ClockThứ Năm, 12/07/2018 06:15

Xã hội hóa phương tiện tránh thai: Xu thế tất yếu

TTH - Đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) của Bộ Y tế (gọi tắt là Đề án 818) triển khai ở Thừa Thiên Huế đã được người dân đồng tình, hưởng ứng.

Biện pháp tránh thai là “một trong những sáng kiến ​​chống đói nghèo vĩ đại nhất”

Đẩy mạnh truyền thông xã hội hóa PTTT tại xã Thủy Phù (TX. Hương Thủy)

Xóa dần “bao cấp”

Mô hình tiếp thị xã hội PTTT chính thức đưa vào chỉ tiêu Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ tại Thừa Thiên Huế sau khi Đề án 818 ra đời vào tháng 3/2015. Đề án có mục tiêu xã hội hóa cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ cho người dân vùng thành thị, nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020. Với chủ trương này, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tham mưu, trình cấp trên phê duyệt kế hoạch triển khai đồng bộ mô hình tiếp thị xã hội PTTT từ tuyến tỉnh đến huyện, xã.

Thị xã Hương Thủy là địa phương thành công trong mô hình tiếp thị xã hội PTTT. Thành quả này nhờ sự quan tâm cấp ủy, chính quyền địa phương; nhất là sự đóng góp của đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên (CTV) dân số. Họ tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” nắm bắt tâm lý, nhu cầu của đối tượng để có cách tiếp thị hiệu quả; mạnh dạn lồng ghép hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm tiếp thị xã hội các PTTT vào các hoạt động chăm sóc SKSS-KHHGĐ qua các buổi sinh hoạt tại khu dân cư.

Chị Trần Thị Tâm, cán bộ chuyên trách dân số xã Thủy Bằng (TX Hương Thủy) chia sẻ, ban đầu “câu chuyện” tiếp thị xã hội PTTT ở địa phương gặp khó khăn vì người dân còn quan niệm “bao cấp, miễn phí” như trước đây. Khi cán bộ vận động, tuyên truyền công khai giá cả sản phẩm người dân tin tưởng. Hiện nay, nhiều người dân có thói quen đến trạm hoặc qua CTV dân số để mua PTTT. Ở đây, giá cả chưa hẳn là yếu tố quyết định sự lựa chọn của người dân. Khi đến trạm, họ yên tâm về chất lượng sản phẩm, lại được nhân viên y tế tư vấn về cách sử dụng phù hợp.

Tiếp thị sản phẩm PTTT đến người có nhu cầu tại xã Vinh Thanh (Phú Vang)

Hiện nay, ngoài mô hình tiếp thị xã hội, Thừa Thiên Huế đẩy mạnh công tác xã hội hóa PTTT với phương châm “thuận mua vừa bán”. Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh xã hội hóa được gần 26 nghìn bao cao su các loại; 624 vỉ  thuốc viên uống tránh thai...; trong đó, TX Hương Thủy, TP. Huế, Phú Vang  đạt hiệu quả cao trong công tác này.

Tất yếu

Mô hình tiếp thị xã hội hóa các PTTT hiện còn gặp những khó khăn, thách thức. Đầu tiên là quan niệm và thói quen được Nhà nước “bao cấp” PTTT, dịch vụ KHHGĐ/SKSS trong thời gian dài. Đối tượng được ưu tiên cấp miễn phí chỉ là người thuộc hộ nghèo, vùng khó khăn, phần còn lại huy động đóng góp của cộng đồng và xã hội; tuy nhiên, công tác xã hội hóa chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn.

Việc đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến các mặt hàng PTTT còn hạn chế, chưa khích thích người tiêu dùng sản phẩm. Hơn nữa, kỹ năng và kinh nghiệm của đội ngũ làm công tác tiếp thị xã hội PTTT còn hạn chế. Địa bàn rộng, dân cư thưa ở vùng sâu, vùng xa; sản phẩm tiếp thị chưa đa dạng... cũng là những khó khăn khiến công tác này còn hạn chế. Ngoài ra, cơ chế, chính sách chưa cụ thể để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp PTTT, dịch vụ KHHGĐ/SKSS, nên các cơ sở y tế đủ điều kiện tham gia xã hội hóa chưa phát huy lợi thế và phát triển bền vững.

Ông Tôn Thất Chiểu, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh giải thích, trong điều kiện ngân sách Nhà nước cho công tác DS-KHHGĐ ngày càng cắt giảm mạnh, trong khi nhu cầu tránh thai của người dân vẫn tăng, thì xã hội hóa được xác định là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường. Để mô hình xã hội hóa PTTT đi vào chiều sâu và bền vững, cần có sự phối hợp để đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng cáo sản phẩm PTTT trên các kênh thông tin đại chúng; đa dạng hoá sản phẩm về mẫu mã, chất lượng, kể cả các sản phẩm xúc tiến truyền thông tiếp thị xã hội; tập huấn kỹ năng và có chế độ bồi dưỡng cho đội ngũ tham gia tiếp thị xã hội từ tỉnh đến cơ sở...

Minh Hy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo giảng viên truyền thông phục vụ phát triển vùng trồng dược liệu

Từ ngày 28 - 30/11, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe - Bộ Y tế phối hợp với Cục Quản lý Y - Dược Cổ truyền - Bộ Y tế tổ chức khóa tập huấn “Đào tạo giảng viên truyền thông vận động và huy động xã hội về xây dựng phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị vùng trồng dược liệu quý thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Đào tạo giảng viên truyền thông phục vụ phát triển vùng trồng dược liệu

TIN MỚI

Return to top