ClockChủ Nhật, 14/07/2019 15:00

Võ Quang Phát & những thể nghiệm

TTH - Từ những tìm tòi trong thể nghiệm chất liệu, từ niềm đam mê theo đuổi đề tài đến tận cùng qua những series tranh, họa sĩ Võ Quang Phát (giảng viên Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường đại học Nghệ thuật – Đại học Huế) dần định hình được phong cách riêng.

Làm đẹp không gian sống bằng tranhNữ họa sĩ Việt vẽ tranh trên khăn lụa 2 mét tặng Công chúa kế vị Thụy ĐiểnHọa sĩ Đặng Ái Việt: "Các mẹ chính là tình yêu của tôi"!

Họa sĩ Võ Quang Phát

Trong giới mỹ thuật Huế, Võ Quang Phát là họa sĩ trẻ có nhiều đam mê, tìm tòi, sáng tạo. Tại triển lãm mỹ thuật truyền thống năm 2017, tác phẩm “Xuân - Hạ - Thu - Đông” của anh được Hội đồng Nghệ thuật lựa chọn trao giải thưởng thường niên của Hội Mỹ thuật tỉnh. Với tác phẩm này, Võ Quang Phát đánh dấu sự thay đổi phong cách, sự đột phá, tìm tòi trong hành trình sáng tạo khi biết tận dụng các kỹ thuật cũ tạo nên một phong cách mới.

Anh vận dụng nghệ thuật thủy ấn họa nhằm khai thác yếu tố tự nhiên lẫn ngẫu nhiên của chất liệu dầu loang trên nước để tạo ra sự giao hòa của màu sắc. Người xem có thể cảm nhận thời gian khởi đầu cho sự tuần hoàn của sự sống, những đốm màu li ti, lung linh quyện vào nhau gợi sự khoe sắc của muôn loài trong mùa xuân. Màu của hoa phượng trở thành gam màu chủ đạo, tạo ra những góc cảm xúc hoài niệm về một ký ức tạo điểm nhấn cho mùa hạ. Thu, mùa của những nỗi buồn man mác lại gắn với hình ảnh của những đám lá vàng ngả màu nâu xạm trong tranh… Có thể thấy, tác phẩm là sự biểu hiện một cách ước lệ, tượng trưng không quá trừu tượng để đánh đố người xem. Lối khai thác nghệ thuật trổ giấy cũng tạo nên hiệu quả âm dương, gợi cảm giác vừa thực vừa ảo.

Miệt mài sáng tạo, Võ Quang Phát thường đi đến tận cùng đề tài theo đuổi bằng các series tranh. Anh theo đuổi các chủ đề về biểu tượng con mắt, Phật giáo, cuộc sống và vẻ đẹp của tự nhiên. Trong loạt tranh về biểu tượng của con mắt, Quang Phát thể hiện cách điệu tất cả các hình dạng, biểu thị xung quanh những giá trị biểu tượng của đôi mắt. Anh chia sẻ: “Con mắt mang nhiều giá trị về mặt ý nghĩa, biểu tượng cho trí tuệ và tinh thần, khơi dậy cho tôi nhiều liên tưởng sâu sắc, bởi đôi mắt được coi là cửa sổ của tâm hồn”.

Với chùm tác phẩm về chủ đề Phật giáo, người họa sĩ trẻ lại thể hiện sự chiêm nghiệm về cuộc đời con người qua những lời dạy của đức Phật, quan niệm, triết lý của Phật giáo. Hình tượng các vị sư đi khất thực trong tác phẩm sơn mài “Hành trình tâm linh” là hành trình hướng về trí tuệ và lòng từ bi được thể hiện qua biểu tượng đôi mắt và trái tim. Những sắc vàng, sắc đỏ được tạo ra từ kỹ thuật nướng trứng, dán trứng, kỹ thuật đắp nổi của sơn mài gợi cho người xem không gian đặc trưng của đạo Phật. Với tác phẩm “Luân hồi”, Võ Quang Phát lại đề cập đến sự tái sinh từ kiếp này sang kiếp khác, từ cảnh giới này sang cảnh giới khác. Được thể hiện bằng các biểu chất trong tác phẩm, người xem có thể hình dung cảnh giới ấy đa đoan, sung sướng hay đau khổ…

