ClockThứ Sáu, 15/01/2016 09:44

Vực dậy nghề truyền thống

TTH - Nhờ kế hoạch khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2014- 2015 (KH 109) của UBND tỉnh, nhiều làng nghề đã được vực dậy.

Khách du lịch tham quan gian hàng gốm Phước Tích tại Festival nghề truyền thống Huế

Giữ nghề

Làng nghề chổi đót Thủy Phương trước đây gặp nhiều khó khăn do chưa tìm được đầu ra, tiền công lao động thấp dẫn đến nhiều gia đình từ bỏ nghề. Mặt khác, sản phẩm làng nghề khó đứng vững trên thị trường khi các loại chổi nhựa, chổi đót miền Nam có giá rẻ, mẫu mã bắt mắt xuất hiện. Trong hai năm 2014 và 2015, thông qua KH 109, Sở Công thương đã tổ chức khóa tập huấn cải tiến mẫu mã, nâng cao năng lực sản xuất và đào tạo nghề cho 30 lao động nông thôn nhằm khôi phục và phát triển nghề. Qua đó, DNTN Thanh Lam ngày càng phát triển, hiện có 2 cơ sở sản xuất ở phường Thủy Phương và Phú Bài, giải quyết việc làm cho 40 lao động và sản xuất trên 20 ngàn cái/tháng.

“Thông qua KH 109, trong năm 2015 đã hình thành được 20 công ty TNHH làm đầu mối ở các làng nghề, đồng thời tạo 150 mẫu mã sản phẩm mới trong nông thôn, hình thành 3 tour - điểm làng nghề phục vụ du lịch, đó là làng nghề mây tre đan Bao La, nón lá Mỹ Lam và hoa giấy Thanh Tiên”, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương, bà Lê Thị Bá Hạnh cho biết.

 

Giám đốc DNTN Thanh Lam, bà Nguyễn Thị Khét phấn khởi: “Chổi đót bây giờ không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà đã hình thành mạng lưới bán lẻ trong toàn quốc và xuất khẩu. Năm 2015, DN đã sản xuất 60 ngàn cái, trong đó xuất khẩu sang Đài Loan 30 ngàn cái và cung ứng cho thị trường nội địa 30 ngàn cái. Hiện, DN đang đầu tư gần 1 tỷ đồng mua nguyên liệu, sản xuất theo đơn đặt hàng của các đối tác”.

Mây tre đan Bao La (Quảng Điền) được xem là một trong những làng nghề phát triển nhanh và khá bền vững. Sau khi thụ hưởng các khóa đào tạo nghề và tập huấn cải tiến mẫu mã, hàng chục mẫu mã mới được thiết kế từ nguyên liệu mây và tre ra đời, đáp ứng nhu cầu trang trí nội ngoại thất cho các DN trong và ngoài nước. “Trước đây HTX chỉ sản xuất các sản phẩm thông dụng như rổ, rá, dần, sàng và các loại đèn tre nên sản phẩm tiêu thụ khó. Sau khi được Sở Công thương tổ chức các lớp tập huấn và đào tạo nghề cho xã viên, hiện HTX sản xuất thêm nhiều sản phẩm mới như đèn lồng, đèn hoa sen, đèn bát, đèn ngủ, hộp đựng đũa, khung ảnh… Thông qua DNTN Vạn Xuân (Quảng Bình), mỗi năm HTX xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan hàng ngàn sản phẩm mỹ nghệ, doanh thu mỗi năm đạt trên 2 tỷ đồng”, Chủ nhiệm HTX mây tre đan Bao La, ông Võ Văn Dinh chia sẻ. 

Đó là hai trong số hàng chục làng nghề trên địa bàn tỉnh khởi sắc nhờ vào KH 109 như mây tre đan Bao La, Thủy Lập (Quảng Điền); làng nón Mỹ Lam và hoa giấy Thanh Tiên (Phú Vang); mộc mỹ nghệ và gốm Phước Tích (Phong Điền) đến các làng nghề truyền thống như dệt zèng (A Lưới); dầu tràm Lộc Thủy (Phú Lộc); chế biến thủy hải sản (Phú Vang), chổi đót (thị xã Hương Thủy)… Mẫu mã các sản phẩm được đa dạng hóa với sự tham gia thiết kế của các nghệ nhân và sử dụng các máy móc hiện đại để sản xuất hàng loạt, hạ giá thành sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Trong năm 2015, Sở Công thương đã phối hợp với Trường cao đẳng nghề, Đại học Kinh tế và Đại học Nghệ thuật Huế tổ chức đào tạo nghề cho gần 800 lao động tại các làng nghề như gốm, thêu, mộc mỹ nghệ, chế biến dầu tràm, đèn lồng; tổ chức 26 khóa tập huấn về cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm, khởi sự DN và nâng cao năng lực quản lý sản xuất.

