ClockThứ Hai, 09/09/2019 21:27
GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG CÁC DỰ ÁN LỚN:

Vướng đâu gỡ đó, hài hòa lợi ích đôi bên - bài 2: Nói phải, nói khéo, dân theo

TTH - Công khai thông tin DA, minh bạch trong quy trình thực hiện, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách đảm bảo thực hiện hài hòa lợi ích của các bên trong quá trình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là điều kiện đầu tiên tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cộng đồng. Công tác dân vận trong GPMB không chỉ nói "phải" mà còn phải "khéo"… để người dân chung tay vì đại cuộc.

Vướng đâu gỡ đó, đảm bảo quyền lợi đôi bên - Kỳ 1: Góc nhìn từ những tâm điểm

Đối thoại với người dân ảnh hưởng trong vùng dự án tại xã Lộc Vĩnh, Phú Lộc

“Tái định cư”… cho người đã khuất

Với văn hóa Á Đông, việc di dời mồ mả và các công trình tâm linh cần hành xử thận trọng vì khâu này khá nhạy cảm. Có khi chỉ vì một ngôi mộ chưa thể di dời mà gián đoạn cả DA. Nếu liên quan đến tôn giáo, dòng tộc thì phương án tối ưu được lựa chọn là tìm người uy tín thuyết phục, và tùy từng trường hợp để có phương pháp vân động phù hợp, tránh xảy ra những xung đột không đáng có.

Ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho hay, không có sách vở nào hướng dẫn, mình phải chịu khó lắng nghe, phân tích mới tìm được phương án hợp lý, thuận tình nhất. "Phục vụ DA Khu nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô, cần di dời 16 ngôi mộ nhưng không có đủ diện tích đất để chuyển đến theo yêu cầu chủ hộ, mình tìm được một gia đình người có công năn nỉ để lại khoảnh rừng trồng phục vụ cải táng. Ban đầu chủ rừng không đồng ý nhưng cứ năng tới lui, tâm tình, giải thích, sẻ chia nên họ gật đầu. Nút thắt cuối cùng của dự án được tháo gỡ, mình như trút được gánh nặng", ông Trung cho hay.

Hoặc như DA mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài phải di dời khoảng 1.700 mộ trong đợt đầu, số mộ này liên quan ba địa giới: Phú Bài, Thủy Tân, Thủy Phù. Có ngôi mộ tới tận hai dòng họ cùng nhận hoặc lăng tiền nhân có diện tích 170m2, mộ vô chủ... Ông Ngô Phước Đãi, phái 4 họ Ngô nhì được lãnh đạo xã Thủy Phù chọn mặt gửi gắm trọng trách nặng nề làm dân vận ở cụm mộ phức tạp nhất.

Ông Đãi hồi tưởng: "Tới buổi nói chuyện thứ tư, mình tham khảo văn hóa Nhật, Hàn..., lấy chuyện hỏa thiêu để giảm bớt những đòi hỏi về diện tích, quy mô, hướng... dời mộ của một số người khó tính trong họ. Nhờ thêm người uy tín tác động, giải thích, “bên xướng, bên tùy” hợp lý,  trong vòng 2 ngày, toàn họ huy động 50 người, di dời ba lăng tiền nhân lớn, nhiều mộ nhỏ, thậm chí phát sinh hai mộ chưa được kiểm đếm cũng thực hiện không chờ địa phương hỗ trợ. Việc bàn giao được mặt bằng cuối cùng diễn ra trước hẹn với xã”.

Thủ lĩnh “xung trận”

Lãnh đạo T.X Hương Thủy kiểm tra tiến độ GPMB dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Phú Bài. Ảnh: Võ Nhân 

Xác định GPMB là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc thường xuyên về địa bàn đối thoại, gặp gỡ với người dân. Lịch về cơ sở của lãnh đạo huyện trong tháng gần như dày đặc bởi số lượng DA triển khai trên địa bàn khá lớn. Vướng đâu phải gỡ đó, dễ trước, khó sau…là phương châm của Phú Lộc khi dân vận.

Ông Nguyễn Văn Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc là người trực tiếp chỉ đạo công tác GPMB huyện Phú Lộc. "Đứng mũi chịu sào", chịu không ít áp lực, song ông thừa nhận với cương vị Chủ tịch UBND huyện, trực tiếp đối thoại sẽ giải quyết tại chỗ nhiều kiến nghị trong thẩm quyền cho phép.

Kỹ năng dân vận của ông Mạnh là tăng cường đối thoại để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Theo vị chủ tịch này, có hôm về địa bàn chỉ để lắng nghe bà con phát biểu từ 13h30 đến 17h; mặc dù chưa đưa ra được giải pháp nhưng người dân yên lòng vì họ được giải tỏa tâm lý, được đề đạt, chia sẻ. “Có lúc bận không dự đối thoại, mình nhờ anh em ghi âm, đêm về mở nghe lại và phân tích xem chọn cách nào giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho bà con”, ông Mạnh kể.

“Có lúc kiềm chế nhưng khi cần phải tính toán, quyết đoán, đau đầu như quyết định nước cờ vậy”, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc ví von.

Kể về "ca" nan giải tốn nhiều công sức nhất, ông Mạnh nhắc ngay đến trường hợp DA mở rộng hầm đường bộ Hải Vân 2 với tình huống thừa kế phức tạp, trong đó đồng thừa kế đang định cư ở nước ngoài và người thụ hưởng đã qua nhiều lần đối thoại với thị trấn Lăng Cô không thành.

