ClockThứ Ba, 27/09/2016 12:38

Vẹn nguyên ký ức

TTH - Trong cơn mưa lớn, con đường sát bờ sông mỗi lúc một vắng. Thỉnh thoảng, một vài chiếc xe máy vèo qua thật nhanh. Mưa thế, hẳn ai cũng muốn mau chóng về nhà hoặc đến nơi trú chân ấm áp.

Tôi cũng cắm cúi chạy xe, cố tránh những “chiếc roi” mưa quất rát mặt. Chợt phía trước, một cụ bà lưng còng trong chiếc áo mưa tiện lợi mỏng tang, gánh đầu này mấy trái cà chua, đầu kia chừng hơn chục trứng vịt, đi bán rong. Những bước chân già nua nhọc nhằn nép sát mép đường. Tôi dừng lại hỏi mua tất cả những thứ trong hai chiếc rổ của bà. Bà vừa vuốt nước mưa trên mặt, vừa nhặt từng trái cà, quả trứng cẩn thận xếp vào mấy bì ni lông. Cảm ơn tôi, bà bảo bây giờ bà có thể về nhà, rồi quay ngược lại quãng đường lúc nãy. Vẫn cái lưng còng trong chiếc áo mưa tiện lợi mỏng tang. Và những bước chân già nua nhọc nhằn.

Hình ảnh đó cứa vào tim tôi một nỗi nhớ. Sao tôi nhớ bà nội đến muốn rơi nước mắt. Tôi nhớ ngày xửa ngày xưa, nơi tôi ở làm gì có điện. Những đêm hè oi bức, nội tôi nằm giữa hai đứa cháu nhỏ (là tôi và anh trai), luôn tay huơ chiếc quạt giấy hết quạt cho đứa này lại quay qua quạt mát đứa kia, cho đến lúc nào anh em tôi chìm sâu vào giấc ngủ mới thôi. Hồi đó, lũ nhỏ tự đi bộ đến trường. Thế nhưng, vào những ngày mưa gió, nội tôi bao giờ cũng mỗi tay dắt mỗi đứa, bấm ngón chân trên con đường đất trơn trượt, đưa cháu vào tận cửa lớp mới yên tâm quay về. Ba tôi “cằn nhằn” nội già rồi ra đường, trời mưa lỡ té ngã thì biết làm sao. Những lúc như vậy, nội lại cười hiền: “Cha tổ mi. Ba mi (tức ông nội tôi) mất sớm, tau bao năm một mình dầm mưa dãi nắng gồng gánh, không chỉ nuôi anh em mi mà còn làm cách mạng”. Nội tôi gánh hàng đi buôn kiếm tiền nuôi con. Nhưng dưới mấy thúng hàng có khi là tài liệu cách mạng. Nội kể, có lần cắt suối mà đi, nội sém bị nước lũ cuốn trôi. Nhưng nỗi khổ dầm mưa dãi nắng…“không là gì” so với lúc cô tôi bệnh mất và bác tôi hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chỉ còn ba tôi, bao nhiêu yêu thương, nội dồn hết cho con cho cháu.

Tôi không bao giờ quên, mỗi khi ba mẹ gắp cho mấy miếng ngon ít ỏi trong bữa ăn đạm bạc, bao giờ nội cũng sẻ hết vào bát của mấy đứa cháu. Những chiếc kẹo cứng như đá, luôn là món “sơn hào hải vị” không chỉ đối với trẻ thơ mà còn là món quà quý của một thời ngày xửa ngày xưa. Vậy nên, lâu lắm có khách “sộp” tặng vài chiếc kẹo, bao giờ nội cũng cất thật kỹ, đợi mấy đứa cháu đi học về để “giấm giúi” cho. Tôi lấy chồng sinh con, nội ngày càng già nua, không còn minh mẫn, nhớ nhớ quên quên. Nhưng trong ký ức nội, những chiếc kẹo luôn quý giá ngọt ngào (mà đâu biết rằng bây giờ đối với lũ trẻ đủ đầy, bánh kẹo chẳng còn là của ngon vật lạ như ngày xưa), nên vẫn cất kỹ món quà, nhất quyết đợi con gái tôi về thăm để “giấm giúi” cho.

