ClockThứ Hai, 04/04/2016 06:15

Vẹn nguyên tâm hồn tuổi trẻ...

TTH - Cuộc sống phát triển, xã hội đang đặt ra những thách thức đối với công tác giáo dục học sinh. Nhà trường ngoài nhiệm vụ dạy chữ, phải đặc biệt coi trọng dạy người trong phương châm giáo dục toàn diện để giúp thế hệ trẻ trở thành người công dân tốt.

Một trong những cách giáo dục có hiệu quả nhất là kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, lời nói phải đi đôi với việc làm, hành động cụ thể. Nghĩa là không chỉ rao giảng, tuyên truyền bài học tình thương bằng lý thuyết sách vở, giáo viên cần linh hoạt, chịu khó tổ chức cho học sinh tham gia vào nhiều các hoạt động xã hội nhân đạo khác nhau. Chính các em là nhân vật chính trong các hoạt động đó. Thay vì ngồi trong phòng, trong lớp, chúng ta có thể cho học sinh thâm nhập, trải nghiệm thực tế sống động bằng nhiều việc làm khác nhau trong cuộc sống. Chẳng hạn phát động phong trào làm việc tốt; các lớp, các chi đoàn tìm một địa chỉ cần giúp đỡ để tổ chức hoạt động nhân đạo...

Một lần trong tiết kiểm tra môn Ngữ văn, tôi ra đề: Về một hình ảnh, một việc làm, một hiện tượng nào đó diễn ra hằng ngày quanh phố phường khiến em phải suy nghĩ ? Quan sát các em làm bài, một nét suy tư trên trán, rồi các em bắt tay viết say sưa. Thật ngạc nhiên, với đề văn này, bài làm của các em dài hơn mọi lúc. Mang bài về nhà, tôi háo hức đọc. Háo hức vì muốn biết học sinh của mình đang quan tâm những điều gì, quan sát cuộc sống xung quanh ra sao… Em thì viết về bài học tình người từ lòng yêu thương của bà với chị bán hàng rong. Em thì trăn trở với tình trạng vứt rác bên cạnh thùng rác của không ít người dân thành phố. Em thì bâng khuâng khi nhìn thấy lá cây úa vàng rồi rụng nhiều khi Huế bước vào mùa mưa. Lại có em tỏ ra xót thương khi nhìn những đứa trẻ mưu sinh trên đống rác; thương bác sửa xe đạp trong chiếc áo mưa bên lề đường…

Làm công tác chủ nhiệm, tôi luôn chú trọng việc giáo dục kỹ năng sống cũng như bồi đắp tâm hồn rộng mở ở các em. Giáp tết năm trước, tôi dẫn các em học sinh lớp 10 chuyên văn Trường Quốc Học Huế đến thăm và tặng quà cho chị Trần Thị Chạy ở tổ 5, khu vực 10 phường An Tây. Chị Chạy bị tai nạn, mất sức lao động, chồng thì bệnh tật, 2 con còn ở tuổi ăn học. Chia sẻ với hoàn cảnh của chị trong ngôi nhà tạm bợ che nắng, che mưa, nhiều học sinh của tôi không cầm được nước mắt. Và một ngày giữa tháng 3 năm 2016 tôi lại tổ chức cho các em  đến thăm hỏi, giao lưu với trẻ mồ côi, khuyết tật. Được tận mắt nhìn thấy những hoàn cảnh bất hạnh,  nhiều học sinh thật sự xúc động. Em Diễm Trinh, lớp 11 Văn Trường Quốc Học tâm sự: Tội nghiệp các em quá, em thấy mình quá may mắn vì được sinh ra và lớn lên trong gia đình hạnh phúc, hằng ngày được bố mẹ chăm sóc, yêu thương...

Lâu nay dư luận lên tiếng nhiều về tình trạng bạo lực học đường, rồi nỗi lo bệnh vô cảm của giới trẻ. Hôm nay đọc bài các em, lắng nghe các em chia sẻ, biết được những gì các em quan tâm, tôi nhận ra  nét son vẹn nguyên trong tâm hồn tuổi trẻ. Xin đừng vội gán cho các em chứng này, tật nọ, bệnh kia…Nếu chúng ta biết cách giáo dục, uốn nắn và định hướng kịp thời thì chắc chắn những mầm xanh kia sẽ là hoa thơm, quả ngọt, tỏa hương giữa cuộc đời.                                                                                     

Trần Văn Toản

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

Đó là yêu cầu của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình tại phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh nhằm đánh giá kết quả hoạt động quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2024, tổ chức chiều 17/4.

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội
Đề xuất giải pháp hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội

Tại hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra ngày 16/3, Bộ Xây dựng đã kiến nghị nhiều giải pháp để đảm bảo mục tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024.

Đề xuất giải pháp hoàn thành 130 000 căn nhà ở xã hội
Nhu cầu xã hội về ngành dinh dưỡng rất lớn

Nắm bắt xu hướng nhu cầu về dinh dưỡng trong đời sống ngày càng cao, năm 2024, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế bắt đầu mở khóa đào tạo chuyên ngành dinh dưỡng đầu tiên.

Nhu cầu xã hội về ngành dinh dưỡng rất lớn
Return to top