ClockThứ Tư, 19/07/2017 07:49

Vĩnh biệt họa sĩ Vĩnh Phối

TTH - Những ngày cuối đời, tản bộ là một thú vui của thầy Vĩnh Phối, người họa sĩ từng có 7 năm du học về chuyên ngành hội họa, điêu khắc và nghiên cứu mỹ thuật tại La Mã. Mỗi thế hệ học trò đến thăm đều được họa sĩ hết lòng truyền đạt kiến thức và còn hỗ trợ về kinh tế cho những ai khó khăn. Còn tôi, khi nghe tin dữ đến thăm thầy, vẫn thấy bức tranh dang dở trên giá vẽ, vẫn là những vòng cung, những ánh mắt nhìn xoáy vào cuộc đời, những gương mặt tĩnh lặng, những nỗi buồn mênh mang...

Họa sĩ Vĩnh Phối

Ngoài sáng tác tranh và tượng, họa sĩ Vĩnh Phối còn tham gia đóng phim khi còn thanh niên đang du học nước ngoài. Họa sĩ có những triển lãm cá nhân ở nước ngoài: Năm 1961, triển lãm Nhà Sinh viên quốc tế La Mã. Năm 1962, triển lãm Gallerie Marguta, La Mã. Năm 1963, triển lãm Gallerie Trinita Dei Monti, La Mã. Năm 1965, triển lãm Gallerie Approdo Romano, La Mã. Năm 1973, triển lãm Salon Auto Garden Mitsubishi, Tokyo. Ngoài những triển lãm chung trong nước, họa sĩ Vĩnh Phối có nhiều triển lãm nhóm ở các nước: Ý, Braxin, Pháp, Thụy Sĩ, Thái Lan…

Đầu thập niên 1960, ông đã có những giải thưởng quốc tế: Giải Targa d’Agent (1960); triển lãm mùa xuân Genova, Italia (1960); huy chương bạc triển lãm sinh viên Mỹ thuật quốc tế Rome de journale del Italia bảo trợ (1961); giải nhì tác phẩm được sưu tập ở Việt Nam và nước ngoài (Ý, Pháp, Nhật, Đức, Áo, Thụy Sĩ….); cuộc thi quốc tế mỹ thuật đương đại Bracciano, Roma; huy chương Bạc triển lãm quốc tế mỹ thuật đương đại Viterbo, Italia (1962). Ngoài ra, năm 1980, 1995 ông còn có giải thưởng triển lãm toàn quốc có tác phẩm được lưu trữ ở bảo tàng mỹ thuật Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và bảo tàng nước ngoài.

Tranh của ông như những vòng xoáy cuộn vào nhau, tiếp nối tương tục, không gián đoạn, không rời rạc, ngoài khoảng trống vô biên là những biến động của thế gian, của từng cá thể, của xã hội.

Nhớ những chiều hoàng hôn buông bên dòng sông thơ mộng, trước ngôi nhà 12 Bạch Đằng, được chọn làm gallery Vĩnh Phối, tôi thường cùng ông trò chuyện dưới cội bồ đề già, nhiều lúc thấy họa sĩ hồn nhiên như cây cỏ. Những ngày đầu tháng 7 tôi ghé thăm, nhắc thầy sắp xếp in tập sách về hội họa, ông nói “tranh tau chừ không còn nhiều, những bức thời xưa càng quá hiếm...”.

