ClockChủ Nhật, 08/10/2017 09:47

Vùng bên chân sóng…

TTH - Biển lúc này đang thời điểm “giao thoa” trước khi chuyển sang mùa gió chướng. Tôi cứ đắn đo mãi khi lựa chọn điểm khởi đầu cho hành trình đi về phía biển, và rồi ý nghĩ chọn về vùng thăm thẳm cát cùng với những phận đời lam lũ, nơi mình từng lớn lên…

Trong các loại cá đặc sản ở biển Phú Diên, cá cu có giá trị kinh tế cao nhất

1. Về biển tìm gặp bạn với lời hẹn bên ly cà phê quê nhà, trớ trêu bạn không xem cuộc hẹn là điều quan trọng, nó yêu chiếc thuyền nan công suất 14 CV cùng vài vàng lưới, chục bộ câu hơn đứa bạn thiếu thời. “Hôm ni nghe nói cá nhiều, thằng Mĩnh đi câu từ sớm, đến chiều mới vô”, bà chủ quán nước thông tin sau cái hụt hẫng của tôi. “Mà chú có phải người hắn cho leo cây đầu tiên mô. Có lần Mĩnh được mai mối hẹn hò với đứa con gái làng bên. Mới vô quán cà phê, nghe tin cá “dô” lập tức bỏ bạn gái, chạy ngay ra biển. Cái thằng chi lạ?!”, chủ quán nước vừa lắc đầu vừa cười tủm tỉm.

Lỡ hẹn, tôi được dịp ngắm nhìn lại vùng quê bên chân sóng. Không riêng gì vùng biển Điền Hòa (huyện Phong Điền) này, dọc theo bãi biển các xã Điền Hương, Điền Lộc, Phong Hải (huyện Phong Điền) chỉ cần mô tả một thôn nào đó, những vùng quê khác lập tức hiện ra y hệt nhau. Bây giờ, những mảng xanh của rừng keo tràm trên cồn cát đã làm dịu cái nắng vàng rực của một thời xa ngái. Còn ngày xưa, cồn cát chỉ một màu bạc thếch. Từ thôn Trung Đồng (xã Điền Hương), điểm tiếp giáp vùng biển Hải Khê (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) đến điểm cuối vùng biển xã Phong Hải là những mảng phi lao tựa mình bên sóng, xám ngắt, lay mình khi đến mùa gió Lào... Thoảng chợt nhớ lời của lão ngư Lê Văn Lượng (thôn 10, xã Điền Hòa) trong một lần chuyện trò về biển, rằng chính thiên nhiên ấy đã hình thành nên tính cách của ngư dân vùng bãi ngang, một lòng với biển, quyết tâm bám biển.

Ngư dân vùng bãi ngang ven biển vẫn miệt mài vươn khơi

Cách đây chừng hơn một năm, khi xảy ra sự cố môi trường biển, khắp miệt biển này "mối tình" giữa ngư dân với biển bị "tổn thương" vô cùng. Nhưng lúc biển "bạc", những nhà máy, công ty bên phía cồn cát mọc lên, giải quyết được hàng trăm lao động tại địa phương. Dù mức lương không quá cao nhưng đủ cho hành trình vượt qua mùa biển khó. Và vùng biển xa xôi này, làn gió công nghiệp thổi vào từ lúc nào không hay. Ngoài ra, bộ phận người dân nuôi tôm thẻ chân trắng cũng cẩn thận hơn trong mỗi mùa vụ. Nhẩm tính của ông Hồ Ngọc Sởi (trưởng thôn 10, xã Điền Hòa): “Đàn ông khi biển động đi làm công nhật mỗi ngày kiếm được khoảng 200 nghìn đồng; đàn bà làm công nhân các công ty lương từ 3,5-4 triệu đồng/tháng” khiến tôi liên tưởng đến chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Phong Hải Phan Khánh: “Dù là xã biển nhưng thu nhập bình quân đầu người tại địa phương gần 40 triệu đồng/năm, trên chuẩn nông thôn mới”…

