ClockThứ Sáu, 09/11/2018 05:30

Vẽ ước mơ từ đôi chân

TTH - Không được lành lặn nhưng Huỳnh Thị Thảnh, 29 tuổi, ở thôn Hải Tân (xã Hương Bình, thị xã Hương Trà) vẫn theo đuổi giấc mơ của mình bằng đôi bàn chân không còn nguyên vẹn để khắc họa tình yêu, vượt lên số phận bằng nghị lực phi thường.

Dù thao tác vô cùng khó khăn nhưng niềm đam mê hội họa đã giúp Thảnh có niềm vui trong cuộc sống

Từng động tác gắp bút, đưa lên mặt phẳng trang giấy nhìn sao mà gian nan. Ấy vậy mà Thảnh bảo quen rồi, chỉ cần kéo từ từ sẽ thành hình. Trái với ánh nhìn của người ngoài với cảm giác vất vả, Thảnh cười tươi. Vì rằng, chỉ cần được vẽ là vui.

Nằm trên chiếc giường tre, Thảnh chậm rãi kéo lê từ tờ giấy trắng, nhíu mày, vươn chân kéo cây bút chì, hộp màu lại gần. Thân hình nhích qua, nhích lại một hồi như tìm cảm giác cho tư thế thoải mái nhất để bắt đầu đường vẽ. Khi mọi thứ đâu vào đấy, Thảnh dồn tất cả lực về hai bàn chân rồi kéo đi từng đường nét như ý tưởng đã định sẵn trong đầu.

Cạnh đó, thi thoảng bà Huỳnh Thị Liên (63 tuổi) lại giúp con mình lau từng giọt mồ hôi trên khuôn mặt. Tỷ lệ thuận với niềm vui của Thảnh là được vẽ, thì với bà Liên là được nhìn thấy con vẽ. Nhưng để có được niềm vui như thế này, hai mẹ con phải trải qua hành trình đau đớn. Hồi tưởng lại quá khứ, bà Liên kể rằng, ngày vừa sinh Thảnh cả nhà phải đón nhận tin vô cùng đau đớn: Thảnh nhiễm chất độc da cam.

Mọi thứ như sụp đổ, những tháng ngày sau đó, bệnh tình của Thảnh biến chuyển trầm trọng, tay chân teo lại, không thể đi làm hay cầm được thứ gì. Cho đến một ngày khi Thảnh vừa qua tuổi thứ 3, bỗng dưng cô chân kẹp viết rồi nguệch ngoạc vẽ những nét vẽ đầu đời. Dần dần, tình yêu ấy cứ thế lớn lên cùng năm tháng và trở thành niềm đam mê dẫu biết vô cùng khó nhọc.

Chủ đề trong tranh của Thảnh đơn giản như bất tận, khiến người xem nào khi nhìn cũng phải rươm rướm nước mặt: Mẹ! Trong tranh, Thảnh cùng mẹ đi học, mẹ cõng Thảnh đi chơi… Những bức tranh ấy cũng ngầm nói lên ước mơ, khát khao đến trường, được làm một người bình thường, phụ giúp cho gia đình dẫu chưa một ngày thành hiện thực. “Nhưng rất may mình biết vẽ, mình yêu vẽ và mọi người hiểu mình”, Thảnh nói đầy khó khăn bởi căn bệnh làm miệng cô không thể nói vuông tròn.

Được sự giúp đỡ từ nhiều người, Thảnh có thể kết nối cuộc sống của mình ra bên ngoài thông qua chiếc ti vi và internet. Cũng như vẽ, đôi bàn chân tật nguyền ấy sử dụng để lướt smartphone cũng rất thành thạo. Nhờ thế, cuộc sống của cô trở nên bớt nhàm chán khi nhận được sự sẻ chia từ nhiều người.

Nhiều họa sĩ ở TP. Huế đã kết nối với chương trình Điều ước thứ 7 của Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức cho cô một cuộc triển lãm riêng, ấn tượng, xúc động vào đầu năm với chủ đề “Thảnh vẽ ước mơ”.

54 bức tranh của Thảnh đã được những người tổ chức chương trình bí mật lấy đi rồi đóng khung, treo trang trọng trong không gian phòng tranh Art Gallery Sông Như của họa sĩ Đặng Mậu Tựu – một phòng tranh có tiếng ở TP. Huế. Mọi chuyện được giữ kín, đến giờ khai mạc khi thấy tranh của mình được treo lên ở một không gian trang trọng hai mẹ con Thảnh xúc động và khóc khiến mọi người tham dự hôm đó cũng không cầm được nước mắt.

Cũng trong buổi triển lãm đặc biệt ấy, Thảnh mới chia sẻ cho mọi người biết rằng rất thích vẽ tranh mẹ mặc áo dài nhưng chưa thể may cho mẹ được một bộ áo dài theo đúng nghĩa. Trước câu chuyện ấy, có một họa sĩ đang tham dự triển lãm đã tặng bà Liên một bộ áo dài tím với các họa tiết như những gì mà Thảnh vẽ.

Ngoài ra, Thảnh đã được một họa sĩ khác cũng đã giúp đỡ bằng cách in tranh của cô lên áo để bán du khách và nhận dạy vẽ cho cô bởi khâm phục nghị lực của người con gái tật nguyền vượt qua đam mê, khát khao được thể hiện mình.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cậu học trò năm ấy

Xuân ngẩng đầu lên nhìn tôi rồi ngoảnh mặt đi nơi khác. Nhiều lần tôi cố tình nhìn chăm chăm về phía Xuân để cậu ta không còn “cơ hội” đánh lảng sang hướng khác. Vậy mà dường như đoán biết được lúc nào là có ánh mắt của tôi đưa xuống chỗ ngồi của mình, khi thì cậu cúi mặt xuống, khi thì cậu nhìn mông lung ra cửa sổ, nơi có cây khế sai quả của nhà bác cai trường.

Cậu học trò năm ấy
Gần 1.000 học sinh tham gia Ngày hội trải nghiệm ước mơ

Ngày 3/3, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên tỉnh phối hợp với Trường cao đẳng Du lịch Huế tổ chức chương trình Ngày hội trải nghiệm ước mơ năm 2024 dành cho học sinh lớp 9 các trường trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn tỉnh.

Gần 1 000 học sinh tham gia Ngày hội trải nghiệm ước mơ
Du học khi ước mơ đủ lớn

Không dễ có quyết định cho con sống xa nhà tận trời Tây, khi các em đang ở độ tuổi “Ăn chưa no, lo chưa tới”. Tuy nhiên, với nhiều chương trình du học hấp dẫn mời gọi, nhiều phụ huynh sẵn sàng chi “tiền trăm, bạc triệu” cho con có những trải nghiệm thú vị ở xứ người.

Du học khi ước mơ đủ lớn

TIN MỚI

Return to top