ClockThứ Năm, 19/01/2017 10:20

Vượt gian khó, trở thành “Sao Tháng Giêng”

TTH - Trong 48 gương mặt đạt giải thưởng “Sao Tháng Giêng” Đại học (ĐH) Huế năm 2017, Phạm Thị Ái Hân (Trường ĐH Sư phạm) để lại nhiều ấn tượng nhất...

Ái Hân (thứ tư từ trái sang) tại đêm nhận giải thưởng “Sao tháng Giêng”

Đứng dậy từ nơi vấp ngã

Trước khi trở thành sinh viên Trường ĐH Sư phạm, Ái Hân từng rớt ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Học nguyện vọng 2 ngành sư phạm tin học, nhưng Hân chỉ xem đó là bước làm quen giảng đường ĐH để tiếp tục ôn luyện cho kỳ thi năm sau.

Một học kỳ với ngành học “bất đắc dĩ”, Hân để kiến thức trượt dài, do vậy kết quả cuối kỳ chỉ hơn 2.6 (điểm hệ 4). Thế nhưng cũng nhờ mức điểm dưới sức ấy, Hân đã “tỉnh giấc” để xốc lại tinh thần. “Nghĩ là học cho vui nên giai đoạn đầu em không quan tâm kết quả lắm. Khi thấy thành tích học tập thấp, em mới tự trách mình. Sang học kỳ 2, em đầu tư cho việc học, ý định thi lại ngành khác cũng biến mất. Càng học, em lại càng thấy yêu ngành sư phạm”, Hân kể.

Ái Hân (bên trái) cùng bạn trong giờ tự học

Quyết tâm làm lại từ đầu nhưng việc bỏ qua những kiến thức cơ bản đã khiến Hân gặp khó. Em kể, bên cạnh cách học tín chỉ ở giảng đường ĐH khác nhiều với thời phổ thông thì những lổ hổng kiến thức năm 1 đã buộc em phải học tập với 200% sức của mình. Ngoài giải pháp nhờ bạn cùng lớp hướng dẫn, Hân tìm xem lại những tài liệu trong khung chương trình năm một. Mỗi môn học, em đều đọc lại kỹ và tìm thêm các tài liệu liên quan rồi xâu chuỗi kiến thức với các môn học mới, tạo thành một hệ thống kiến thức.

Sau một năm miệt mài, Hân “bứt phá” thành sinh viên giỏi và nâng dần mức điểm qua các học kỳ. Trong học kỳ 2 năm học 2015 – 2016, Hân là một trong số ít sinh viên của lớp đạt kết quả loại xuất sắc. Vượt qua những khó khăn trong học tập, Hân hòa nhập tốt vào các hoạt động Đoàn của nhà trường để trở thành gương mặt quen thuộc trong hầu hết các hoạt động, phong trào, nhận được nhiều giấy khen của ĐH Huế và Trường ĐH Sư phạm. Trong năm học vừa qua, ngoài đạt được giải thưởng Sao Tháng Giêng, Hân cũng là Sinh viên 5 tốt cấp ĐH Huế.

Nỗ lực tự học

Ái Hân chia sẻ, gia đình em thuộc diện khó khăn, con đông. Từ khi ba em bị di chứng do tai biến, mọi gánh nặng đều dồn lên vai mẹ với quán tạp hóa nhỏ. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng không bao giờ em có ý định bỏ cuộc. Trong đầu Hân chỉ nghĩ đến việc học để tìm được tương lai tốt và em chọn con đường tự học là chính.

Mỗi đêm, Hân dành đến 4 giờ đồng hồ để xem lại bài đã học và tìm hiểu kiến thức mới. Vào mùa thi, thời gian dành cho việc học tăng gấp đôi. Ngoài việc nghiên cứu kỹ tài liệu, Hân còn tìm đến những người chuyên về công nghệ thông tin để nhờ họ chỉ dẫn kiến thức sâu liên quan đến tin học. Nhiều lần, em phải ngậm đắng nghe họ nặng lời. “Có lần em học môn ngôn ngữ lập trình mà thấy khó nên tìm một anh làm về công nghệ thông tin nhờ chỉ dẫn. Vì anh giỏi nên cho rằng cái em hỏi là quá đơn giản và không bày. Nghe anh nói em buồn lắm nên về lên mạng tìm hiểu suốt nhiều ngày, cuối cùng cũng vượt qua”, Hân kể.

Nguyễn Thị Uyên Thi, Sao Tháng Giêng ĐH Huế năm 2017 kể, dù bản thân cũng đạt được giải thưởng như Hân nhưng cảm thấy rất ngưỡng mộ Hân ở nỗ lực tự học. Ý chí cầu tiến đã giúp Hân làm được bất cứ việc Hân muốn, nhất là trong học tập. Bước vào giai đoạn cuối ngưỡng cửa ĐH, Hân cho biết, sẽ tiếp tục nỗ lực để lấy tấm bằng “đỏ” và cố gắng tìm một suất học bổng du học nước ngoài, vừa cải thiện năng lực học tập nhưng cũng là phương án để có việc làm tốt sau này.

Anh Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Huế nhận định: “Khoa Tin học là một trong những khoa có chương trình học rất khó và việc có thành tích học tập cao như Hân là một nỗ lực rất đáng khen ngợi. Giải thưởng Sao Tháng Giêng và danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp Đại học Huế mà Hân được nhận là rất xứng đáng”.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhân tố quan trọng thúc đẩy phong trào học tập

Từ thực tiễn các phong trào “Sinh viên 5 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện”… xuất hiện nhiều tấm gương học sinh, sinh viên sống đẹp, sống có ích, đạt thành tích xuất sắc trong học tập, sáng tạo và nghiên cứu khoa học.

Nhân tố quan trọng thúc đẩy phong trào học tập
Return to top