2. Mặt trời đổ bóng, tôi ngồi đợi những chiếc thuyền cập bờ trên bãi biển quê. Phía xa, Mĩnh lợi dụng sức đẩy của sóng cho thuyền áp sát vùng "sóng lừa" (điểm tiếp giáp giữa con sóng và bãi cát). Chuyến biển trở về chẳng có nhiều cá tôm, chỉ vừa đủ vị mặn trong bữa cơm chiều nhưng Mĩnh chẳng buồn rầu. "Biển mà mi, ngày ni ít thì mai nhiều. Tí ăn cơm xong tau đẩy ghe (thuyền) đưa mi đi dạo... biển", Mĩnh nói. Và hành trình về phía biển được nối dài trên chiếc thuyền nan 14 CV. Thuyền rẽ sóng hướng về điểm giáp lãnh hải tỉnh Quảng Trị rồi xuôi theo con nước đến vùng biển xã Phong Hải. Thuyền vượt biển cứ chòng chành bởi gặp gió to, “sóng nhám”.

Bây giờ, biển đã không còn “sóng dữ”, ôm nghiệp ngư là ôm chặt con sóng. Trên thuyền Mĩnh kể đủ thứ nghề vùng lộng như, kỹ nghệ câu cá ong, bủa cá trích, cá khoai, cá hố cho đến kéo bạch tuộc hay kéo cá gần bờ lúc biển động. Gặp bạn thuyền ngay trên biển, Mĩnh chuyển tay lái áp sát thăm hỏi, luyên thuyên đủ thứ chuyện. “Dù biển thời ni ít cá hơn trước nhưng siêng năng sẽ đủ sống thậm chí làm giàu. Lúc trước, nhiều người muốn ổn định nên làm công nhân với mức lương khoảng 4 triệu đồng/tháng nhưng rời biển không đành nên lại theo đuôi con cá. Chừ công nhân đa số phụ nữ, đàn ông thì đi biển”, Mĩnh nói.

Ngồi trên thuyền, có một điều tôi mãi thắc mắc, tại sao miệt biển Phong Điền lại ít cá tôm hơn biển Hải Khê (Quảng Trị), Quảng Ngạn, Quảng Công (huyện Quảng Điền), Hải Dương (thị xã Hương Trà), Phú Diên (huyện Phú Vang), Mĩnh tặc lưỡi: “Ông cha nói, cá ở biển mình là cá khách, lúc có việc gì nó mới ghé. Ví dụ như những lúc nước đục, sóng to cá lại nhiều hơn khi biển êm. Ở những chỗ khác có những nghề mình không có”…

Ngư dân Phong Hải gặp nhau trên biển trong một chuyến vươn khơi

Quả như lời nói của bạn, tình cờ đọc được những câu thơ trên facebook của thôn Tây Hải (xã Quảng Ngạn) thì có vẻ lý do đó có phần đúng: Cứ sau mỗi chuyến ra khơi/ cá, tôm, mực, vọ nó bơi đầy tràng (cái rổ lớn)/ tháng bảy, mức kéo sẵn sàng/ vì con mực địu, cả làng tê chân/… Ai đặt tre lộng, tre khơi/ gồng thân“bức” lá, nắng phơi cháy người/ đến mùa mặt nước đỏ tươi/ đuốc (ruốc) tôm đi dạ, giữa cươi (sân) phơi đầy...”. "Trắc nghiệm" ngư dân Hồ Công Luận (xã Quảng Ngạn), ông bảo muốn bám biển là phải sắm nghề (tức ngư lưới cụ) và giữ được những ngón nghề mà tổ tiên để lại như, câu cá nục phải dùng loại dây lang đủ màu, xây tổ bằng lá cây dưới biển để cá trú ẩn. Ở các thôn ven biển xã Quảng Ngạn tùy từng mùa cá sử dụng các loại lưới khác nhau. Ngoài ra, vẫn giữ được các nghề xưa như chạy dạ đánh bắt ruốc, bủa "rồng" đánh bắt cá duội, me, mực… Nếu không bám biển, người dân quê tui không biết làm chi để kiếm sống nên ai cũng một lòng với biển. So với năm trước, năm nay biển cho nhiều cá tôm hơn, nên thu nhập của bà con khá hơn nhiều.

