ClockThứ Hai, 26/12/2016 13:56

Vùng đầm phá không còn đông con

TTH - Không quản ngày đêm, đội tuyên truyền viên kiên trì đến từng hộ dân vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Quan niệm “đông con hơn đông của” của người dân vùng đầm phá dần thay đổi.

Thành viên Đội tuyên truyền viên thị xã Hương Trà tư vấn trực tiếp cho người dân. Ảnh: Đức Hy 

Vùng ven biển, đầm phá, vạn đò có mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên thường cao. Dân cư tập trung đông đúc với nghề đánh bắt, chài lưới, nuôi trồng thủy sản nên công tác tuyên truyền, tư vấn, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản gặp khó khăn. Một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng, muốn có con trai nối dõi, muốn có thêm lao động nên chênh lệch giới tính ngày càng gia tăng.

Đề án Kiểm soát dân số vùng ven biển, đầm phá, vạn đò... được triển khai ở 56 xã, phường, thị trấn thuộc 7/9 huyện, thành phố. 7 đội tuyên truyền viên dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) được thành lập. Họ là những cộng tác viên tích cực từ cơ sở  được tăng cường trong các buổi tư vấn cộng đồng cho cư dân định cư vạn đò.

Các thành viên trong nhóm tư vấn đến tại cảng cá, chợ cá, nơi cập bến của các ngư dân để tư vấn, cung cấp các dịch vụ, nói chuyện tránh thai... Những cuộc trò chuyện giúp bà con từng bước nhận thức, thay đổi quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ”, “đông con hơn nhiều của”. Đội tuyên truyền còn thực hiện các hoạt động tuyên truyền tại các xã triển khai chiến dịch, tuyên truyền tại các sự kiện truyền thông, diễn đàn nhóm lớn, lồng ghép tuyên truyền trong hoạt động của các đoàn thể. Chị Nguyễn Thị Hiền, thành viên của Đội tuyên truyền TP. Huế chia sẻ: “Những ngày đầu làm công tác dân số, tôi gặp không ít khó khăn. Đến các hộ tuyên truyền, có gia đình vui vẻ tiếp chuyện nhưng cũng có nhà khó chịu, thậm chí có nhà chỉ nghe thấy tiếng là đóng cửa không muốn tiếp. Họ cho rằng, sinh con là chuyện của mỗi gia đình, sinh được thì nuôi được, cần chi phải đến vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình” …

Đội tuyên truyền lưu động luôn quán triệt phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” nên đội kiên trì đi đến từng hộ gia đình, chú trọng đến các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, sinh con một bề hay những gia đình kinh tế khá giả, có đủ số con nhưng có ý định sinh thêm… để tư vấn. Có những đối tượng ban đầu không hợp tác, phải đến nhiều lần họ mới thay đổi nhận thức và thực hiện gia đình ít con. Anh Châu Văn Hòa, Đội trưởng Đội tuyên truyền dân số thị xã Hương Trà bộc bạch: “Tôi đến từng hộ gia đình để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, khéo léo phân tích và hướng dẫn cho các cặp vợ chồng cách sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại để không bị vỡ kế hoạch. Những trường hợp đăng ký đặt vòng hoặc triệt sản, các tuyên truyền viên chở họ đến các cơ sở y tế để thực hiện dịch vụ”.

Không phải ai cũng dễ thuyết phục, đôi khi các tuyên truyền viên phải phân tích, tâm sự tỉ tê, “mưa dầm, thấm lâu” mới thành công. Thế nên, hễ làm cộng tác viên dân số thì ai cũng thành “thổ địa”, nắm chuyện thiên hạ như chuyện nhà của mình”. Trong những buổi họp thôn, sinh hoạt hội phụ nữ hay những gặp nhau ngoài chợ, cảng cá... họ cũng tâm sự, chia sẻ với chị em. Chính sự gần gũi đó giúp các chị hiểu và sử dụng những biện pháp an toàn nhất. Chị Phạm Thị Lam, thành viên Đội Tuyên truyền huyện Quảng Điền nói: “Có cặp vợ chồng có 2 đứa con gái, gia đình quá khó khăn khi cô vợ ốm yếu bệnh tật. Chồng suốt ngày rượu chè, không cho vợ sử dụng các biện pháp tránh thai. Chúng tôi làm rất nhiều cách, cuối cùng anh chồng cũng hiểu ra, không còn bắt vợ sinh con thêm nữa”.

Ông Tôn Thất Chiểu, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: “Các tuyên truyền viên đã góp phần giúp người dân vùng ven biển, đầm phá, vạn đò nhận thấy vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình về việc chăm sóc SKSS, có hành vi đúng trong thực hiện KHHGĐ, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới và chăm sóc, nuôi dạy con cái. Mô hình Đội tuyên truyền viên Đề án 52 đã được các cấp, các ngành tại địa phương cũng như Tổng cục DS-KHHGĐ đánh giá cao trong việc đổi mới, sáng tạo ra nhiều mô hình truyền thông về DS-KHHGĐ phù hợp với từng địa bàn cũng như các nhóm đối tượng dân cư.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bóng nắng

Bà Liếng sống một mình trong cái chòi dưới chân dốc Mù U. Nơi đó vắng ngắt, cánh đồng bỏ hoang, cỏ ngoi lên tới tận bờ, mấy con bò làng bên cũng chẳng buồn qua gặm những đám cỏ cằn khô. Bà Liếng là người đàn bà câm nên người làng quen gọi bà câm, quên mất cái tên Liếng từ bao giờ.

Bóng nắng
Cần suy nghĩ thấu đáo cho con

Nhận điện thoại của em gái, là giáo viên của một trường tiểu học; giọng em có vẻ gấp gáp, hốt hoảng, nhờ tôi tư vấn (vì trước đây tôi từng có thời gian công tác trong ngành tòa án).

Cần suy nghĩ thấu đáo cho con
Lời nói dối yêu thương

Bà Tới đang cầm những tờ màu xanh lá trên tay đếm đi đếm lại đến hai lần rồi gói ghém cẩn thận vào bị áo, lấy ghim ghim lại. Số tiền này bà vừa mới đi vay của cô Minh tạp hóa gần nhà. Năm nay làm ăn khốn khó, mùa màng thất bát, vợ chồng bà lo lắng mấy tháng nay. Tiền đâu lo Tết, mua cho lũ nhỏ cháu ngoại bộ quần áo đẹp, rồi nạp học phí kỳ 2 cho thằng Bi…

Lời nói dối yêu thương
Return to top