Ngày nội “đi” cũng mưa gió mù trời, đến bây giờ đã hơn mười năm. Nhưng tinh thần sống kiên cường, chịu thương chịu khó, và nhất là tình yêu thương của nội, tôi luôn cất giữ nguyên vẹn ở nơi sâu thẳm nhất trái tim.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chầm chậm tháng Ba

Tháng Ba, đôi khi mình muốn ngồi thật lâu dưới một tán cây. Những dải nắng trùng trình rọi qua vòm lá rậm, rắc mật lên bờm hoa mê mướt tím, đậu lại trên đôi cánh bầy sẻ đang mổ vào hư vô. Màu xanh ngợp đầy của lá tràn vào lồng ngực tháng Ba, như thôi thúc người ta hoài vọng về một quãng đồng mùa con gái, một cánh rừng rộng đến mộng mị, hay ấp ủ chiêm bao trong mảnh vườn tuổi nhỏ. Lứa gió đầu xuân hãy còn hây hẩy, nhu mì, nhón tay mở những cánh cửa tỉnh thức, thả bầy ý nghĩ đi rong. Giữa quãng vắng tưởng như bất động, mình ngồi đợi những xa xôi quay về.

Chầm chậm tháng Ba
Ký ức rồng xanh

Ấn tượng về rồng sớm nhất trong tôi mà đến nay còn lưu giữ, là con rồng ở đình làng; ngôi đình được xây dựng lại. Sợ chiến tranh tàn phá, xã mang sắc bằng, kèo cột cất giấu trong làng. Tôn tạo lại đình tuy nhỏ hơn song vẫn mang dáng vóc ngày xưa. Tôi nhớ câu thơ truyền trong dân gian mà mấy cụ đọc lại về ngôi đình bị hư hại bởi đạn bom, trước lúc nó được tháo dỡ đem cất: “Đình làng nay không rồng bay phượng múa/ Đứng trụi trần như bốt gác đầu thôn…”.

Ký ức rồng xanh
Ký ức mặn nồng & rực đỏ

Té ra cái vùng Ngũ Điền từng rất khổ, rất xa, rất khó khăn nhiều bề quê tôi có khá đông người làm nghề viết, cả văn và báo. Trong đó có anh bạn trẻ, phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế, giờ “trở chứng”, toàn viết trên trang facebook của mình về kỷ niệm, tập hợp lại, in tới mấy cuốn sách hót hòn họt. Toàn thời đói khổ mà vui.

Ký ức mặn nồng  rực đỏ
Khi cơn mưa ngang qua

Càng về cuối năm, Sài Gòn bắt đầu vào mùa se se lạnh, nhất là lúc sáng tinh mơ và khi đêm về. Cái lạnh dù ít dù nhiều bao giờ cũng nhắc nhớ con người ta về hơi ấm, về thương yêu và những nỗi mong chờ. Tối nay, cơn mưa đêm ghé phố trút nước xối xả không kèm theo bất kỳ dự báo nào như vẫn thường. Nằm ở nhà nghe gió rít, thả trôi cảm xúc theo bài hát “Trời còn làm mưa mãi” của danh ca Ngọc Lan và nhìn những lớp nước đa sắc màu lấp lánh đọng lại ở khung cửa kính, bỗng dưng cô nhớ những cơn mưa Huế đến lạ lùng. Bao nhiêu mùa mưa bão đã qua, cũng không ít giông gió trôi ngang cuộc đời, vậy mà chỉ cần nhớ mưa trên quê hương, lòng cô không thôi bồi hồi, xao xuyến… Mưa ở quê dường như thấy êm đềm hơn, ấm lòng hơn và nhiều hoài niềm để in dấu…

Khi cơn mưa ngang qua
Return to top