ClockThứ Bảy, 21/04/2018 10:23

Vì thứ bảy trời mưa

TTH - Sáng thứ bảy, trời mưa. Cơn mưa điển hình của xứ Huế. Không ào ạt, đủ để nghe rõ tiếng mưa rơi gõ liên tục trên mái tôn. Nhìn qua cửa sổ đoán chắc cơn mưa cuối tuần này sẽ khó mà tạnh trong một ngày.

Bạn đời

Sáng nay quán cà phê quen vắng khách. Có lẽ vì trời mưa nên khách đến muộn. Tôi độc chiếm cả một khung cửa sổ lộng gió trên tầng hai. Bên kia đường, cây muối đang trổ những lá xanh non. Trong màn mưa bay bay, tôi nhìn thấy những chiếc lá muối non màu xanh ngọc đang chạy nhảy, nô đùa; những chiếc lá phượng nhỏ đang chao liệng trong gió. Lạ là hình như tôi nghe thấy những tiếng cười trong trẻo của lá. Tôi cảm thấy hơi lạnh vì ướt mưa nhưng lá vẫn cười, lá không thấy lạnh.

Đã một thời tôi cũng không thấy lạnh khi dầm mưa.

Cả tụi nhỏ trong xóm háo hức chờ mưa thì đúng hơn. Đó là những buổi chiều mùa hạ nóng nực, bầu trời xanh chuyển màu mây xám, rồi những ánh chớp lóe lên, tiếng sấm ì oàng từ xa vọng đến, sợ đến thót tim. Rồi “ông Thiên lôi cũng dừng cơn thịnh nộ khi đi trị kẻ xấu”- như lời mạ giải thích về sấm sét- tiếng mưa rơi trên mái, lớn dần và mạnh mẽ. Mạ cầm chân tôi trong nhà “Đợi tí đã con để nước trôi đi hết “cái độc” rồi đi tắm mưa”. Thời ấy, tắm mưa là phương thuốc hữu hiệu của các bà mẹ để trị rôm sảy nổi đỏ cả lưng, cả cổ, cả tay chân của tụi nhỏ chúng tôi. Sau mỗi lần được tắm mưa như thế đúng là từng mảng rôm sảy lặn hết, giấc ngủ của tụi tôi vào ban đêm cũng nhờ thế mà bớt quẫy đạp vì nóng.

Hôm ấy cả bầy chạy tắm mưa, hò hét, gọi nhau í ới. Bỗng Cu Em- ông chú bằng tuổi 12-13 của tôi- đạp mảnh chai. Máu loang nhanh trên nền bàn chân da đã mỏng đi vì bợt bạt dầm mưa. Cả bọn sợ hãi không thốt nên lời. Cu Em bặm môi, nín đau, cười anh hùng “không đau, chạy vô mệ Khánh xin thuốc rịt”. Gói thuốc lá Cẩm Lệ của mệ Khánh đổ tung tóe trên nền nhà khi rịt vết thương cho Cu Em. Máu ngừng chảy ngay lập tức. Cả bọn xìu như bong bóng xịt hơi, tự nhiên cuộc tắm mưa tan rã.

Sau cú đạp mảnh chai mà không kêu đau ấy, trong mắt bọn tôi chú Cu Em như một anh hùng. Sau lần ấy, chú bỗng trở thành người lớn, chú không còn giành những trái trứng cá chín mọng với bọn tôi, chú cũng nhường con ve ve vừa chọc được cho tụi tôi chơi và cũng thường để dành những củ khoai, hay kẹo mè mà mẹ chú mua cho mỗi khi đi chợ về.