Tác phẩm “Hành trình tâm linh”

Những cảm xúc về cuộc sống xung quanh cũng được anh thể hiện trong series tác phẩm có chủ đề “Cuộc sống”, từ những giá trị văn hóa vật thể cho đến những giá trị phi vật thể, hay đôi khi chỉ là sự cảm nhận một cách trừu tượng về sự vật, như cảnh họp chợ, cảnh vũ công chơi nhạc, ký ức của tuổi thơ…

Họa sĩ Võ Quang Phát cho hay, anh đang khám phá vẻ đẹp của tự nhiên qua những cảnh sắc, loài hoa. Nhưng, anh không vẽ trực họa, tả thực mà chọn lọc và sáng tạo ra tác phẩm trừu tượng, vừa có tính hiện thực vừa có tính điển hình. Có thể cảm nhận điều đó qua tác phẩm “Hoa sóng”, một tác phẩm từng tham gia triển lãm tại Thái Lan. Bằng kỹ thuật thủy ấn họa kết hợp với những hiệu ứng từ vỏ sò, trai, bức tranh là hình ảnh của sóng nước lấp lánh dưới ánh mặt trời, những sinh vật đại dương lung linh dưới ánh sáng, tạo nên những hiệu quả tuyệt đẹp về thị giác.

Tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế đồ họa, Võ Quang Phát lại có niềm đam mê đặc biệt với hội họa. Ngoài công việc giảng dạy, thiết kế, thời gian còn lại anh dành để vẽ. Trên hành trình sáng tạo, Võ Quang Phát chịu khó tìm tòi thể nghiệm nhiều chất liệu, từ sơn mài, acrylic, thủy ấn họa đến việc ứng dụng những chất liệu mới, như: các loại sơn, cát, vỏ sò, điệp… tạo nên chất liệu mix media (tổng hợp) để thể hiện các ý đồ sáng tạo.

Từ đam mê, hầu như triển lãm mỹ thuật nào ở Huế, anh cũng có tác phẩm tham gia, kể cả tham gia triển lãm ở Thái Lan, Hàn Quốc. Tranh của Phát chủ yếu thiên về loại hình bán trừu tượng, vừa gửi gắm những điều anh muốn giải tỏa, vừa không trói buộc suy nghĩ của người xem. Sử dụng đường nét là chính, tác phẩm của Quang Phát là sự chắt lọc hình tượng, khái quát bố cục. Điều này cũng giúp anh phần nào định hình một phong cách riêng.

Tác phẩm “Ngộ”

Võ Quang Phát bộc bạch: “Với tôi, sáng tạo là sự biến chuyển của trí tưởng tượng kết hợp với trí nhớ và tôi vẫn đang trong quá trình tìm tòi để tạo ra những điều mới. Để nuôi dưỡng cảm xúc, tôi đọc không ngừng để trau dồi vốn kiến thức, chiều sâu văn hóa, cộng với cách quan sát, cảm nhận vẻ đẹp của cuộc sống xung quanh...”

Bài, ảnh: TRANG HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tôn vinh “Thế gian Sư” Lê Văn Miến

Sáng 11/3, tại Khách sạn Duy Tân diễn ra buổi hội thảo Kỷ niệm 150 năm ngày sinh danh nhân văn hóa – họa sĩ Lê Văn Miến do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức.

Tôn vinh “Thế gian Sư” Lê Văn Miến
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Với mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị cây trồng, vật nuôi và phát triển nông nghiệp đô thị, TP. Huế triển khai nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí và góp phần bảo vệ môi trường.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Cuộc “hội ngộ vàng son” của hội họa

Những tác phẩm tiêu biểu của các họa sĩ tên tuổi, tài danh đất Cố đô nằm trong bộ sưu tập Bảo tàng Mỹ thuật Huế lần đầu tiên công bố đến với công chúng khiến người yêu nghệ thuật không khỏi rung động, cảm xúc. Ở đó các danh họa đã “hội ngộ”.

Cuộc “hội ngộ vàng son” của hội họa
Return to top