ClockThứ Sáu, 14/07/2017 05:46

Xã hội hóa đường kiệt

TTH - TP. Huế hiện có khá nhiều đường kiệt hư hỏng xuống cấp. Tuy nhiên, việc đầu tư nâng cấp sửa chữa không thể chỉ trông chờ vào kinh phí Nhà nước mà cần sự đóng góp của Nhân dân.

Kiệt 246 Hùng Vương hư hỏng, xuống cấp

Hư hỏng, xuống cấp

Chưa có con số thống kê cụ thể về số đường kiệt hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn TP. Huế nhưng chắc chắn không hề nhỏ. Mới đây, trong đợt tiếp xúc cử tri gần 10 phường phía nam TP. Huế của lãnh đạo tỉnh, hầu như ở buổi tiếp xúc nào cử tri cũng có phản ánh liên quan đến tình trạng đường kiệt xuống cấp.

 Ông Lê Trọng Lữ, cử tri phường An Cựu nêu: Kiệt 10 đường Hải Triều chỉ khoảng 180m, song nhiều năm nay đã xuống cấp, hư hỏng, nước mưa đọng thành vũng lớn rất khó đi lại.

Bà Lê Thị Thu An ở đường An Dương Vương thông tin, kiệt 93 An Dương Vương đoạn đấu nối với Quốc lộ 1A chỉ còn chừng 100m nhưng lâu nay chưa được đầu tư. Người dân đã góp tiền, góp công để đổ đất đá nhưng vẫn lổ đổ, khó đi.

Cử tri phường An Cựu, An Đông cũng nêu nhiều thông tin liên quan đến tình trạng xuống cấp đường kiệt, như kiệt 246 Hùng Vương, 144/1 Hoàng Quốc Việt, một số kiệt ở đường Trần Thanh Mại… và mong muốn sớm được Nhà nước quan tâm đầu tư, giúp người dân sinh hoạt, đi lại thuận tiện hơn.

Cần sự chung tay

Năm 2017, kinh phí tỉnh bố trí cho sự nghiệp giao thông để TP. Huế duy tu thường xuyên 466 tuyến đường, với tổng chiều dài hơn 226km là 7 tỷ đồng. Theo đó, TP. Huế đã phê duyệt kế hoạch duy tu 226km đường với số tiền 5,5 tỷ đồng và dự phòng kinh phí sửa chữa là 1,5 tỷ đồng. Nguồn kinh phí được phân bổ giảm đáng kể, chỉ bằng khoảng 1/3 so với trước đây. Điều này càng gây khó khăn hơn cho công tác duy tu, sửa chữa khi ngân sách của TP. Huế thiếu nguồn cho việc này. Do đó, sự đóng góp, chung tay của người dân là cần thiết để các đường kiệt sớm được đầu tư, nâng cấp khang quang, sạch đẹp hơn.

Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế cho rằng, những điều cử tri phản ánh hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, nguồn lực của Nhà nước hiện còn khó khăn, chưa thể cùng lúc đầu tư tất cả các đường kiệt. Do đó, người dân cần chung tay đóng góp tiền của, công sức cùng với Nhà nước nâng cấp, sửa chữa đường kiệt để làm đẹp phố phường, đi lại thuận tiện hơn.

Theo ông Thạnh, chủ trương này được áp dụng khá lâu và nhiều phường đã thực hiện, đem lại hiệu quả. Điển hình như phường Thủy Xuân, năm nào đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể cũng triển khai cuộc vận động hiến đất mở đường. Nhờ thế, nhiều tuyến đường liên kiệt, liên ngõ được bê tông hóa, điện chiếu sáng cũng được người dân tự bắt ở các ngõ hẻm, giúp phố phường sáng đẹp về đêm.

Lãnh đạo phường Thủy Biều cho biết, trên địa bàn phường cũng có khá nhiều tuyến đường được bê tông hóa khi người dân hiến đất để TP. Huế đầu tư kinh phí làm đường, như đường nối về thôn Lương Quán có chiều dài hơn 1.000m, đường liên khu vực Lương Quán-Đông Phước, dài hơn 500m, rộng 4m được TP. Huế đầu tư gần 3 tỷ đồng, khi người dân đã hiến hơn 2.000m2 đất, ước tính giá trị hơn 1 tỷ đồng.

Một số đường kiệt ở phường Xuân Phú, Phú Hội cũng được người dân hiến đất, đóng góp công sức, tiền của, giúp chính quyền thuận lợi hơn khi trích kinh phí để nâng cấp, sửa chữa.

Phòng Quản lý đô thị TP. Huế cho biết, hàng năm, TP. Huế đều phân bổ kinh phí để duy tu, sửa chữa, đầu tư một số đường kiệt. Tuy thế, việc duy tu sửa chữa phải được ưu tiên theo thứ tự, những tuyến đường quan trọng, mật độ lưu thông lớn, gần các trường học, cơ sở y tế, cộng đồng… Nếu có sự chung tay hỗ trợ từ phía người dân như hiến đất, góp công, việc sửa chữa, đầu tư đường kiệt càng thuận lợi.

Bài, ảnh: TÂM HUỆ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sớm kiên cố đê phá Tam Giang

Ở huyện Quảng Điền hiện còn hơn 6,5km đê ven phá Tam Giang bán kiên cố, được đắp bằng đất tạm thời, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, gây khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp tại các địa phương.

Sớm kiên cố đê phá Tam Giang
Sau mưa lũ, nhiều tuyến giao thông xuống cấp

Nhiều tuyến giao thông khu vực TP. Huế bị xuống cấp, hư hỏng vẫn chưa được khắc phục gây mất an toàn giao thông (ATGT) cũng như gây khó khăn đi lại của người dân.

Sau mưa lũ, nhiều tuyến giao thông xuống cấp
Nhiều hồ, đập xuống cấp: Cần giải pháp đảm bảo an toàn

Qua kiểm tra, một số hạng mục của hồ, đập trên địa bàn tỉnh đã hư hỏng, đập đất có hiện tượng sạt trượt mái và thấm, đường thoát lũ tại khu vực tràn và cửa van của các hồ chứa bị bồi lấp. Đặc biệt, công tác kiểm định an toàn hồ, đập thủy lợi đang còn bị bỏ ngỏ.

Nhiều hồ, đập xuống cấp Cần giải pháp đảm bảo an toàn
Return to top