ClockThứ Năm, 09/03/2017 05:51

Vợ chồng nông dân truyền cảm hứng

TTH - Dám nghĩ, dám làm, vợ chồng anh Bùi Quyết, chị Lê Thị Thùy Trang (thôn 2, xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy) truyền cảm hứng cho người khác bằng sự tự tin...

Vợ chồng anh Quyết cùng nhau chăm sóc đàn bò

Làm giàu bằng đôi tay

Đến nhà vợ chồng anh Quyết sau chặng đường hết lên dốc lại xuống dốc ngoằn ngoèo hơn 10 km từ đường quốc lộ vào xã Phú Sơn, hãy còn sớm mà ngôi nhà đã vắng người.

Vợ chồng anh Quyết đang cho đàn bò, dê, gà ăn ở trang trại, cách xa khu dân cư. Hơn bốn chục con bò, dê và hơn nghìn con gà béo mũm đang thong dong “thưởng thức” bữa sáng. Hơn 2 ha rừng tràm 3 năm tuổi xanh mướt bao quanh trang trại. Anh Quyết cười hết cỡ bảo no đủ thì có, bởi năm ngoái, gia đình anh thu từ bò 90 triệu đồng, dê 60 triệu đồng, gà hơn 120 triệu đồng. Tiền bán phân bò cũng được 20 triệu đồng. Thu nhập từ chăn nuôi của gia đình anh ước tính  gần 300 triệu đồng/năm. Đó là chưa tính nguồn rau, cá từ vườn nhà, ao nhà phục vụ bữa ăn hàng ngày. Lúa nhà trồng nên gạo không lúc nào thiếu. Nhưng để được như vậy, vợ chồng anh từ hai bàn tay trắng phải “chiến đấu” với không biết bao nhiêu vất vả, khó khăn.

“Sáng dậy từ mờ đất, quay qua quay lại đã tối mịt. Làm nông dân là không bao giờ thất nghiệp. Chỉ cần chịu khó, biết tính toán và dám làm”- anh Quyết tự tin. Sự tự tin không chỉ là lời nói suông mà được chứng minh bằng mấy chục năm anh Quyết dám nắm bắt cơ hội kịp thời, năng động chuyển đổi công việc để phù hợp hoàn cảnh.

Cha mẹ nghèo nên mới đến lớp 5, anh Quyết phải nghỉ học, phụ giúp cha mẹ mưu sinh. Năm 1993, lên đường nhập ngũ, thế nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên theo quy định, anh Quyết được trở về địa phương, sau 18 ngày tại ngũ.

Từ hai bàn tay trẻ, vừa làm ruộng, khai hoang trồng rừng, ra sức tăng gia sản xuất, người thanh niên trẻ vừa hăng hái tham gia lực lượng dân quân xã. “Cưới vợ về, vợ chồng có 4 bàn tay. Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn. Vợ chồng tui tin rằng chăm chỉ và cố gắng thì sẽ sống tốt”, anh Quyết tâm tình.

Lần lượt những đứa con ra đời, anh Quyết và vợ bàn bạc tính toán, ngoài thời gian làm nông, vợ chồng còn mở bán hàng tạp hóa. Người dân ở đây muốn đi chợ phải ra tận quốc lộ, hơn chục cây số, nên vợ chồng anh lấy thêm nguồn thực phẩm là thịt, cá... tươi sống về phục vụ tận nơi. Buôn bán uy tín nên công việc kinh doanh suôn sẻ. Đến khi trên địa bàn xuất hiện nhiều “chợ di động” (người chở thực phẩm bằng xe máy bán rong tận nhà), vợ chồng anh Quyết bàn nhau tìm công việc mới.

