ClockThứ Ba, 24/10/2017 05:56

Xã hội hóa nghiên cứu khoa học là tất yếu

TTH - Việc dựa vào kinh phí nhà nước đã trở thành hạn chế về nhiều mặt đối với hoạt động nghiên cứu. Vì vậy, xã hội hóa nghiên cứu khoa học là điều nên nghĩ đến và thực hiện.

Nhóm nghiên cứu Đan Dương

Lâu nay, giới nghiên cứu (NC) khoa học, nhất là khoa học xã hội, thường có 2 xu hướng chính trong hoạt động NC của mình: tự thân NC hoặc dựa vào các dự án, chương trình của các tổ chức, đơn vị.

Thuận lợi là tính tự do trong các đề tài NC. Các NC có thể định hình cho chính mình ý tưởng NC mà không phụ thuộc vào sự xét duyệt đề tài của cá nhân, tổ chức nào. Đề tài NC có thể triển khai một cách nhất quán và phụ thuộc vào khả năng của chính người NC. Dựa vào các dự án, chương trình của các tổ chức, đơn vị thì thường đi kèm nguồn kinh phí NC. Điều này giúp cho người NC có thể có kinh phí dày dặn để triển khai nhanh chóng đề tài, giảm bớt các mối lo khác.

Tuy nhiên, khó khăn từ cách làm hiện nay là nếu tự thân thì việc thiếu kinh phí sẽ làm chậm tiến độ NC, hoặc dựa vào các dự án, chương trình thì phải qua quá nhiều xét duyệt làm cho NC có thể thay đổi so với mục tiêu ban đầu đặt ra. Thậm chí, dựa vào các dự án, chương trình thì tính chủ động, khách quan sẽ giảm rất nhiều và khi dự án, chương trình chấm dứt cũng là lúc nguồn kinh phí NC không còn. Thực tế đó khiến cho đa phần các nhà NC bị động. Nhiều người có đề tài, có ý tưởng nhưng không kiếm được dự án, chương trình nên đề tài, ý tưởng đành xếp vào ngăn kéo. Bởi nếu triển khai thì các vấn đề thường nhật khác sẽ gây khó khăn cho cuộc sống của họ.

Thời gian qua, các chương trình NC được tài trợ từ ngân sách nhà nước, hoặc các tổ chức nước ngoài (như Quỹ Toyota chẳng hạn) đã mang lại nhiều công trình có giá trị. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của nhà nước có giới hạn trong tình cảnh thắt chặt chi tiêu hoặc quá nhiều tầng nấc xét duyệt, quá nhiều cửa và phụ thuộc vào quyết định hành chính thì NC khoa học trở thành NC đơn đặt hàng. Khi đó, tính khoa học, khách quan sẽ rất khó khăn, đôi lúc các nhà NC chỉ “lo” làm cho kịp tiến độ đã hợp đồng.

Ở nước ta nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng, nhiều nhà NC độc lập đã bỏ tâm, bỏ sức trong nhiều năm để theo đuổi đề tài NC của mình. Đa số họ tự bỏ tiền túi để NC đề tài của mình. Có người đã bỏ dở công trình vì không kham nổi. Có người may mắn có được nguồn tài trợ, nhưng số đó không nhiều.

Với Thừa Thiên Huế, hiện nay có hai nhóm NC được chú ý, với việc tự thân NC hoặc có sự hỗ trợ của nguồn đầu tư xã hội hóa, đó là nhóm NC Huế do nhà NC Nguyễn Hữu Châu Phan chủ trì và nhóm NC Đan Dương mới thành lập do nhà NC Nguyễn Đắc Xuân chủ trì.

Nhóm NC Huế tập hợp chủ yếu các nhà NC lão thành, còn nhóm NC Đan Dương lại chủ yếu tập hợp các nhà NC trẻ.

Nhà NC Nguyễn Đắc Xuân đánh giá: “Xây dựng một ê kíp làm việc có chung niềm đam mê để cùng nhau đưa ra những kết quả NC ngày càng tốt hơn là điều tôi mong mỏi. Những người trẻ là tương lai, vì vậy, tạo điều kiện để các bạn trẻ có cơ hội hợp tác, thực hiện ý tưởng là rất cần thiết”.