Suốt buổi chiều "đấu trí" bằng luật, nắm bắt tâm lý và quyết đoán thì cuối cùng, người thụ hưởng đại diện này mới đồng ý. 17h cùng ngày, bằng các mối quan hệ, địa phương huy động một số tiền lớn đưa vào giao ngay tại chỗ cho chủ hộ. 18h kém mới hoàn tất toàn bộ thủ tục bàn giao hai bên.

Không kém trong lĩnh vực này, Chủ tịch UBND xã Thủy Phù (TX. Hương Thủy) - Ngô Thị Ngọc cũng được xem là người “cứng cựa" trong công tác GPMB. Là địa bàn có nhiều DA lớn đi qua và đối mặt với nhiều tình huống khác nhau, bà Ngọc chia sẻ kinh nghiệm thực hiện DA nâng cấp, mở rộng sân bay Phú Bài đó là gắn trách nhiệm người đứng đầu với công việc được giao.

Sau khi thành lập ban chỉ đạo GPMB cấp xã, thành viên nào phụ trách đoàn thể đó và phải bám địa bàn, bám dân, cập nhật trao đổi thông tin thường xuyên trong các cuộc họp tuần. Đích thân Chủ tịch UBND xã Thủy Phù đến từng nhà, lặn lội vào từng cánh rừng, điểm cắm mộ và nghe phản hồi từ phía người dân. Bản thân bà Ngọc từng mượn 500 triệu đồng chuyển qua tài khoản ngân hàng kịp thời vào sáng thứ 7 cho trường hợp khiếu nại đòi chia đồng thừa kế đất tại TP. Hồ Chí Minh sau 10 ngày "vận động" qua điện thoại để kịp tiến độ GPMB.

Ông Phan Xuân Toàn, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho rằng, mỗi DA cần xây dựng một bộ tài liệu khung để người dân và cán bộ dễ dàng nắm bắt, “thông tuyến” về nhận thức. “Luôn đặt mình vào vị trí người dân, dân cần thì mình lắng nghe, vận dụng phù hợp với pháp luật và thực tiễn để giải quyết thấu đáo. Cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và quan tâm đến dân vận thì sẽ phát huy hiệu quả công việc trong lĩnh vực này”, ông Toàn khẳng định.

Vì dân, sáng tạo

Thực hiện di dời dân cư, GPMB khu vực 1 hệ thống di tích kinh thành Huế, Ban Chỉ đạo "Quỹ vì người nghèo" TP. Huế gửi thư ngỏ kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ cho 200 hộ nghèo và cận nghèo thuộc giai đoạn 1 của DA.

Ông Hoàng Viết Thắng, Chủ tịch UB MTTQVN TP. Huế chia sẻ: "Vì dân, mình sáng tạo ra những cách làm nhằm chăm lo đời sống, phục vụ tái định cư tốt nhất cho bà con. Chúng tôi xây dựng hồ sơ chi tiết hoàn cảnh từng hộ gia đình để các mạnh thường quân có thể song hành giúp đỡ cũng như công khai trên website những đóng góp và cam kết có sự điều phối phù hợp".

Hoặc như di dời chợ Phú Bài (T.X Hương Thủy) phục vụ DA đầu tư xây mới, tiểu thương sợ thiệt thòi trong giá đền bù hỗ trợ nên không đồng thuận. Địa phương huy động lực lượng tính toán, đề xuất một phương án mới đảm bảo quyền lợi cho người dân và mời các sở, ban ngành góp ý. Cuối cùng, phương án này được triển khai và được xem là cách làm chưa từng có trong tiền lệ.

Tại Phú Lộc, huyện đã có cách làm mới, đó là gửi các thông tin liên quan đến tận các gia đình bị ảnh hưởng nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân và điều chỉnh kịp thời nếu có sai sót. Quy trình từ 20 ngày theo quy định đã giảm còn vài ngày, có những DA rút ngắn thời gian GPMB một cách ngoạn mục.

Bài, ảnh: Tuệ Ninh – Thái Sơn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công

Hiện tại khối lượng thi công của một số gói thầu thuộc Dự án (DA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế còn hạn chế. Ban Quản lý dự án (QLDA) Cải thiện môi trường nước TP. Huế yêu cầu toàn bộ các nhà thầu tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi tăng cường nhân, vật lực, tăng mũi thi công, tăng ca để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công
Tăng cường công tác dân vận ở những nơi còn vướng mắc, khó khăn

Đây là thời điểm mà cả hệ thống chính trị trong tỉnh tăng tốc thực hiện công tác dân vận (DV), nhất là “DV khéo” để củng cố, tạo sự đồng thuận cao hơn nữa của người dân, hướng đến mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết (NQ) 54 của Bộ Chính trị.

Tăng cường công tác dân vận ở những nơi còn vướng mắc, khó khăn
Hoàn thành tái định cư trước khi thu hồi đất

Mới đây, Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua có nội dung quan trọng được mọi người, mọi nhà quan tâm là những trường hợp có đất bị thu hồi phải được xem xét hoàn thành bố trí tái định cư (TĐC) trước. Quy định này sẽ tháo gỡ nhiều điểm “nghẽn” trong giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện các dự án (DA) phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Hoàn thành tái định cư trước khi thu hồi đất
Return to top