Nhiều đóng góp được ghi nhận

Công việc mới của anh chị là nhận rừng để phát thực bì, đào hố trồng cây, phát dọn công trình trước khi san lấp mặt bằng. Thời gian này anh Quyết và con trai lớn chia nhau mỗi người một hướng, lặn lội trong những cánh rừng, đồi núi các địa bàn Hương Thủy, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới, Quảng Trị, triền miên những đêm mắc võng ngủ rừng. “Hai cha con phải coi ngó công việc, bữa ăn và mọi sinh hoạt khác cho thợ làm thuê. Thời điểm khối lượng công việc nhiều, chúng tôi có 80 người làm công. Ngoài lo cơm nước, nơi ăn chốn ở cho thợ, chúng tôi chi trả tiền công mỗi người 200.000 đồng/ngày. Phải xa nhà biền biệt, bao đêm ngủ chốn rừng sâu núi thẳm, nhưng vui vì kiếm được tiền từ bàn tay, trí óc của mình, vì mình đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người khác. Nghĩ thương chồng vất vả, tui ở nhà gắng vẹn tròn việc ruộng, vườn, chăm lo con cái”- chị Trang tâm sự.

Giữa năm 2015, đứa con trai út bệnh tật, cần sự chăm sóc, gần gũi của cha mẹ, vợ chồng nhất trí với nhau, từ giã những chuyến đi dài. Anh Quyết quay về cùng vợ làm trang trại. “Nói có vẻ đơn giản, nhưng vợ chồng tôi cũng phải bao đêm bàn bạc tính toán, lên phương án thật kỹ, sẽ làm như thế nào cho hiệu quả”. Vợ chồng anh Quyết nhận định, nuôi dê cho thu nhập cao và nhanh, nhưng bò lại là con chủ lực. Thức ăn cho cả hai chủ yếu tận dụng từ thiên nhiên, chỉ tốn công chăm sóc. Tuy nhiên, hai loại con này cần nhiều thời gian mới thu hồi vốn, sinh lãi. Vậy nên, hai vợ chồng tính toán phát triển đàn gà, lấy ngắn nuôi dài. “Thời gian tới, vợ chồng tôi dự định trồng cam, mít Thái, tiêu- những nông sản bán chạy trên thị trường. Là nông dân, khi nào còn sức mình không nghỉ, cũng không thể để đất nghỉ”-anh Quyết nói.

Gia đình anh Quyết không chỉ biết cách vươn lên làm giàu, truyền cảm hứng cho người khác về sự tự tin, dám làm, mà còn có trái tim biết yêu thương, chia sẻ. Anh Quyết đã 30 lần hiến máu. Cô con gái đang học đại học có nhóm máu hiếm cũng được cha khuyến khích hiến máu cứu người. Năm 2014, anh Quyết được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện; được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng kỷ niệm chương có cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và được Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Hương Thủy tặng giấy khen vì đã có thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...

Bài, ảnh: QUỲNH ANH 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làm giàu từ ruộng vườn

Mảnh vườn xanh tốt, cây trái trĩu quả; vườn lá dong ngút ngàn... đó là thành quả của chị Nguyễn Thị Liên, sinh năm 1965, hội viên phụ nữ xã Hương Toàn, TX. Hương Trà có được để kinh tế gia đình ổn định, nuôi con cái ăn học tới nơi tới chốn.

Làm giàu từ ruộng vườn
Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Ngày 6/4, đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam do ông Nguyễn Tiến Cường, Quyền Trưởng Ban Kinh tế-Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với HND huyện Phong Điền và kiểm tra một số mô hình nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Nông dân Phong Điền trước yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Những nông dân thu nhập tiền tỷ

Thông qua phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều điển hình nông dân thu nhập tiền tỷ.

Những nông dân thu nhập tiền tỷ
Quán triệt Chỉ thị 42 đến hội viên nông dân Phú Vang

Chiều 20/3, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã quán triệt Chỉ thị số 42-CT/TU, ngày 8/8/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cho hơn 300 cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn huyện Phú Vang.

Quán triệt Chỉ thị 42 đến hội viên nông dân Phú Vang

TIN MỚI

Return to top