ClockThứ Sáu, 03/06/2016 09:27

“Vũ khí” phòng vệ thương mại: Có sao không dùng?

Một điểm hạn chế trong nhận thức và hành động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là vẫn còn thờ ơ với các biện pháp phòng vệ thương mại.

Tại Việt Nam, pháp luật về phòng vệ thương mại (PVTM) đã có những bước phát triển nhất định nhằm tái thiết lập trật tự trong cạnh tranh giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa nội địa. Điều này vừa đúng với tư duy của chủ nghĩa tự do kinh tế, vừa là công cụ bảo vệ ngành sản xuất trong nước đối với hàng nhập khẩu.

Thịt gà nhập khẩu vào Việt Nam bán với giá rẻ nhưng chưa được áp dụng biện pháp chống bán phá giá. (Ảnh minh họa: KT)

Mặc dù đã có có đầy đủ chủ trương cũng như hành lang pháp lý, nhưng sau hơn 10 năm triển khai (từ năm 2002), Việt Nam mới thực thi được 4 biện pháp tự vệ, 2 vụ việc chống bán phá giá và chưa có vụ chống trợ cấp nào. Phải đến năm 2009, lần đầu tiên Việt Nam mới khởi xướng vụ việc tự vệ toàn cầu đối với mặt hàng kính nổi.

Số liệu từ Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đã liên tục tiến hành khởi xướng nhiều biện pháp tự vệ toàn cầu đối với các mặt hàng dầu thực vật tinh luyện; áp dụng thuế tự vệ ở phạm vi toàn cầu với sản một số sản phẩm bột ngọt nhập khẩu; phôi thép và thép dài nhập khẩu. Đặc biệt, Việt Nam cũng đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm thép không gỉ cán nguội và một số sản phẩm tôn mạ nhập khẩu…

Nhưng theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), một điểm đáng buồn trong nhận thức và hành động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam là vẫn còn thờ ơ với các biện pháp PVTM.

Ông Nam cho rằng, cái khó hiện nay về PVTM vẫn là nhận thức chung cảa toàn xã hội chưa theo kịp dẫn tới các công cụ pháp lý áp dụng bảo hộ còn khó và chưa tốt. Mỗi khi đưa ra vấn đề áp dụng thuế suất tự vệ tạm thời, một loạt các phản ánh lại cho rằng, có yếu tố bảo vệ một nhóm doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng…

“Nếu chúng ta không sử dụng những công cụ được WTO cho phép để bảo vệ doanh nghiệp, ngành sản xuất trong nước sẽ bị tiêu diệt và phá sản. Bởi khi hàng hóa nước ngoài thâm nhập, họ sẽ bán phá giá với giá rất thấp để chiếm lĩnh thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng”, ông Nam lo ngại.

Còn theo bà Phạm Châu Giang, Phòng điều tra các vụ kiện thương mại (Cục quản lý cạnh tranh), việc áp dụng các biện pháp PVTM tại Việt Nam rất khó vì phải phù hợp với các quy định pháp lý quốc tế. Hơn nữa, khi áp dụng PVTM để bảo vệ được một bộ phận sản xuất trong nước thì đồng thời lại gây thiệt hại cho một bộ phận thị trường hạ nguồn sử dụng hàng hóa nhập khẩu làm đầu vào.

Trong khi hiện nay, Việt Nam đã ký nhiều Hiệp định thương mại tự do FTA, bên cạnh mặt tích cực của việc giảm thuế, hàng hóa của Việt Nam có cơ hội xuất khẩu đến các nước khác, nhưng cũng phát sinh nhiều điểm tiêu cực nếu các doanh nghiệp không có sự chuẩn bị kỹ, không có biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, khi thuế giảm cũng khiến các doanh nghiệp điêu đứng.