Mưa vẫn rơi bên ngoài khung cửa sổ. Dưới đường, xe cộ bắt đầu nhiều hơn,  những vòng xe mưu sinh vẫn miệt mài dưới mưa. Huế dạo này đã nhiều xe hơi hơn trước đây nên con đường nhỏ bỗng trở nên chật chội khi hai xe đi ngược chiều nhau. Nếu có ai nhìn lên chắc sẽ thấy mắc cười lắm vì bên cửa sổ là một khuôn mặt già- là tôi- đang đưa hai tay đỡ lấy cằm nhìn mưa rơi mê mải. Trong màn mưa ấy, tôi nhớ về cái cầm tay rụt rè của người bạn hàng xóm khi dẫn tôi chạy nhanh qua biền sắn nhà mình để kịp chơi trò năm-mười và cả khi gân cổ lên cãi lại tụi bạn vì đã chơi gian với tôi.

Gọi cho mình ly cà phê đen- để tập làm quen với vị đắng- nhưng sao nó vẫn ngọt ngào…. Và cơn mưa sáng thứ bảy này, những ướt át bỗng tan biến đi đâu hết.

Xuân An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

"Đằm bụng" với bánh gói đậu xanh xứ Huế

Những hàng nậm, lọc ở Huế thường bán kèm một loại bánh cũng rất thơm ngon và hấp dẫn, chỉ là hơi kém tiếng một chút: bánh gói đậu xanh. Bánh có thể xem như một phiên bản chay của bánh nậm với cùng nguyên liệu chính là bột gạo và mùi vị khá tương đồng, nhưng săn hơn và được gói thuôn thuôn như bánh lọc.

Đằm bụng với bánh gói đậu xanh xứ Huế
Nỗi thương món Huế

Xứ Huế để lại những ấn tượng sâu đậm trong tâm trí tôi vì nhiều lẽ: Cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng hữu tình, con người duyên dáng và thanh lịch, chất văn hóa ngấm trong từng danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, nếp sống, nếp nghĩ của con người Cố đô... Và, tôi còn vấn vương xứ Huế vì một lẽ khác nữa - những món của Huế!

Nỗi thương món Huế
Gặp chàng trai xứ Huế nhiều lần vô địch giải vật truyền thống

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở thị trấn Sịa (Quảng Điền), Lê Phước Long (sinh năm 1996) mê bộ môn vật ngay từ lúc nhỏ. Chính thức bước lên sới vật để thi đấu năm 16 tuổi, đến nay Long đã đạt được những thành tích đáng kể với bộ môn thể thao truyền thống này.

Gặp chàng trai xứ Huế nhiều lần vô địch giải vật truyền thống
Khi cơn mưa ngang qua

Càng về cuối năm, Sài Gòn bắt đầu vào mùa se se lạnh, nhất là lúc sáng tinh mơ và khi đêm về. Cái lạnh dù ít dù nhiều bao giờ cũng nhắc nhớ con người ta về hơi ấm, về thương yêu và những nỗi mong chờ. Tối nay, cơn mưa đêm ghé phố trút nước xối xả không kèm theo bất kỳ dự báo nào như vẫn thường. Nằm ở nhà nghe gió rít, thả trôi cảm xúc theo bài hát “Trời còn làm mưa mãi” của danh ca Ngọc Lan và nhìn những lớp nước đa sắc màu lấp lánh đọng lại ở khung cửa kính, bỗng dưng cô nhớ những cơn mưa Huế đến lạ lùng. Bao nhiêu mùa mưa bão đã qua, cũng không ít giông gió trôi ngang cuộc đời, vậy mà chỉ cần nhớ mưa trên quê hương, lòng cô không thôi bồi hồi, xao xuyến… Mưa ở quê dường như thấy êm đềm hơn, ấm lòng hơn và nhiều hoài niềm để in dấu…

Khi cơn mưa ngang qua
Lan tỏa các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”

Trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH), các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc triển khai các chủ trương của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” (DVK). Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã triển khai các mô hình “Dân vận khéo” phù hợp, lồng ghép có hiệu quả việc thực hiện phong trào thi đua “DVK”...

Lan tỏa các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top