Đẩy mạnh khôi phục nghề

Khó khăn lớn nhất của các nghề, làng nghề hiện nay vẫn là khâu tiêu thụ sản phẩm. Một số sản phẩm làng nghề như gốm Phước Tích, đệm bàng Phò Trạch, rèn Cầu Vực, bánh tráng Lựu Bảo, mộc mỹ nghệ… tiêu thụ khó khiến nhiều hộ sản xuất lao đao, rất khó bảo tồn và phát triển nghề. “Nghề mộc mỹ nghệ Huế kế thừa những tinh hoa của làng nghề Mỹ Xuyên (Phong Điền) và được hỗ trợ các khóa tập huấn, đào tạo nghề và hỗ trợ thiết bị nên sản phẩm làm ra ngày càng tinh xảo và đạt chất lượng cao. Song, do trên địa bàn hiện vẫn chưa có trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề, trong khi công tác xúc tiến giới thiệu sản phẩm còn hạn chế nên sản phẩm làm ra tiêu thụ khó”, Giám đốc DNTN mộc mỹ nghệ Quốc Cường - Võ Văn Cường chia sẻ.

Nghề dệt zèng A Lưới đang hồi sinh và phát triển

Giảng viên Trường đại học Nghệ thuật Huế, bà Nguyễn Thị Thanh Trà phân tích: “Sở dĩ lâu nay nhiều sản phẩm làng nghề chưa thu hút khách và tiêu thụ khó một phần là do bản thân các cơ sở chưa đầu tư cho sản phẩm của mình. Cụ thể, nhiều cơ sở đang bỏ ngỏ việc nhận diện thương hiệu qua bao bì đóng gói, chưa đầu tư trong khâu thiết kế, tạo ra mẫu mã mới để tự làm mới sản phẩm. Để phát triển sản phẩm làng nghề, sắp tới các cơ sở cần đầu tư khâu thiết kế mẫu mã, thay đổi bao bì đóng gói và thiết kế nhiều sản phẩm trên cùng một chất lượng nhằm đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách”.

Phó Giám đốc Sở Công thương, ông Lê Tự Dũng cho biết: “Bên cạnh việc hỗ trợ đầu tư trang thiết bị hiện đại cho các làng nghề nhằm thay đổi mẫu mã, sản xuất số lượng lớn đáp ứng nhu cầu của khách, thời gian tới, sở tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn đầu tư cho các làng nghề với mục tiêu khôi phục và phát triển nghề truyền thống và du nhập một số nghề mới như đan sợi nhựa, thêu hanbok, thêu kimono… Mặt khác, sẽ đẩy mạnh và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các DN tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ lớn, đôn đốc các dự án xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề cũng như tìm kiếm thị trường mới”.

Bài, ảnh: Thanh Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

Tiếp tục phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển toàn diện và đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản... trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững
Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống

Đối với cư dân Đông Nam Á nói chung, gắn với đời sống sông nước và truyền thống nông nghiệp lúa nước, lễ hội đua thuyền là một sinh hoạt văn hóa phổ biến, có lịch sử lâu đời, được thực hiện với mục đích chính là cầu ngư, cầu mưa, cầu an và thể hiện tinh thần thượng võ, vui chơi giải trí.

Quy ước của các “trộ” đua thuyền truyền thống
Giúp nhau phát triển kinh tế từ nghề truyền thống

Thành lập các câu lạc bộ (CLB), tổ liên kết (TLK) để cùng chia sẻ kinh nghiệm, thị trường, giúp đỡ vốn... đó là cách Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hương Toàn (TX. Hương Trà) giúp hội viên phát triển kinh tế từ nghề truyền thống của địa phương.

Giúp nhau phát triển kinh tế từ nghề truyền thống

TIN MỚI

Return to top