“Khi các dòng thuế sẽ về 0%, các doanh nghiệp không thể trông chờ bảo hộ về thuế thì các biện pháp PVTM là biện pháp mà các doanh nghiệp cần nghĩ đến. Tuy nhiên, khi áp dụng biện pháp PVTM, hồ sơ và các điều kiện để khởi xướng, áp dụng các biện pháp PVTM cũng không phải đơn giản. Cộng đồng doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ hơn về các biện pháp này, bởi vì trước sau gì các doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng của biện pháp PVTM”, bà Giang cho biết.

Số lượng yêu cầu của các nhà sản xuất trong nước gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây cho thấy, việc sử dụng các công cụ pháp lý là cần thiết và phù hợp với nhằm bảo vệ sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam ngay tại thị trường trong nước, trước những hành vi cạnh tranh không công bằng của doanh nghiệp nước ngoài.

Cùng với đó, việc sử dụng các công cụ pháp lý còn thể hiện rõ rệt vai trò bảo vệ sự hình thành và tồn tại của các ngành sản xuất còn non trẻ của Việt Nam, đó là vấn đề quan trọng đảm bảo cho hội nhập kinh tế quốc tế thành công.

Ông Nguyễn Phương Nam cho rằng, với nguồn lực về nhân sự và cơ sở vật chất như hiện nay, cơ quan quản lý cạnh tranh phải thực thi cùng lúc cả 2 mảng kháng kiện và khởi kiện trong áp dụng PVTM sẽ là rất khó khăn. Song, điều khó khăn hơn lại nằm chỉnh ở sự đồng lòng của các cơ quan nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong việc cùng nhau thực hiện các biện pháp PVTM.

Do đó, muốn áp dụng các biện pháp PVTM thành công phải có sự đồng lòng của các ngành các cấp, đặc biệt sự tích cực tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Nhất là trong xu thế phát triển hiện nay, các tập đoàn lớn đang coi việc đề nghị Chính phủ áp dụng các biện pháp PVTM là một trong những chiến lược kinh doanh hữu hiệu, nếu cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam biết tận dụng được hiệu quả của công cụ pháp lý về PVTM sẽ là việc làm hết sức cần thiết.

“Khi Mỹ áp dụng biện pháp chống bán phá giá giá tôm của Việt Nam, đã có nhiều ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và cả cơ quan Nhà nước không tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của việc kháng kiện và còn tỏ ra thiếu hợp tác. Phải mất 8 năm kháng kiện trên WTO chúng ta mới thành công".

"Năm 2015, khi Cục Quản lý cạnh tranh hỗ trợ cho Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam bộ và Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai hướng dẫn cách thức và hồ sơ cho trên 30 doanh nghiệp để thực hiện các biện pháp PVTM, nhưng sau đó các doanh nghiệp lại đồng loạt rút lui bởi tâm lý có kiện cũng không thể thắng Mỹ”.

Ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương)

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó trước những cạnh tranh không lành mạnh

Hội nghị “Quy định và thực tiễn về phòng vệ thương mại (PVTM) trong bối cảnh mới” diễn ra sáng 27/7 tại Huế. Hoạt động do Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) phối hợp Sở Công thương tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước chủ động hơn trong xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài.

Hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó trước những cạnh tranh không lành mạnh
Doanh nghiệp cần chủ động và ứng phó linh hoạt trong phòng vệ thương mại

Song song với xuất khẩu tăng nhanh thời gian gần đây là số lượng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại cũng gia tăng nhanh chóng, có thể dẫn tới nguy cơ mất thị trường. Chính vì vậy, theo các chuyên gia thương mại, dù đã có nhiều chuyển biến về nhận thức nhưng doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc ứng phó với các vụ việc điều tra để tránh những rủi ro.

Doanh nghiệp cần chủ động và ứng phó linh hoạt trong phòng vệ thương mại
Đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trước phòng vệ thương mại

Nâng cao năng lực ứng phó trước phòng vệ thương mại (PVTM) để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của DN và các ngành sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh là trọng tâm của Hội nghị tổng kết thực thi Nghị định số 10/2018/NĐ-CP liên quan đến PVTM do Sở Công thương phối hợp với Cục PVTM - Bộ Công thương tổ chức sáng 22/11.

Đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trước phòng vệ thương mại
Return to top