chiến dịch ĐBP ta huy động hơn 60 nghìn quân, gồm 10 trung đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công binh và pháo binh. Quân giặc huy động 16 nghìn quân, một đại đội xe tăng, một phi đội máy bay, 420 máy bay, thả 5.000 tấn bom. Tổn thất binh sĩ của quân ta trong chiến dịch Điện Biên là: 4.020 tử trận, 9.118 bị thương. Phía quân Pháp tử trận là 2.293 và bị thương là 6.650. Số quân Pháp bại trận ra hàng bị ta bắt tù binh là 11.721. Về trang bị, khí tài của giặc có 59 phi cơ bị phá hủy, 186 phi cơ bị trúng đạn hư hại, rất nhiều loại vũ khí nặng, xe tăng bị hỏng. Quân ta thu được 3 xe tăng, 28 đại bác, 5915 súng các loại và rất nhiều quân trang, quân dụng…

 Chiến thắng ĐBP là một thắng lợi quân sự lớn nhất trong cuộc  kháng chiến chống Pháp 1945 – 1954 của Việt Nam. Bằng thắng lợi quyết định  này, lực lượng QĐNDVN do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã buộc quân Pháp tại Điện Biên Phủ phải đầu hàng vào ngày 7/5/1954 và sau đó phải rút khỏi Đông Dương”.

 Bút ký của Nguyễn Hồng Trân  

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhà sử học Anh đánh giá chiến thắng Điện Biên Phủ là sản phẩm của thực tiễn chính trị và quân sự độc đáo

Những hy sinh to lớn làm nên chiến thắng quyết định ở Điện Biên Phủ năm 1954 là sản phẩm của thực tiễn chính trị và quân sự độc đáo, xuất phát trực tiếp từ những phẩm chất cá nhân và trí tuệ xuất chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được vận dụng và phát triển trong tập thể Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo nên con đường bền vững đi đến tự do, duy trì và nâng cao cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Nhà sử học Anh đánh giá chiến thắng Điện Biên Phủ là sản phẩm của thực tiễn chính trị và quân sự độc đáo
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc

Ngày 11/4, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và tỉnh Điện Biên tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc
Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới

Chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc Việt Nam là biểu tượng của phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa, các dân tộc bị áp bức, bóc lột trên thế giới. Đây là lời khẳng định của Giáo sư Ezequiel Ramoneda, điều phối viên Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (CESEA) thuộc Viện quan hệ quốc tế Đại học quốc gia La Plata Argentina (UNLP).

Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới
Return to top