ClockThứ Ba, 13/03/2018 08:42

Vừa kinh tế vừa nhân văn

TTH - Chiều thong thả, mang tất xỏ giày ra công viên gần nhà làm cuốc đi bộ cho giãn gân giãn cốt. Đi đằng trước là một nhóm các bà cùng xóm. Thay vì hít sâu, thở chậm cho nó giãn phổi bổ phế, thì vẫn như mọi lần, các bà vừa đi vừa chuyện trò như bắp rang. Dù không muốn nghe, câu chuyện vẫn cứ tự nhiên chui vào lỗ nhĩ không biết bao giờ.

Dưỡng già tự nguyện & an sinh cho người cao tuổiNgười giàDưỡng già tự nguyện & an sinh cho người cao tuổiNhân rộng mô hình người già sống khỏe

Lần này là chuyện nhà nọ có người bố lớn tuổi, bệnh già nhưng thiếu người chăm sóc. Ông anh cả định đưa bố vào viện dưỡng lão cho tiện, nhưng vấp phải sự phản ứng dữ dội của chị em trong nhà. “Nhà mình đến nỗi chi, anh muốn thiên hạ họ cười cho thúi mũi à? Không chăm được thì để đó bọn tôi...”. Anh em ai cũng lý sự như thế, ông cả kẹt cứng. Không thể giao bố cho anh em, hơn ai hết, ông biết họ chỉ nói cho “vuông” vậy thôi, chứ nếu giao thì chắc lại tiếng bấc tiếng chì, đại loại cái gì cũng ông trưởng ông trưởng, bây giờ bố ốm mới “thòi mặt” thế nào là  trưởng... Ông thì có thể chịu được, nhưng còn vợ ông, chắc là căng hung. Cả hai vợ chồng đều bận công việc, bố thì ốm nằm dài ngày, anh em nói cho nhiều vậy, nhưng ai cũng chỉ đến đến đi đi... Ngẫm mãi, ông chạy tìm cho ra một người biết chăm người già và tin tưởng được, chỉ còn cách ấy chứ không có cách nào hơn. Rồi cũng may bố ông thương con thương cháu, cụ ra đi một thời gian không lâu sau đó...

Câu chuyện của mấy bà trong xóm khiến tôi liên tưởng đến trường hợp của một người quen biết. Nghe kể anh cũng đã từng khó xử và khổ tâm với bố của mình như thế. Chịu không được tiếng bấc tiếng chì nên dù đã làm thủ tục rồi, anh cũng không đủ can đảm để gửi bố vào viện dưỡng lão, phải giữ cụ ở nhà và căng người “cân đối thời gian, lực lượng” để làm tròn đạo hiếu.

Cũng xung quanh chủ đề trên, cuối năm còn gà vừa rồi, có dịp trò chuyện với giáo sư Trần Hữu Dàng, ông bảo tôi, chúng ta từ lâu đã có nhà trẻ, quan tâm nhà trẻ nhưng lại quên mất “nhà già” (“nhà” giành cho người già), trong lúc nhu cầu của xã hội thì có và chắc chắn là không hề nhỏ. Ông đơn cử bản thân ông, con cái ở xa, nhưng bảo ông rời Huế để theo con, để được chăm sóc thì ông không hề muốn. Nếu có “nhà già”, ông sẽ vào đó để được chăm sóc, được sống gần quê hương, bè bạn...

Thật ra, tâm sự và nguyện vọng như của giáo sư Dàng không phải là lần đầu chúng tôi được nghe, mà đó còn là suy nghĩ, là nhu cầu của nhiều người khác nữa. Tiếc là nhu cầu có, nhưng điều kiện đáp ứng của xã hội, mà nói nôm na như giáo sư Dàng là “nhà già”, lại đang thiếu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại một vài tỉnh thành ở hai đầu đất nước hiện đã có một số viện dưỡng lão hoạt động theo dạng dịch vụ. Riêng ở Huế, không tính đối tượng là người có công, việc nuôi dưỡng người già chủ yếu được thực hiện tại các điểm nuôi dưỡng mang tính từ thiện xã hội, các cơ sở tôn giáo. Cách đây chừng hơn năm, Trung tâm nuôi dưỡng cung cấp dịch vụ công tác xã hội thuộc Sở LĐ-TBXH bắt đầu có mở thêm dịch vụ chăm sóc người già, tuy nhiên, số người tham gia còn hết sức khiêm tốn. Nhu cầu có, nhưng dịch vụ mở ra thì không có “khách hàng”, liệu có mâu thuẫn? Theo chúng tôi điều ấy không quá khó hiểu. Thứ nhất là vấn đề rào cản tâm lý như từ đầu bài viết đã đề cập. Thứ hai, dịch vụ mở nhưng lại mang tính “chắp vá, lồng ghép”. Các địa chỉ nuôi dưỡng tại địa phương lâu nay đều gắn với dạng “xã hội, từ thiện”, dịch vụ mở ngay trong khuôn viên một nơi như vậy, làm sao không vướng tâm lý? Bản thân người già chưa nói, nhưng con cái họ có vượt được dư luận xã hội khi mang bố mẹ đến gửi?

Một khu vực độc lập, được đầu tư đẹp đẽ, lịch sự; có không gian tập luyện, giao tiếp, vui chơi giải trí; có đội ngũ nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu phục vụ, chăm sóc; có các khung giá linh hoạt, phù hợp để khách hàng rộng đường chọn lựa. Phải có một địa chỉ như thế thì rào cản tâm lý mới dần được gỡ bỏ, dịch vụ mới từ đó trụ vững và lan tỏa. Chúng tôi nghĩ, đó sẽ là một sự đầu tư vừa mang tính kinh tế vừa đậm tính nhân văn mà xã hội hiện đại đang rất cần.

Hiền An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Học Bác về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân

Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, coi nghề y là nghề đặc biệt. Đây là vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề cập. Tư tưởng đó phản ánh chiều sâu nhân văn của chế độ XHCN, dễ hiểu, dễ làm theo.

Học Bác về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top