ClockThứ Sáu, 14/10/2016 13:26

Xã hội hóa dịch vụ môi trường

TTH - Theo thống kê, trên toàn tỉnh bình quân mỗi ngày, lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh khoảng 450 tấn, CTR nguy hại khoảng 2,5 tấn và CTR khác (CTR xây dựng, bùn thải) khoảng 440 tấn.

Dịch vụ môi trường được xã hội hóa, góp phần nâng tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý tăng cao

Tuy lượng CTR sinh hoạt phát sinh mỗi ngày khá lớn, song hoạt động quản lý trên địa bàn tỉnh chưa đến mức đáng quan ngại và dần đi vào nền nếp. Thời gian trở lại đây, từ cấp tỉnh, huyện đến cấp xã đều phê duyệt và triển khai đề án thu gom, xử lý CTR sinh hoạt định hướng đến năm 2020. Đề án đã tạo được bước chuyển lớn trong các ngành, các cấp và đã hình thành được một hệ thống thu gom tại các khu vực trung tâm cấp huyện, xã, dọc tuyến QL 1A, các khu dân cư tập trung và khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Chính nhờ sự hoạt động liền mạch, thông suốt của đơn vị dịch vụ công ích về môi trường, cũng như việc hình thành mạng lưới thu gom ở cơ sở theo hướng xã hội hóa, nên địa bàn thu gom rác thải sinh hoạt ngày càng được mở rộng và tỷ lệ thu gom, xử lý được nâng cao. Những năm gần đây, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế đã không ngừng thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý như đầu tư trang thiết bị, phương tiện, áp dụng kỹ thuật tân tiến…, nên đã vươn rộng địa bàn thu gom về các huyện, thị xã phụ cận. Một số địa phương đã thành lập đội thu gom, vận chuyển và xây dựng bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh khép kín. Nhờ sự cộng hưởng, chung tay của các ngành, các cấp, các đơn vị, đến nay, tỷ lệ CTR đô thị được thu gom đạt 95%, tỷ lệ CTR nông thôn được thu gom đạt 65% và tỷ lệ % phường, xã có thu gom CTR đạt 75% (114/152 phường, xã).

Hiện nay, việc quản lý, xử lý CTR nguy hại và các loại CTR khác phát sinh vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay, ngành đã tổ chức hướng dẫn thực hiện cho hơn 400 đơn vị, doanh nghiệp liên quan đến CTR nguy hại và hơn 170 cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện công tác kê khai, cấp sổ đăng ký chủ nguồn phát thải CTR nguy hại. Bên cạnh đó, nhiều nơi, CTR xây dựng vẫn chưa có điểm quy hoạch thu gom, xử lý, nên loại chất thải này gần như còn bỏ ngỏ, gây ùn ứ, làm mất mỹ quan nhiều khu vực.

Theo dự báo, đến năm 2030, lượng CTR sinh hoạt sẽ tăng lên gấp 2,5 lần, CTR nguy hại tăng gấp đôi và CTR khác tăng thêm khoảng 70 tấn/ngày so với hiện nay. Do đó, để quản lý hiệu quả hoạt động thu gom, vận chuyển cũng như xử lý đảm bảo môi trường đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ, sát thực tế những giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, công nghệ, giám sát, kiểm tra, thanh tra…

Theo nhìn nhận của giới chuyên môn, để tăng cường năng lực xử lý chất thải, kiểm soát và khắc phục ô nhiễm, địa phương cần có những cơ chế chính sách trong việc ưu tiên, thu hút những nhà đầu tư có tiềm lực tham gia vào lĩnh vực xử lý, nhất là đầu tư công nghệ, hạ tầng để xử lý CTR theo hướng tái chế, tái sử dụng, hạn chế tỷ lệ chôn lấp như hiện nay; đồng thời phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường để có thể đảm đương tốt hơn, bài bản hơn.

HOÀI NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tập huấn tái chế rác thải nhựa

Hoạt động trên được Hội LHPN TP. Huế phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức ngày 27/3 nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong việc chung tay bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa.

Tập huấn tái chế rác thải nhựa
Năm 2023, thế giới đã gây ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị

Trong một báo cáo ngày 28/2, Liên Hiệp Quốc cho biết thế giới đã tạo ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị vào năm ngoái và lượng rác thải này ước tính sẽ tăng thêm 2/3 vào năm 2050, đồng thời cảnh báo về những tổn thất nặng nề đối với sức khỏe, nền kinh tế và môi trường.

Năm 2023, thế giới đã gây ra 2,3 tỷ tấn rác thải đô thị
Triển khai mô hình điểm nông dân phân loại thu gom vận chuyển rác thải

Ngày 29/1, tại xã Phú Diên (Phú Vang), Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội nghị triển khai mô hình điểm “Hội Nông dân tham gia thu gom, phân loại và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn” năm 2024. Tham dự hội nghị có các ông: Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành TW Hội Nông dân Việt Nam; Phạm Văn Thiện – Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn - TW Hội Nông dân Việt Nam.

Triển khai mô hình điểm nông dân phân loại thu gom vận chuyển rác thải

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top