ClockThứ Bảy, 16/12/2017 12:56

Vĩnh Xương dã ngoại

TTH - Làng Vĩnh Xương, xưa có tên là Vĩnh Áng, được khai lập vào thế kỷ XV dưới đời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) thuộc huyện Kim Trà, phủ Triệu Phong, thừa tuyên Thuận Hóa. Theo nhận xét của tiến sĩ Dương Văn An, làng “Vĩnh Áng đất trời muôn thuở”, nơi có cánh đồng cò bay thẳng cánh, dân cư thuần hậu. Dưới đời chúa Nguyễn Hoàng (1558 – 1613), làng được đổi tên là Vĩnh Thọ. Năm 1718, làng được cải đổi tên là Vĩnh Xương với nghĩa là tốt đẹp, lâu dài như câu ca: “Gái Vĩnh Xương như bông hoa lý”. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, viết năm 1775, ghi tên xã Vĩnh Xương thuộc tổng Vĩnh Xương trong số 7 xã 3 thôn, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong. Năm 1834, vua Minh Mạng chia đặt phủ Thừa Thiên làm 6 huyện, trong đó xã Vĩnh Xương thuộc huyện Phong Điền.

Bức hoành Vĩnh Xương Đình (làm đời Tự Đức, Tân Tỵ -1881)

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cùng với việc củng cố chính quyền cấp huyện, chính quyền các cấp cơ sở xã, thôn cũng được tổ chức lại thì làng Vĩnh Xương thuộc xã Phong Thạnh, nay là thôn Vĩnh Xương, xã Điền Môn, huyện Phong Điền. Vị trí địa lý thôn Vĩnh Xương, phía đông giáp thôn 1 Kế Môn, phía tây giáp xã Điền Hương, phía nam giáp xã Phong Chương, phía bắc giáp biển Đông. Diện tích tự nhiên của thôn 720,34ha; có 320 hộ/1.421 người.

Do lịch sử khai phá lập làng, nên trong địa phận của thôn Vĩnh Xương có 16 xóm; mỗi xóm có một tên riêng. Theo khảo sát thì xóm 1 là xóm Lạc Thiện, xóm 2 là Trung Tín, xóm 3 – Vĩnh An hoặc Vĩnh Thái, xóm 4 – Vĩnh Ninh… So với các làng xung quanh, Vĩnh Xương đất ít, ruộng nhiều, hàng năm được sông Ô Lâu bồi đắp cho một lượng phù sa lớn. Đây là điều kiện để phát triển cây lúa nước. Với điều kiện tự nhiên như trên, từ xưa cư dân làng Vĩnh Xương lấy nghề nông làm phương tiện sống chính. Mỗi năm làm hai vụ lúa; vụ chính (đông xuân) tháng 11, 12 cấy, tháng 4 năm sau gặt và vụ trái (hè thu) cấy tháng 4, 5, gặt tháng 8. Ngoài nghề nông, ngày xưa còn có nghề làm giấy với thứ giấy phương bao (giấy bao vuông) và nghề dệt vải nhưng nay đã thất truyền.

Theo gia phả họ Hồ (làng Vĩnh Xương) viết vào năm Gia Long thứ 8 (1809), ngài Hồ Trấn Vũ Thỉ tổ họ Hồ đã có công với dân, với nước nên “Bổn xã lập miếu” thờ ngài. Đến đời vua Thành Thái, năm 1891, ngài được sắc phong “Dực bảo Trung hưng Linh phò chi thần”. Ông Trần Đình Huân (Tự Bội), người dân của làng, cho biết thêm: “Làng ta có miếu Tòa được xây dựng từ lâu đời (trên 200 năm). Ở giữa chính miếu có thờ thần vị ngài Thỉ tổ họ Hồ là ngài Hồ Trấn Vũ, ngài Nguyễn Đại Lang và ngài Trần Quản Lệnh”. Trong gia phải họ Hồ còn có ngài Hồ Văn Tịnh làm quan dưới đời vua Lê Thần Tông niên hiệu Vĩnh Thọ (1658 – 1661), chức tước Quan Định Tịnh Hầu.

Trong lịch sử của làng, các họ tộc luôn có quan hệ tốt đẹp. Những vị tiền hiền có công khai đất lập làng đều được lập miếu thờ. Từ sau đợt nhập cư của các họ, đất đai làng Vĩnh Xương ngày càng được khai phá mở mang, vườn tược được tạo lập, làng xóm được gây dựng ngày một hoàn chỉnh, các thế hệ con cháu mỗi lúc một đông thêm, họ tộc càng bền chặt. Câu đối ở nhà họ Hồ khắc ghi “Tổ đức tông công vạn đại hoài” (Đạo đức của tổ, công lao của tông, công đức ấy con cháu muôn đời sau vẫn ghi nhớ); “Điểu bắc sào nam đồng tâm niệm” (Con chim ở phương nam mà tổ ấm ở phương bắc, tất cả những trái tim đều suy nghĩ vậy). Một số họ tộc làng Vĩnh Xương có truyền thống văn hóa gia tộc và đã đóng góp nhiều mặt về văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội qua nhiều thời kỳ của đất nươc. Cụ thể một số vị đỗ cử nhân dưới thời Nguyễn, như: Nguyễn Gia Tường đỗ cử nhân (1841), Nguyễn Gia Tú (1846), Nguyễn Thế Toàn (1848), Nguyễn Ý (1864), Trần Gia Thiện (Trần Lưu Huệ - 1867), Trần Gia Hưu (Tĩnh – 1876), Nguyễn Gia Thụy (1878).

