ClockThứ Hai, 30/10/2017 14:06

Vượt nghèo nuôi con ăn học

TTH - “Đã có lúc tôi định buông xuôi, cho con nghỉ học vì không biết đào đâu ra tiền đóng học phí, nhưng thấy con ham học quá, tôi lại không đành lòng. Hai vợ chồng phải chạy đôn, chạy đáo vay mượn tiền khắp nơi cho con đóng tiền học” – anh Đặng Văn Cường, ở thôn Triều Thủy, xã Phú An (Phú Vang) tâm sự.

Vợ chồng anh Cường chuẩn bị lưới cụ để đi đánh cá

Các con đều học giỏi  

Nhà nghèo, không có điều kiện học hành tới nơi tới chốn, năm 1985 anh Đặng Văn Cường đăng ký đi nghĩa vụ quân sự, đóng quân ở Thanh Hóa. Năm 1988, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, anh bén duyên với chị Nguyễn Thị Phướng và 6 đứa con liên tiếp ra đời, trong đó cháu Đặng Văn Đôn (sinh năm 1988) bị bệnh bại não nên cuộc sống của họ rất khó khăn.

Niềm an ủi đối vợ chồng anh Cường là các con anh rất ham học và học rất giỏi. Nghĩ đời mình không có điều kiện để học, anh quyết tâm dốc hết  sức để chăm lo cho các con học hành tới nơi tới chốn. Ngoài làm 5 sào ruộng, anh Cường còn đi phụ hồ, làm thuê, đánh cá để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Chị Phướng ở nhà nuôi heo, gà, vịt phụ thêm tiền đóng học phí cho con.

Trước đây, gia đình anh Cường sống trong một căn nhà tranh tạm bợ, dột nát trên mảnh đất được chính quyền địa phương cấp. Năm 2009, được sự quan tâm của UBMMTQ Việt Nam tỉnh, huyện và xã Phú An hỗ trợ xây dựng “Ngôi nhà mơ ước” nên cuộc sống gia đình được ổn định hơn. Chị Nguyễn Thị Phướng kể: “Ngoài hỗ trợ tiền xây nhà, Mặt trận các cấp còn giúp đỡ gia đình tôi trong việc vay vốn và hỗ trợ vốn để sản xuất, chăn nuôi. Nhờ thế, gia đình từ hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo”.

Tuy vậy, để có đủ tiền nuôi 5 con ăn học vẫn là chuyện nan giải của vợ chồng anh Cường. Mỗi lần nghe con từ Đà Nẵng, Huế điện về xin tiền đóng học phí là vợ chồng lại “tái mặt” vì không biết lấy tiền đâu gửi cho các con. May nhờ bà con họ hàng, xóm giềng, bạn bè biết và cảm thông với hoàn cảnh của họ nên giúp đỡ nhiều. Các con của họ ngoài việc học cũng chăm chỉ làm thêm để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. “Khi còn là sinh viên, tôi vừa học vừa đi làm thêm, dạy kèm, đi phụ hồ vào những tháng hè để có thêm tiền trang trải. Các em tôi cũng vậy, sau giờ học thì đi chăn trâu, cắt cỏ, đi chạy việc ở các quán ăn để kiếm tiền” – Đặng Văn Tâm, người con trai đầu của vợ chồng anh Cường (hiện là giáo viên tại huyện Phú Lộc) kể.

Ông Trần Mạnh Phương, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Phú An cho biết: “Gia đình anh Cường là một tấm gương sáng về sự hiếu học ở địa phương. Mọi người rất quan tâm giúp đỡ gia đình anh chị trong mọi công việc. Tuy nhiên, do địa phương vẫn còn khó khăn nên chưa thể giúp đỡ gì nhiều cho gia đình họ”.

Mong ước

Cuộc sống gia đình anh Cường hiện nay vẫn rất khó khăn (đang nằm trong diện hộ cận nghèo). Ngoài người con trai đầu Đặng Văn Tâm sau khi tốt nghiệp thạc sĩ toán đã đi dạy và tự nuôi sống mình, vợ chồng anh Cường vẫn phải lo cho hai người con đã ra trường vẫn chưa xin được việc làm là Đặng Văn Toản (tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, ngành kỹ sư cầu đường), Đặng Văn Nhân (tốt nghiệp Trường đại học Y Dược Huế) và ba người con còn lại: Đặng Văn Toàn (đã tốt nghiệp PTTH), Đặng Văn Đôn (bị bại não) và Đặng Thị Tuyết Sương (đang học lớp 12).

Khó là vậy, nhưng vợ chồng anh chị vẫn quyết tâm nuôi những đứa con còn lại ăn học. “Hiện vợ chồng tôi một năm làm ruộng thu hoạch được 1,5 tấn lúa, khoảng 10 con heo và 30-50 con gà, vịt. Tôi vẫn đi phụ hồ, đánh cá vào ban đêm để kiếm thêm tiền nuôi con. Mong ước lớn nhất của vợ chồng tôi là hai con ra trường có việc làm ổn định, các con còn lại học hành đến nơi đến chốn và trả hết nợ đã vay cho các con ăn học” – anh Đặng Văn Cường bày tỏ.

Bài, ảnh: Hào Vũ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi cho trẻ em tại 9 xã miền núi

Ngày 27/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức hội nghị liên ngành phối hợp triển khai phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi (PCSDDTC) trẻ em tại Hồng Thủy, Quảng Nhâm. Đây là 2 trong 9 xã có tỷ lệ dinh dưỡng thấp còi cao năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi cho trẻ em tại 9 xã miền núi
Nuôi con ở đâu tốn kém nhất thế giới?

Xếp hạng các nước nuôi con tốn nhất thế giới của Viện Nghiên cứu dân số YuWa, Bắc Kinh, Trung Quốc cho thấy Hàn Quốc đứng đầu, tiếp theo là Trung Quốc.

Nuôi con ở đâu tốn kém nhất thế giới
Return to top