Nhắc đến kỹ nghệ dụ cá, sẽ thiếu sót nếu không kể đến vùng biển xã Phú Diên, nơi còn lưu giữ những kĩ năng đánh bắt cá vùng lộng xưa cũ. Lão ngư Nguyễn Văn Tái (thôn Phương Diên, xã Phú Diên) dù ngấp nghé tuổi 70 nhưng hàng ngày vẫn cũng con cháu dong thuyền hơn 5 hải lý để đánh bắt. Trước sân nhà ông Tái lúc nào cũng có cái bó chuối khô. “Những kỹ nghệ câu cá cổ bây giờ không còn vì sự phát triển của các loại ngư lưới cụ. Mực dùng lừ để đặt, lưới hai bủa cá mó, lưới ba bủa cá doái, cá cồ. Nhưng khi câu cá đặc sản phải dùng nghề “xưa”, nghĩa là mang theo lá chuối khô để dụ cá”, ông Tái bày tỏ.

Cá đặc sản ông Tái nói đến là cá cu, cá bò, cá háu… có giá trên dưới 200 nghìn đồng/kg mua tại bãi. Các loại cá này mang về cho ngư dân Phú Diên thu nhập từ 2-3 triệu đồng/thuyền/chuyến. “Ở chỗ tui, cá cu tiểu thương thu mua xuất khẩu đi nước ngoài đó. Đánh bắt cá to ở vùng lộng là phải nói đến Phú Diên. Bởi rứa, dân ở đây ai cũng quyết tâm bám biển để giữ nghề ông cha để lại”, ông Tái tự hào.

Còn nhiều vùng biển bãi ngang khác vẫn hàng ngày dập dìu theo con sóng. Biển lúc yên, lúc “trở chứng”, nhưng dù như thế nào ngư dân vẫn một lòng ôm ấp, với cái tình hơn cả trăm năm…

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ra quân làm sạch môi trường tại Phong Điền, A Lưới

Chiều 17/3, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh phát động chiến dịch “Hãy làm sạch biển” và đồng loạt ra quân hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh - Hãy làm sạch biển năm 2024 tại bãi tắm thôn Tân Bội, xã Điền Lộc (huyện Phong Điền).

Ra quân làm sạch môi trường tại Phong Điền, A Lưới
Cần nguồn vốn xây kè ứng phó sạt lở biển

Nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở biển về lâu dài, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các địa phương kiểm tra, khảo sát đề xuất phương án xử lý chống sạt lở và lập chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp, nhằm từng bước đầu tư khi có nguồn vốn.

Cần nguồn vốn xây kè ứng phó sạt lở biển
Mối tình sắt son nơi đầu sóng

Bên chân sóng, trước hải trình đến quần đảo Trường Sa, tôi đã “gặp” một cuộc chia tay của đôi tình nhân đặc biệt. Họ là vợ chồng, cũng là đồng chí đồng đội, “xếp lại” tình riêng vì tình cảm lớn lao hơn…

Mối tình sắt son nơi đầu sóng
Xông biển đón lộc đầu năm

Thời tiết lạnh, biển sóng dữ nên khác với các năm, năm nay mồng 4 tết ngư dân các vùng biển bãi ngang mới bắt đầu dong buồm ra khơi, “hái” lộc biển đầu năm. ​

Xông biển đón lộc đầu năm
Return to top