Ở họ Nguyễn Đình có ông Nguyễn Hoàng Phương, tên lúc học Quốc Học Huế là Nguyễn Đình Công, sinh ngày 27/3/1927 tại Huế, quê quán: xã Vĩnh Xương (tên xã cũng là tên làng), huyện Phong Điền, phủ Thừa Thiên. Năm 1994, ông được mời đi dự hội nghị giáo dục toàn cầu ở Pret (Đức) và đã được hoan nghênh nhiệt liệt nhờ bản tham luận nổi tiếng “Đơn nhất và đa dạng khoa học” đọc tại hội nghị. Tên tuổi của ông lúc này càng được nhiều người biết đến. GS.TS. Nguyễn Hoàng Phương mất ngày 24/3/2004 tại Hà Nội, hưởng thọ 78 tuổi.

Trong một dịp tìm hiểu về ngôi đình làng Vĩnh Xương, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Tấn ở xóm 11, thôn Vĩnh Xương. Ông Tấn trước đây là nhân viên Nha khí tượng Đà Nẵng và đã làm việc tại đảo Hoàng Sa từ năm 1972 đến năm 1974. Nhà ông Tấn có 3 gian, gian chính giữa có treo bức hoành phi đề ba chữ Hán “Vĩnh Xương đình” (đình Vĩnh Xương), bên phải có giòng chữ: “Tự Đức Tân Tỵ xuân” (đời vua Tự Đức mùa xuân năm Tân Tỵ (1881). Ông Tấn cho biết, đời trước trong gia tộc có cúng bức hoành cho đình làng; còn bức hoành “Vĩnh Xương đình” hiện treo ở đây là bản sao để lưu niệm.

Qua khảo sát thực tế, hiện nay đình Vĩnh Xương đã xuống cấp trầm trọng, các vật liệu, như gạch, ngói, gỗ… không thể chống chọi với sự tàn phá của thời gian. Ông Nguyễn Công Sô, Trưởng ban điều hành làng văn hóa Vĩnh Xương, lo lắng: “Toàn bộ kiến trúc của ngôi đình đã bị mối ăn, mọt nhẩm, tường vách rạn nứt có nguy cơ sụp đổ nên dân làng đã đồng tâm phát nguyện đóng góp kinh phí xây dựng mới ngôi đình”.

Bên cạnh những chứng tích lịch sử, làng Vĩnh Xương còn là một thắng cảnh thiên nhiên. Đứng ở đình làng, phía trước là cánh đồng có sông Ô Lâu uốn mình theo thế “tả long, hữu thủy”. Chính vì thế, nơi đây năm 1832 dưới đời Minh Mạng, nhà vua đã cho đắp lại đê vệ nông để bảo vệ cánh đồng. Tuy nhiên, đê vệ nông không đáp ứng được khi những đợt lũ tiểu mãn tràn vào đồng ruộng. Từ năm 2005, nhà nước đã đầu tư xây dựng công trình đê Đông – Tây Ô Lâu. Riêng bờ đê Đông dài khoảng hơn 11km đi qua các xã Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Hải trong đó có tuyến đê thuộc địa phận làng Vĩnh Xương – đã “trấn giữ” và điều tiết được lượng nước “đổ” vào nội đồng. Tôi đứng trên bờ đê nhìn về phía nam ánh nắng chiều tà loang loáng đắp lên sông, chợt nhớ câu ca: “Nước sông Ô Lâu vừa trong vừa mát/ Dân Vĩnh Xương chất phát đảm đang/ Gà vừa giục dã gáy tan/ Đồng quê rộn rã tiếng vang cấy cày” đã vọng lại biết bao câu hò, câu ca dao, tuy mộc mạc mà trữ tình, đậm đà tình quê, tình đất nước.

Hồ Vĩnh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Làm đường mới, nới đường cũ”

Lâu nay, một dấu ấn ở xã Phong Hòa, huyện Phong Điền đã cho nhiều người thán phục cách giữ gìn ngôi làng cổ Phước Tích hơn 500 năm tuổi nằm bên dòng Ô Lâu, thì giờ đây lại tạo thêm kỳ tích mới về cách làm đường giao thông ở địa phương. Đó là chiến dịch “làm đường mới, nới đường cũ” đã trở thành một phong trào sôi nổi đáng ngẫm, đáng nghĩ mà học tập.

“Làm đường mới, nới đường cũ”
Sức trẻ ở Trạch Phổ

Bằng các phong trào, hoạt động khác nhau, Chi đoàn thôn Trạch Phổ, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền đã khẳng định được sức trẻ của mình ở một vùng quê thuộc vùng thấp trũng.

Sức trẻ ở Trạch Phổ

TIN MỚI

Return to top