Dù đã chuẩn bị bước qua tuổi 80, nhưng họa sĩ Vĩnh Phối vẫn vẽ và thể hiện sự chiêm ngắm sự vật, cũng như cái nhìn xã hội rất nhân bản để chuyển tải vào tác phẩm. Mặc dù là tranh trừu tượng và loạt tranh sau này gần như cùng một mô tuýp, nhưng màu sắc biểu hiện rất sinh động, khi thì khiến người xem như lạc vào cánh rừng mùa xuân với những thảm cỏ màu lục non, khi thì như trôi vào dòng sông mùa thu cùng những thuyền lá màu cổ đồng, có bức ông diễn đạt sự nóng bức của mùa hạ và có bức diễn đạt cơn mưa mùa đông như vỡ ra trên nền toan trắng mịt mùng. Loạt tranh tông màu đất khiến người thưởng ngoạn liên tưởng đến những vòng tròn hư ảo quay cuồng theo tiết điệu cuộc sống. Tôi hình dung những đường bay lóe lên như lưỡi kiếm của tráng sĩ lấp loáng giữa đêm trăng cô liêu. Cõi hỗn nguyên trong tranh của họa sĩ Vĩnh Phối chính là thế giới tâm thức của ông xuyên suốt trong hàng chục năm cuối đời. Nơi vùng năng lượng đó là cả một sự tĩnh lặng trong thế giới biến loạn, mà người nghệ sĩ đã phân thân để chiêm ngắm đóa hoa muôn sắc của sự sáng tạo. Tôi tin rằng, họa sĩ Vĩnh Phối đã trở về cõi hỗn nguyên mà ông đã tạo ra cho chính mình!

Họa sĩ Vĩnh Phối sinh ngày 03/8/1937 (trong giấy chứng minh nhân dân là 1938), quê ở Lộc Điền, Phú Lộc. Sau thời gian lâm bệnh, họa sĩ đã tạ thế lúc 9h00 sáng 17/7/2017.

Họa sĩ Vĩnh Phối thuộc dòng đế hệ, phòng Trấn Định Quận công. Ông tốt nghiệp Trường Quốc gia cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn năm 1958, tu nghiệp ở Học viện Mỹ thuật La Mã (Ý) từ 1959 - 1966. Ông cũng là người sáng lập và là Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ châu Á ở La Mã. Năm 1967 - 1975, ông làm Giám đốc Trường Quốc gia cao đẳng Mỹ thuật Huế. Năm 1973, ông được hưởng học bổng UNESCO nghiên cứu mỹ thuật Đông phương qua các nước Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan. Sau 1975, ông được phong Phó Giáo sư về mỹ thuật, Nhà giáo ưu tú và giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế cho đến ngày nghỉ hưu. Từ 1960 - 1995, họa sĩ Vĩnh Phối có nhiều giải thưởng và triển lãm cá nhân ở nước ngoài.

Huế, 17-7-2017

Hoàng Diệp Lạc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tôn vinh “Thế gian Sư” Lê Văn Miến

Sáng 11/3, tại Khách sạn Duy Tân diễn ra buổi hội thảo Kỷ niệm 150 năm ngày sinh danh nhân văn hóa – họa sĩ Lê Văn Miến do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức.

Tôn vinh “Thế gian Sư” Lê Văn Miến
Cuộc “hội ngộ vàng son” của hội họa

Những tác phẩm tiêu biểu của các họa sĩ tên tuổi, tài danh đất Cố đô nằm trong bộ sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Huế lần đầu tiên công bố đến với công chúng khiến người yêu nghệ thuật không khỏi rung động, cảm xúc. Ở đó các danh họa đã “hội ngộ”.

Cuộc “hội ngộ vàng son” của hội họa
“Tam nhân đồng hành”

Do ít rượu bia và kém ngoại giao, tôi ít khi được bạn văn phương xa đến Huế gọi đi “nhậu”. Vậy mà vào một ngày tháng 7 vừa qua, bỗng nghe nhà thơ Ngô Đức Hành mời xuống quán cà phê của nữ sĩ Bạch Diệp. Ngô Đức Hành vừa đến Huế trong tốp “tam nhân xuyên Việt”. Hai người nữa là họa sĩ Vi Quốc Hiệp và Thế Hùng - người “cầm lái vĩ đại”, có nhiều danh hiệu nhất: Tiến sĩ mỹ học, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, nhà báo…

“Tam nhân đồng hành”
Sen Huế trong tranh Lê Hòa

Buổi chiều cuối hạ, xe ngược dốc lên miệt đồi phía tây thành phố Huế. Nói là đi một vòng hóng gió, nhưng cũng chủ ý tìm ghé thăm một họa sĩ.

Sen Huế trong tranh Lê Hòa
Return to top