ClockThứ Hai, 09/09/2019 06:00
Giải phóng mặt bằng các dự án lớn:

Vướng đâu gỡ đó, đảm bảo quyền lợi đôi bên - Kỳ 1: Góc nhìn từ những tâm điểm

TTH - Kêu gọi thu hút đầu tư là một trong bốn chương trình lớn trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế năm 2019. Nhiệm vụ giải phóng mặt bằng (GPMB), đền bù giải tỏa (ĐBGT) và tái định cư (TĐC) được giao về các địa phương thực hiện, có mặt là ưu điểm cần phát huy nhưng cũng có mặt là hạn chế cần thay đổi.

Đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật và tiến độ các công trìnhGiải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành: Phải tính đến trường, lớp cho trẻ

Điểm lại một số dự án (DA) lớn ở các vùng đất sôi động, vấn đề đặt ra là cần phải giải quyết rốt ráo những phát sinh từ thực tiễn mới có thể đẩy nhanh tiến độ GPMB. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực khó, phức tạp, cần có những giải pháp từ góc độ quản lý nhà nước…

 Khu du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế Minh Viễn, Lăng Cô - một dự án lớn nằm ven biển ở Phú Lộc được đánh giá có tiến độ giải phóng mặt bằng nhanh. Ảnh: M.Lê

Lũy kế đến tháng 7/2019, toàn tỉnh có 142 DA còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 94.505 tỷ đồng; trong đó 31 DA là của nhà đầu tư nước ngoài. Có 92 DA đang hoạt động, 26 DA đang triển khai.

 Trước là giá cả, sau là an sinh

Phú Lộc là dư địa phát triển của Thừa Thiên Huế. Năm 2018, tổng diện tích GPMB huyện chiếm 1/2 toàn tỉnh. Năm 2019, Phú Lộc thực hiện GPMB ĐBGT 10 DA lớn, tuy nhiên, không phải DA nào cũng suôn sẻ.

Thị trấn Lăng Cô - điểm tập trung các DA với nhiều câu chuyện “hiện trường” khá phức tạp.

Ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô thông tin, giá đất là lý do người dân kiến nghị nhiều nhất. “Một chủ hộ thuộc DA mở rộng phía đông đầm Lập An (đầm An Cư) nộp đơn đến chính quyền nghẹn lời: "Xin xem xét giúp nhà tui chơ giá thị trường tầm 10 tỷ đồng, giờ đền bù gần 2 tỷ thì tui biết mần răng". Và chính hộ này là một trong 4 trường hợp còn vướng mắc không chấp nhận mức đền bù nên chúng tôi phải có kiến nghị lên huyện, huyện xin cơ chế từ tỉnh”, ông Trung nói.

Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô khẳng định, công tác GPMB một số DA lớn vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài do người dân không đồng ý nhận tiền đền bù với lý do chính là đơn giá bồi thường thấp hơn nhiều so với thị trường. Ở góc độ nhà đầu tư, ông Châu Hán Nhạc, chuyên viên DA Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn, Lăng Cô cho rằng, hội đồng GPMB đều vận dụng tối đa cơ chế có lợi cho người dân. Với một số trường hợp, chủ đầu tư sẵn sàng lắng nghe và chung tay chia sẻ khó khăn.

Ông Nguyễn Đắc Tập, Phó Chủ tịch UBND T.X Hương Thủy – người có 20 năm tham gia GPMB thừa nhận, giá cả là vấn đề cần xem xét. Ông Tập đề xuất, trong việc đưa ra chính sách ở lĩnh vực này nên chăng đặt người dân ở vị trí trung tâm để hài hòa lợi ích giữa các bên. Đồng tình với quan điểm này, luật sư Công Hạnh, Công ty luật Công Khánh, TP. Huế thông tin, phần lớn các tranh chấp mà công ty ông tiếp nhận tập trung vào giá đền bù quá thấp. Cần sự sòng phẳng và bình đẳng giữa bên chủ sử dụng đất và chủ đầu tư. Điều này góp phần tạo bình đẳng cho xã hội.

Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, nên ban hành cơ chế hai giá: Một để tính tiền thuế sử dụng đất hàng năm; một để đền bù GPMB. Đồng thời, dùng hệ số điều chỉnh giá đền bù theo diện tích thực tế bị thu hồi để đảm bảo quyền người dân và công bằng xã hội.

Việc bàn giao mặt bằng dự án Mở rộng đường dẫn hầm đường bộ Hải Vân đến nay đã hoàn tất sau đối thoại đảm bảo quyền lợi cho người dân

Trên 60% đơn thư liên quan đến đất đai mà Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội vào tháng 5/2019 trong đó phần lớn khiếu nại về giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất... Phải chăng đã đến lúc cần có những điều chỉnh về mặt vĩ mô cho phù hợp?!.

Qua tiếp nhận thông tin khi làm việc với những người trong cuộc, ngoài khu TĐC một số DA còn chậm, hạ tầng chưa đảm bảo…, chúng tôi nhận được những ý kiến về việc chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế cho người dân ở các địa bàn có diện tích thu hồi lớn. Một người dân nằm trong vùng kinh tế Chân Mây - Lăng Cô chia sẻ: “Lo từ chuyện “an cư” cho tới “lạc nghiệp” vì mình đã rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn. Cái chúng tôi muốn là “cần câu” thực sự để có thể kiếm việc làm nuôi gia đình chứ không chỉ là đào tạo nghề chung chung”.

"Điệp khúc chậm, treo”

DA khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô của Công ty CP đầu tư phát triển Phong Phú Lăng Cô triển khai hơn 10 năm, qua hai lần thực hiện kiểm kê, áp giá nhưng chưa thực hiện dứt điểm khiến địa phương và người dân bức xúc.

