ClockThứ Sáu, 03/07/2015 16:31

Vượt khó theo đuổi ước mơ

TTH - Theo đuổi ước mơ của mình, nhiều thí sinh đã phải vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại để tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

“Ước mơ cho em sức mạnh”

Ước mơ trở thành một nữ điều tra trinh sát đã cho thí sinh Phạm Thị Cuối (dân tộc Cơ Tu, xã Hương Hữu, huyện Nam Đông) động lực để tự mình kiếm tiền trang trải việc học từ nhiều năm nay. Trước khi về Huế dự thi, Cuối vẫn đi bán hàng thuê kiếm tiền. Cuối kể: Gia đình có 4 anh chị em, Cuối là con thứ 3. Ba bị bệnh không làm được việc nặng, cả nhà dựa vào mỗi mình mẹ. Cuộc sống quá khó khăn, anh trai phải bỏ học vào Nam làm thuê, chị gái hiện đang học năm 3 Trường đại học Sư phạm Huế. Để được đến trường, chị em Cuối đều phải tự kiếm tiền đi học. “Đó là lý do em về Huế dự thi từ ngày 28/6, nhưng vẫn chưa gặp chị gái vì chị bận đi làm thuê để có tiền trang trải trong năm học mới”, Cuối chia sẻ.

Hồ Thị Hòa ôn bài trước ngày thi tại nhà trọ miễn phí

Nói về con đường đến với con chữ, Cuối cho biết: Từ nhiều năm nay, ngoài thời gian đến trường, Cuối phải đi làm đủ nghề kiếm tiền nộp học, từ nhổ sắn thuê, đến hái lá thuốc, nhặt quả ươi bán... Hết việc làm ở quê, Cuối đạp xe về thị trấn Khe Tre tìm việc khác để làm, trong đó công việc quen thuộc nhất là hốt rác và dọn hàng thuê ở chợ. Chăm chỉ cực nhọc là vậy, nhưng cũng chẳng dễ dàng để em đủ tiền nộp học hàng năm. Trung bình mỗi năm tiền nộp học của em gần 2 triệu đồng. Các bạn khác thường chia làm vài ba lần nộp, nhưng thấy hoàn cảnh của Cuối khó khăn nên cô giáo chủ nhiệm cho nộp nhiều lần. “Kiếm được bao nhiêu em nộp bấy nhiêu, có lúc 5 nghìn, 10 nghìn đồng. Một năm học, em phải nộp mấy chục lần mới hết, nhưng năm nào em cũng đóng đầy đủ tiền học”, Cuối tâm sự.

Với Cuối, học thêm là một điều xa xỉ. Ngoài những buổi được nhà trường tổ chức phụ đạo miễn phí còn lại em đều tự học. Không có thời gian ban ngày, việc thức khuya 2 đến 3h sáng học bài với Cuối là chuyện thường. Tuy vậy, kết quả học tập của Cuối đều trên điểm 7, riêng các môn em chọn thi đại học trên 8,0 điểm.

Nói về lý do chọn ngành của mình, Cuối hào hứng: Năm học lớp 10 khi tham gia tư vấn tuyển sinh, nghe các thầy cô nói về Trường đại học Cảnh sát em mê luôn và em ấp ủ, đặt mục tiêu cho mình từ đó. Mục tiêu đó đã tiếp cho em sức mạnh vượt qua mọi khó khăn. “Em chỉ đăng ký duy nhất một trường này và cố gắng để đạt cho bằng được. Hơn nữa học Trường đại học Cảnh sát em tránh được tình cảnh suốt ngày phải chạy sấp ngửa làm thuê để có tiền đóng học phí”. Cuối thật thà nói. Vất vả là vậy nhưng nhìn Cuối lúc nào cũng vui vẻ, tràn đầy nhiệt huyết. Cuối rất tự tin với khả năng của mình trước giờ thi.

Mong được làm cán bộ phụ nữ

Khác Phạm Thị Cuối, thí sinh Hồ Thị Hòa 24 tuổi, dân tộc Pa Cô, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, chỉ cầu mong đủ điểm đăng kí vào một trường đại học hoặc cao đẳng nào đó. Sau khi học xong lại được trở về quê làm cán bộ phụ nữ xã tuyên truyền, vận động chị em không lấy chồng sớm, không đẻ con nhiều cực khổ.

Gần 30 thí sinh có hoàn cảnh khó khăn của 2 huyện Nam Đông, A Lưới về Huế dự thi THPT quốc gia đã được Đoàn phường Trường An phối hợp với các Huyện đoàn A Lưới, Nam Đông, Ban trị sự Giáo hội huyện A Lưới lo trọn gói từ tiền xe đi về đến chỗ ăn chỗ ở, đồng thời bố trí tình nguyện viên đưa đón trong quá trình dự thi.

Nhà Hòa có 6 anh chị em, nhưng trước Hòa chẳng ai học hết lớp 3, ngay cả đứa em út kế Hòa cũng chỉ học xong lớp 5. Riêng Hòa, mặc dù nhiều lần bị cha mẹ bắt nghỉ học để đi làm nhưng em vẫn kiên quyết không bỏ. “Có nhiều lúc em phải đi bộ, vượt qua đèo Pe Ke 12 km để đến trường. Vào mùa mưa nhiều lần suýt bị nước cuốn trôi nhưng em vẫn kiên quyết không bỏ học”, Hòa bộc bạch. Vậy nhưng năm Hòa học lớp 10, anh chị có 3 người lấy vợ, lấy chồng tiền thách cưới nhiều quá, buộc Hòa phải nghỉ học giữa chừng đi làm thuê.

Ba năm ở nhà, chứng kiến cảnh bạn bè, người thân lấy chồng sớm, cuộc sống khó khăn, vợ chồng xung đột, con cái nheo nhóc… Hòa không muốn lặp lại cảnh đó. Em quyết định khăn gói ra thị trấn xin học lại tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện, dù bị ba mẹ ngăn cấm. Để được tiếp tục đến trường, Hòa vừa phải làm ruộng nương phụ nuôi ba mẹ già và em, vừa phải kiếm tiền ăn học.

Đưa hai bàn tay chai sạn nổi lên thành ụ, Hòa cho biết, không có tiền thuê trâu cày, trước ngày đi thi, một mình Hòa phải thu hoạch và gùi 62kg sắn từ nương ra chợ bán để có tiền đi thi. “Được Huyện đoàn hỗ trợ đi thi miễn phí em mừng lắm. Số tiền bán sắn em dành mua thuốc chữa bệnh đau dạ dày cho mẹ”, Hòa cho biết.

Bài, ảnh: Tuấn Khoa
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm nhựa với màng phân hủy sinh học BioDF

Hiện nay, các mặt hàng thực phẩm đang được tiêu dùng trên thị trường phần nhiều sử dụng bao bì làm từ nilon. Điều này phần nào gây nên tình trạng phát thải nhựa lớn. Dự án “Sản xuất màng phân hủy sinh học BioDF” của Khoa Môi trường, Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế cung cấp giải pháp bảo vệ môi trường và giảm rác thải nhựa.

Giảm nhựa với màng phân hủy sinh học BioDF
“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”
Return to top