ClockChủ Nhật, 11/02/2018 07:43

Về với biển

TTH - Sắc xuân đã ngập tràn trên mọi nhà, mọi nẻo đường các làng quê ven biển, khỏa lấp những gì mà sự cố môi trường biển (SCMTB) tàn phá cách đây hơn một năm.

Ngư dân Quảng Công được mùa cá cơm

Tết vui

Với ngư dân các vùng quê ven biển dường như xuân này về sớm hơn mọi năm. Ông Hà Văn Thở, ngư dân ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) hồ hởi: “Năm qua làm ăn viên mãn nhờ biển đã thật sự “hồi sinh”! "Đầu ra" và giá hải sản đã ổn định. Các chuyến biển xa bờ đều có lãi, ít thì trăm triệu, cao thì hơn nửa tỷ đồng/chuyến”.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, ông Trần Văn Đủ thông tin, người dân toàn thị trấn hầu hết đều dựa vào nghề biển, dịch vụ hậu cần, chế biến, kinh doanh thủy hải sản. Sau trầm lắng do SCMTB, "biển sạch” trở lại nên các hoạt động đánh bắt xa bờ (ĐBXB), kinh doanh hải sản trở lại bình thường. Các nhà hàng, bãi tắm, khu nghỉ dưỡng đã “mở cửa” đón du khách. Tết này Thuận An sẽ tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí, lễ hội cầu ngư,  “mở tiệc mừng biển sạch”...

Ngư dân Phú Thuận trúng mẻ cá lớn

Ông Trần Khang ở thôn Tân Thành, xã Quảng Công (Quảng Điền) dù ngoài 60 tuổi vẫn còn theo con cháu tham gia đánh bắt ven bờ. Nhận tiền bồi thường thiệt hại hơn 17 triệu đồng, ông Khang dùng hết vào việc mua sắm lưới cụ, sửa chữa lại thuyền. Từ sau SCMTB đến nay, thuyền của ông cũng như nhiều ngư dân thôn Tân Thành liên tục trúng đậm cá cơm, cá khoai, nục, bạc má... “Chuyến biển nào cũng thu nhập vài triệu đến vài chục triệu đồng. Tết này đủ đầy hơn hẳn tết trước”, ông Khang xởi lởi.

Ông Nguyễn Hữu Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho hay, nghề biển hồi phục sau SCMTB nên gần đây, nghề “bủa xăm”, “bủa rồng”... ven bờ, vùng lộng của ngư dân liên tiếp gặp luồng cá cơm, cá khoai, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Biển được mùa, ngư dân đón tết sung túc hơn mọi năm.

Sản lượng khai thác thủy sản tăng trên 15%

Sau SCMTB, các cấp chính quyền, ban ngành đồng thời vào cuộc, triển khai chi trả kịp thời kinh phí bồi thường thiệt hại, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người dân. Song song với công tác chi trả, việc tuyên truyền, vận động người dân sử dụng tiền bồi thường đúng mục đích, tư vấn, định hướng chuyển nghề được tiến hành. 

 Hạ thủy tàu vỏ thép ở Phú Vang

Các giải pháp ngăn chặn ô nhiễm, để biển trở lại trong lành được tiến hành rốt ráo, tạo sự an tâm cho ngư dân vươn khơi trở lại. Một bộ phận người dân sử dụng kinh phí bồi thường lo cho con ăn học, trang trải đời sống trong lúc khó khăn, còn lại đều đầu tư mua sắm ngư lưới cụ, trang thiết bị máy móc vươn khơi, bám biển.

Ngư dân Phan Tước ở thị trấn Thuận An cho rằng, nguồn hải sản còn dồi dào, nhất là đánh bắt ở ngư trường xa như Hoàng Sa, Trường Sa. Đáng mừng là từ những tháng đầu năm 2017, giá hải sản đã ổn định trở lại, thời điểm cuối năm có lúc cao hơn nhiều năm trước.

Giá cả và đầu ra ổn định tạo động lực cho ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển. Người dân đánh bắt gần bờ và xa bờ không ngần ngại bỏ vốn hàng chục triệu đến hàng chục tỷ đồng để cải hoán, đóng mới tàu, mua sắm ngư cụ đánh bắt hiện đại. Chỉ trong năm 2017, toàn tỉnh đã cải hoán, đóng mới 52 chiếc tàu ĐBXB công suất từ 400 CV đến trên 800 CV, trong đó có 4 tàu vỏ thép trị giá gần 20 tỷ đồng/chiếc.

Riêng thực hiện chính sách Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay toàn tỉnh đã đóng mới 40 chiếc tàu ĐBXB, công suất từ 400 CV trở lên, trong tổng chỉ tiêu Trung ương giao là 45 chiếc. Ngư dân đang tiếp tục tiến hành các thủ tục vay vốn, đóng mới tàu ĐBXB.

Ông Nguyễn Minh Đức, Chánh Văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, sản lượng đánh bắt hải sản năm 2017 tăng vọt so với năm trước. Sản lượng thủy hải sản năm 2017 đạt 51 ngàn tấn, tăng 12,2%; trong đó khai thác thủy hải sản tiếp tục phục hồi và tăng trở lại sau SCMTB, sản lượng đạt 36,3 ngàn tấn, tăng 15,4% so với năm trước.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kinh phí phê duyệt bồi thường thiệt hại do SCMTB toàn tỉnh là 966,5 tỷ đồng với 46.311 đối tượng. Đến nay, tổng kinh phí đã chi trả là 964,1 tỷ đồng cho 46.284 đối tượng (đạt tỷ lệ 99,7% so với kinh phí phê duyệt).

Trước đó, Trung ương đã cấp tạm ứng cho tỉnh 1.010 tỷ đồng, kinh phí còn lại chưa chi trả 45,9 tỷ đồng, UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ cho địa phương giữ lại để tiếp tục kiểm tra, rà soát, phê duyệt chi trả bổ sung các đối tượng theo Quyết định 1880/QĐ-TTg, ngày 29/9/2016 và Quyết định 309/QĐ-TTg, ngày 09/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Bài, ảnh: HOÀNG THẾ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Vững bến neo

“Vững bến neo” là tâm nguyện, là sự mong ngóng của bao thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển và chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế trong nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể các nhu cầu phát triển nghề cá của bà con ngư dân. Và dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão được xây dựng với kinh phí 220 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành sau hơn ba năm xây dựng. Nằm trước cửa biển Thuận An, cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão trở thành một điểm kết nối, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Vững bến neo
Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động

Đơn vị tư vấn giám sát đang thực hiện đo bình đồ luồng cảng và vùng nước trước cầu cảng Thuận An (TP. Huế) và hoàn thiện các thủ tục gửi Cục Hàng hải Việt Nam để đăng ký công bố mở cảng.

Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động
Những nẻo đường biên cương hoa nở

Để những con đường biên cương hoa nở, đã có rất nhiều trách nhiệm, tình cảm, tâm huyết, mồ hôi của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) nói chung, đặc biệt là tuổi trẻ BĐBP.

Những nẻo đường biên cương hoa nở
Return to top