ClockThứ Sáu, 22/06/2018 12:30

Về vùng tâm lũ

TTH - Ai đã từng tác nghiệp ở vùng tâm lũ (VTL) mới cảm nhận được sự hiểm nguy mà chỉ những người có tâm huyết với nghề mới có thể vượt qua. Trong từng bối cảnh lũ lụt nhất định, mỗi phóng viên gặp những gian nan khác nhau.

Quảng Điền: Nhiều hoạt động du lịch biển 2018Quảng Điền khai mạc ĐH TDTT 2018Quảng Điền: Nhiều hoạt động tại lễ hội Sóng nước Tam GiangQuảng Điền: Cần gia cố đê bao xung yếu trước lũ tiểu mãnQuảng Điền: Hơn 50 lao động tham gia phiên giao dịch việc làm

Phỏng vấn nguyên chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao trong một chuyến kiểm tra tình hình bão lũ

Vượt hiểm nguy

Mùa lũ cách đây mấy năm, tôi và một đồng nghiệp nữ cùng cơ quan về vùng rốn lũ thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong (TX. Hương Trà). Tầm 8 giờ sáng, mưa tầm tã, nước lũ đổ về cuối nguồn sông Hương, tràn qua hầu hết những tuyến đường thấp trũng, đồng ruộng ngập chìm giữa biển nước mênh mông. Muốn qua được thôn Thuận Hòa chỉ mỗi “độc đạo” là đê đập Thanh Niên, song nước lũ khiến tuyến đê ngập quá đầu gối. Tôi nhiều lần đi qua tuyến đường này nên hiểu khá rõ những nơi ngập sâu, nguy hiểm để tránh, chỉ lo cho đồng nghiệp nữ!

Tôi nói: “Nước chảy khá mạnh và ngập sâu đấy, liệu em có đi tiếp được không? Người đồng nghiệp qủa quyết: “Anh yên tâm, em qua được, ngán chi”. Vậy là tôi cùng cô bạn rồ ga qua chưa được nửa đường thì nước ngập, chiếc xe bị tắt máy. Cô bạn lúc này bắt đầu biến đổi sắc mặt, tái nhợt, người run bần bật. Tôi trấn an: “Không sao đâu, yên tâm. Chừ mà quay lui rất nguy hiểm. Em cứ nắm chặt đuôi xe, đi theo anh sẽ ổn”. Nói vậy thôi chứ tâm trí tôi lúc này cũng đã “lên phương án giải cứu” bạn ấy nếu xảy ra tình huống xấu nhất. Tôi biết nếu sẩy chân xuống đồng ruộng thì nước ngập cũng ngang tầm đầu người. Sau cả giờ “vật lộn” với dòng nước lũ, chúng tôi cũng vượt qua nguy hiểm, đến được nơi cần đến.

Trong một lần trò chuyện mới đây, phóng viên (PV) Hồ Ngọc Minh, Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh thường trú tại Huế vẫn còn giật mình khi nhắc đến những lần tác nghiệp ở vùng tâm lũ. Cứ mỗi lần tìm cách tiếp cận vùng thiên tai là những lần anh đối mặt với những hiểm nguy. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần tác nghiệp ở vùng “rốn lũ” Quảng Điền, khi vừa bước lên thuyền thì nước lũ bất ngờ đẩy chiếc xuồng ra xa khiến anh bị hỏng chân rơi xuống vùng nước sâu, chảy xiết. Nhờ biết bơi và chủ thuyền xử lý nhanh đã đưa anh Minh lên xuồng an toàn. Một lần khác đến tác nghiệp ở vùng tâm lũ xã Phong Bình (Phong Điền), lúc này nước lũ ngập sâu toàn bộ địa bàn xã. Vì không quen đường nên trong lúc lội bộ anh bị sẩy chân xuống khu vực đồng ruộng, nước chảy xiết, rất may được những người đi cùng cứu nạn, vượt qua nguy hiểm.

Có lẽ với PV nữ việc khó tiếp cận, tác nghiệp ở vùng lũ là “thiệt thòi” lớn, ngoài ý muốn. PV Hoàng Thị Loan, Báo Thừa Thiên Huế trong một lần cố gắng tiếp cận vùng lũ Quảng Điền đã suýt mất mạng khi chạy xe máy vượt qua tuyến đường bị ngập khá sâu, nước chảy xiết. “Khi đang cố gắng bắn ga cho xe đi qua đoạn nước sâu thì xe bị tắt máy, nước chảy xiết khiến xe bị ngã. Tôi cố gắng ghì chặt chiếc xe nhưng nước lũ vẫn đẩy ra xa, chút nữa rơi xuống dòng lũ cuồn cuộn. Cũng may nhờ những người đi phía sau đến kịp thời, hỗ trợ, giúp đỡ kéo tôi và xe vào khu vực an toàn…”

An toàn tính mạng, phương tiện mới có được thông tin

PV Võ Ngọc Thạnh- Vnexpress thường trú tại Huế cho rằng, không phải cứ vượt qua nguy hiểm, tiếp cận được vùng lũ rồi là sẽ an toàn, yên tâm và có được thông tin, hình ảnh cần thiết để đưa về cơ quan chuyển tải đến bạn đọc. Hầu hết các vùng rốn lũ đều ngập sâu, có những thôn, vùng ngập từ một mét đến vài mét là chuyện thường. Muốn tiếp cận được các hộ dân để nắm bắt tình hình, thông tin, hình ảnh, bản thân anh cũng như các PV đều phải đi bằng xuồng, sự hiểm nguy vẫn còn phía trước. Hơn ai hết PV phải tự bảo vệ an toàn tính mạng và các phương tiện tác nghiệp để có được thông tin chính xác, hình ảnh sinh động, lột tả được sự gian khổ, nguy hiểm của người dân vùng bị ngập sâu.