Việc NC độc lập, không phụ thuộc vào nguồn tài trợ của nhà nước mà dựa vào nguồn xã hội hóa là điểm mạnh đang có của hai nhóm NC này. Họ tự vạch ra chương trình, kế hoạch NC cho riêng nhóm mình, các thành viên của nhóm lại tự mình triển khai hoặc có sự phối hợp cùng nhau để hoàn thành đề tài. Xong, họ sẽ hoàn thành công trình với kết quả riêng mình đã định hướng. Xã hội hóa nguồn tài trợ để NC, từ đó, có ý nghĩa quan trọng, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn tài trợ của nhà nước, của các tổ chức nước ngoài. Với nhà nước, gánh nặng chi phí NC sẽ giảm xuống, các chi phí đi kèm cũng giảm, đó là sự thuận lợi cần được chú ý để phát huy.

Điển hình cho vấn đề xã hội hóa NC là trong hai năm qua, Vietravel (Công ty CP Du lịch và Tiếp thị GTCT Việt Nam), công ty kinh doanh đa ngành, trong đó có lữ hành, du lịch, đã tài trợ nhóm NC Đan Dương thực hiện hội thảo khoa học, tổ chức thám sát khảo cổ học ở khu vực phường Trường An, hỗ trợ kinh phí NC cho nhóm và sắp tới sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho khảo cổ mở rộng ở phường Trường An... Cũng trong thời gian này, Vietravel đã tài trợ một phần việc in ấn công trình dịch thuật, khảo cứu có tên “Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau” của Phân viện VHNT quốc gia Việt Nam tại Huế. Thành công đó đáng ghi nhận trong tình hình hiện nay đối với giới NC ở Huế.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel, chia sẻ: “Khi các nhà NC làm rõ, nổi bật về lịch sử, văn hóa nước nhà là đã giúp chúng tôi xây dựng, quảng bá để phát triển du lịch. Việc tài trợ để các nhà làm việc ngày càng tốt hơn cũng chính là chúng tôi tự giúp chúng tôi”.

Việc xã hội hóa hoạt động NC khoa học sẽ giúp cho các nhà NC chủ động hơn, giảm sự lệ thuộc vào kinh phí nhà nước và tăng tính cạnh tranh, tăng khả năng hoàn thành công trình, đề tài ở mức độ cao, qua đó tạo dựng uy tín cho nhà NC để họ có thể thu hút nhiều hơn sự tài trợ nhằm thực hiện tốt hơn, nhiều hơn nữa các công trình, đề tài của mình.

Trao đổi với khá nhiều nhà NC về vấn đề này, đa số mong muốn có sự tài trợ để thực hiện đề tài NC của mình, nhưng vấn đề tiếp cận nguồn kinh phí rất khó khăn. Một là họ không tiếp cận được nguồn tài trợ, hai là không có kỹ năng tìm kiếm tài trợ. Vì vậy, hầu hết các nhà NC rất dè dặt hoặc “có chừng mô xô chừng nấy” đối với NC của mình.

Để xây dựng môi trường học thuật không lệ thuộc vào kinh phí nhà nước, giảm gánh nặng ngân sách, thúc đẩy các nhà NC có trách nhiệm hơn... thì xã hội hóa NC khoa học sẽ là tất yếu. Bởi lẽ, không phải “bầu sữa kinh phí” nhà nước mà ý tưởng của các nhà NC mới vô tận và sự vô tận đó cần sự đồng hành của xã hội.

Bài, ảnh: Trần Hằng – Đình Đính

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh nghiên cứu khoa học

Phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh với nhiều đề tài có tính ứng dụng cao đã góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Học sinh nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu khoa học công nghệ: Xuất phát từ thực tiễn và phục vụ lại thực tiễn

Để tạo ra một sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Và, kết quả nghiên cứu KHCN đòi hỏi phải quay trở lại phục vụ thực tiễn cuộc sống, được chuyển giao, ứng dụng, thương mại hóa để không lãng phí tiền tài, kỳ vọng.

Nghiên cứu khoa học công nghệ Xuất phát từ thực tiễn và phục vụ lại thực tiễn
Return to top