Ông Nguyễn Văn Chính, người dân thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc) ngán ngẩm: “Không biết người ta có triển khai không để còn ổn định sinh hoạt, sản xuất. Họp với hứa hoài, chừ dân bề tui nghe DA là nản”. Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh than phiền: “DA “treo” càng dài, đời sống của người dân càng khó khăn. Trường hợp như Phong Phú Lăng Cô, cả người dân và chính quyền địa phương đều mắc kẹt”.

Cùng tâm trạng, ông Vương Đình Cẩm, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cũng phấp phỏng với DA Kim Long motors (thu hồi đất khoảng 118ha, ảnh hưởng khoảng 160 hộ), dù xã đã kiểm kê hoàn tất, song nhà đầu tư vẫn chưa ký hợp đồng thực hiện bồi thường, GPMB dự án với Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, TĐC các DA trọng điểm.

Kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh cuối năm 2018 về lĩnh vực này “điểm danh” một số địa phương như TP. Huế, TX. Hương Trà, TX. Hương Thủy, huyện Phú Lộc… có DA được cấp phép đầu tư từ nhiều năm trước nhưng triển khai rất chậm hoặc không triển khai trên thực địa, gây bức xúc trong Nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực đầu tư tài chính còn hạn chế; công tác đền bù GPMB, ĐBGT còn vướng mắc về đơn giá đền bù đất và các loại tài sản liên quan…

Theo ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, đây là thực trạng chung của nhiều tỉnh, thành chứ không chỉ riêng Thừa Thiên Huế. Có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nên việc chọn nhà đầu tư đủ năng lực nhằm đảm bảo tiến độ rất quan trọng. “Nếu tỉnh có điều kiện đã bỏ kinh phí để GPMB trước nhưng nguồn lực chúng ta chưa mạnh nên chỉ có thể ưu tiên giải quyết thỏa đáng theo từng DA”, ông Thọ nói.

Đến nay, tỉnh đã rà soát toàn bộ các DA chậm tiến độ, xử lý chia làm 3 giai đoạn; trong đó: 24 DA cần xem xét thu hồi, 29 DA cần được giám sát đặc biệt và 26 DA đang triển khai cần đôn đốc thực hiện. Bên cạnh đó cũng ban hành Nghị quyết số 08/NQ-HĐND về kết quả giám sát tình hình, kết quả sử dụng đất của các dự án đầu tư trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, ông Cái Vĩnh Tuấn cho rằng, khi thực hiện chuyên đề giám sát lĩnh vực này, HĐND đề nghị giao UBND tỉnh thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh rà soát, bổ sung danh mục DA cần rà soát thu hồi; danh mục DA giám sát đặc biệt, nhằm tạo sự bình đẳng trong đầu tư, phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng đất. Công khai danh mục các DA chậm tiến độ, các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật đất đai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và các website của các sở, ngành để người dân biết, giám sát. Củng cố cơ sở pháp lý, đảm bảo chặt chẽ đúng quy định của pháp luật khi thực hiện thu hồi các DA chậm tiến độ.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ: Sẽ theo dõi kế hoạch GPMB trên phần mềm

Tỉnh đã triển khai hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) nhằm theo dõi toàn bộ quá trình GPMB từ khi có chủ trương đến khi chuyển tiền đền bù cho dân. Nếu hệ thống phần mềm vận hành tốt thì tất cả những chuyển biến, vướng mắc, phát sinh sẽ được xử lý công khai, minh bạch. Chính quyền các cấp kết nối và sử dụng hệ thống CNTT này, tạo cơ sở để quản lý, giám sát, theo dõi cho đến khi chi trả hoàn tất DA.

TS. Đặng Minh Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh: Nên thực hiện điều tra xã hội học về vấn đề sinh kế của người dân

Làm được vậy sẽ tạo cơ sở dữ liệu để nhà nước và các bên liên quan tiến hành các chính sách thích hợp nhằm tạo sinh kế ổn định khi người dân chuyển đến nơi ở mới. Việc tiến hành các DA đảm bảo hạ tầng xã hội tại khu vực TĐC cũng cần tiến hành song song trong quá trình thực hiện DA. Phải  rà soát, đánh giá các khu TĐC đã được triển khai trong thời gian 2-5 năm nhằm điều chỉnh bổ sung các thiết chế cần thiết, đồng thời rút ra kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các DA về sau.

Bài, ảnh: Tuệ Ninh – Thái Sơn

Kỳ 2: Nói phải, nói khéo, dân theo

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chương trình Phát triển các đô thị loại II: Nhiều gói thầu “gặp khó” mặt bằng

Nhiều hạng mục công trình thuộc các gói thầu của Dự án Chương trình Phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - DA thành phần Thừa Thiên Huế (gọi tắt DA đô thị xanh) bị “đứng hình” do bế tắc hoặc gặp khó trong công tác giải phòng mặt bằng (GPMB), dẫn đến công trình chậm tiến độ kéo dài.

Chương trình Phát triển các đô thị loại II Nhiều gói thầu “gặp khó” mặt bằng
Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
Dự án Khu du lịch Suối Voi: Yêu cầu nhà đầu tư cam kết về tiến độ thực hiện dự án

Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoa Lư - Huế (Công ty Hoa Lư - Huế) chủ đầu tư Dự án (DA) Khu du lịch Suối Voi (Phú Lộc) phải có văn bản cam kết về tiến độ thực hiện DA, trong đó nêu rõ cam kết chấm dứt hoạt động một phần DA nếu giai đoạn 1, 2 không hoàn thành theo đúng tiến độ.

Dự án Khu du lịch Suối Voi Yêu cầu nhà đầu tư cam kết về tiến độ thực hiện dự án
Return to top