Phóng viên tác nghiệp tại vùng lũ Quảng Điền

Theo anh Thạnh, muốn an toàn tính mạng và phương tiện tác nghiệp, bản thân anh cũng như các PV tác nghiệp vùng lũ cần có những trải nghiệm nhất định. Điều tiên quyết là phải hiểu rõ địa bàn qua các lần tác nghiệp, hoặc thăm dò tình hình trước khi quyết định tiếp cận vùng ngập lũ; phải xác định rõ muốn đến được cần đi bằng đường nào, ở đó đã chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, cứu hộ cứu nạn hay chưa? Để tiếp cận được các hộ dân vùng ngập sâu, anh Thạnh thường thuê hoặc nhờ những chiếc thuyền cỡ lớn, loại xuồng đuôi tôm không an toàn...

“Còn nếu cứ lo an toàn tính mạng, thiếu quan tâm đến việc thu nhận thông tin, hình ảnh cần thiết ở vùng lũ thì cũng không ổn. Vậy nên an toàn tính mạng phải song hành an toàn phương tiện tác nghiệp. Không chỉ ngập sâu, các vùng lũ thường gặp những trận mưa như trút nên máy ảnh, máy quay phim phải có phương tiện bảo hộ, tránh ẩm ướt, hỏng máy. Nếu xảy ra sự cố hỏng máy ảnh, máy quay phim sẽ không có được thông tin, hình ảnh cho cơ quan chắc chắn bị phê bình, đó chưa kể nếu không sửa chữa được thì xem như đi toi hàng chục triệu đồng”, anh Thạnh chia sẻ.

Một kinh nghiệm khác được PV Nguyễn Khánh, Báo Thừa Thiên Huế chia sẻ là sự cần thiết phải chủ động, kịp thời khi tiếp cận để tác nghiệp tại vùng rốn lũ. Với PV trẻ, năng động, nhiệt tình, bản thân anh đã chủ động về vùng ngập lũ trước khi có dự báo xảy ra lũ lớn, lúc này đường sá đi lại còn thuận lợi, không nguy hiểm. Anh tìm đến ngay một vài ngôi nhà ở thôn, vùng được xác định thấp trũng sẽ ngập sâu nếu xảy ra lũ lớn. Khi lũ lụt đã xảy ra rồi, PV Nguyễn Khánh thường tranh thủ đến thật sớm, tiếp cận trụ sở UBND huyện, hoặc xã để nắm bắt khái quát tình hình thiên tai. Sau đó anh cùng với lãnh đạo, các thành viên ban phòng chống thiên tai đi kiểm tra vùng lũ bằng thuyền có sẵn của địa phương. Khi tác nghiệp gặp mưa lớn gây mất an toàn cho phương tiện tác nghiệp (máy ảnh) thì sử dụng điện thoại di động (đa năng, chất lượng) để quay phim, chụp ảnh, vừa tiện lợi, vừa có thể chuyển ngay thông tin, hình ảnh về tòa soạn một cách nhanh nhất.

Bài, ảnh: Hoàng Thế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Báo động tình trạng trộm ở chung cư

Một đường dây trộm mô tô tại các chung cư (CC) đã bị lực lượng nghiệp vụ Công an TP. Huế triệt xóa. Các đối tượng thực hiện hành vi này đều đang trong lứa tuổi thanh, thiếu niên (TTN). Đây là vấn đề đáng báo động trong xã hội hiện nay và việc quản lý an ninh tại các CC cũng cần phải chặt chẽ hơn.

Báo động tình trạng trộm ở chung cư
Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế

Phục vụ cho việc đánh giá, so sánh tiềm năng của xe máy điện trong lĩnh vực giao vận, UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện dự án thử nghiệm xe máy điện giao hàng tại TP. Huế.

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế
Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

“Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam” là nội dung trưng bày chuyên đề do Bảo tàng Lịch sử phối hợp với Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Phòng giáo dục - Đào tạo huyện Quảng Điền tổ chức tại Trường THCS Ngô Thế Lân sáng 14/3.

Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn”

Ngày 11/3, Huyện đoàn Quảng Điền phối hợp Hội đồng Đội tỉnh tổ chức Ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn” với sự tham gia của 500 đội viên, thiếu nhi các trường trung học sơ sở, tiểu học trên địa bàn xã Quảng Thành.

Ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn”
Return to top