ClockThứ Bảy, 27/07/2019 12:45

“Xắn tay” cùng tỉnh giải “bài toán” việc làm tại Huế cho sinh viên

TTH - Đại học (ĐH) Huế vừa ký kết thỏa thuận hợp tác (ngày 17/7) với Công ty cổ phần Phần mềm Quốc tế 3S (gọi tắt là Công ty 3S) mở ra hàng trăm cơ hội việc làm mỗi năm tại Huế cho sinh viên (SV), đồng thời hướng đến thúc đẩy phát triển ngành công nghệ thông tin (CNTT) tại địa phương.

“Sinh viên ĐH Huế sẽ có cơ hội việc làm với thu nhập tốt”Gần 1.300 cơ hội việc làm cho sinh viên Trường ĐH Kinh tếHơn 1.600 sinh viên Trường ĐH Y Dược tham gia ngày hội tư vấn, tuyển dụng việc làmGần 1.700 chỉ tiêu tuyển dụng việc làm cho sinh viênSinh viên thiếu kỹ năng xin việc

PGS. TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế

Trao đổi với Báo Thừa Thiên Huế, PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế khẳng định: “ĐH Huế muốn “xắn tay” cùng tỉnh để thu hút các doanh nghiệp (DN) lớn về Huế, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển và tạo cơ hội việc làm ngay tại Huế cho SV, nhất là con em địa phương - bài toán mà lâu nay nhiều người rất trăn trở”.

ĐH Huế có nhiều hợp tác với DN về đào tạo và việc làm cho người học. Với Công ty 3S, phải chăng hợp tác mới này có nhiều điểm khác?

So với các DN khác, 3S là công ty đặc thù về CNTT và phát triển cũng như gia công phần mềm. Đó là hướng mà Nhà nước, Chính phủ và tỉnh hiện nay ưu tiên. Thời gian qua, ngành CNTT “khát” nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và các DN về CNTT trong tỉnh không ít lần bày tỏ trăn trở về vấn đề này.

Phòng máy của sinh viên Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế

Lâu nay, bài toán khó ở nhiều địa phương là làm sao thu hút DN lớn. Nguyên nhân sâu xa và quan trọng mà nhiều DN chia sẻ là lo ngại về nguồn nhân lực, sợ không có nguồn tuyển. Khó thu hút hoặc giữ chân DN lớn là điều không chỉ đáng tiếc cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn gây ra khó khăn trong đào tạo, việc làm cho người học sau khi ra trường. Vì lý do này, chúng tôi đàm phán và tiến đến ký kết với Công ty 3S nhanh. Chúng tôi muốn khẳng định, ĐH Huế sẵn sàng thảo luận, thống nhất phối hợp trong đào tạo để cung ứng nguồn nhân lực khi tỉnh có chủ trương và các DN đến với Huế.

Việc hợp tác với Công ty 3S mang lại những cơ hội cụ thể như thế nào?

Mỗi năm Công ty 3S sẽ phối hợp với ĐH Huế tổ chức ít nhất 1 hội thảo về công nghệ, với sự tham gia của các chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước để cập nhật thông tin và chia sẻ công việc và công nghệ trên thế giới mà 3S đang tham gia.

Công ty 3S cũng thành lập quỹ học bổng tại ĐH Huế, hàng năm hỗ trợ cho nhóm 5 - 10 SV CNTT xuất sắc nhất của ĐH Huế. Quỹ học bổng này mỗi năm là 20 triệu đồng.

Cơ hội rất lớn và khởi đầu cho các DN khác cùng đến với Huế. ĐH Huế và Công ty 3S sẽ phối hợp đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của 3S cũng như các DN chất lượng cao trong lĩnh vực CNTT ngay tại tỉnh. Khi vấn đề đào tạo nguồn nhân lực được giải quyết, bài toán thu hút người tài ở lại không còn nan giải. Ngoài ra, 3S cùng với các DN trong tỉnh có thể liên kết tạo thành mạng lưới, hệ thống các DN CNTT để phát triển lĩnh vực CNTT hay ngành công nghiệp phần mềm tại Cố đô.

Ngoài phối hợp đào tạo SV ĐH chính quy ngành CNTT, ĐH Huế cũng phối hợp với 3S tổ chức các khóa đào tạo chuyển đổi ngắn hạn (6 tháng đến 1 năm) và văn bằng 2 ngành CNTT cho SV, giúp phát triển thêm nguồn nhân lực và tăng thêm cơ hội việc làm cho SV, đặc biệt các em có niềm say mê với CNTT.

Cơ hội cho người học là rất lớn. Dễ thấy, tỷ lệ con em ở Huế học tại quê nhà không ít nhưng khi ra trường họ đang thiếu cơ hội làm việc ngay tại địa phương. Hợp tác với 3S lần này, bài toán này bước đầu phần nào đã giải được. Trong thỏa thuận hợp tác, Công ty 3S sẽ hỗ trợ SV ĐH Huế có nhu cầu thực tập, thực tế tại các cơ sở của 3S Intersoft JSC. SV sau khi thực tập có kết quả tốt được nhận vào làm việc, công ty đảm bảo mức thu nhập từ 7 triệu đồng/tháng trở lên. Công ty cũng tuyển dụng SV tốt nghiệp ngành CNTT vào làm việc tại công ty khi đạt tiêu chuẩn tuyển dụng, với mức thu nhập từ 7 triệu đồng/tháng trở lên, trong đó giai đoạn 1 từ năm 2020 - 2021, mỗi năm tuyển từ 100 - 200 SV; giai đoạn 2 từ 2022 - 2025, mỗi năm tuyển từ 200 - 300 SV.

Ngoài ra, Công ty 3S hỗ trợ cho SV ĐH Huế vay tiền để trả học phí khi tham gia các khóa chuyển đổi ngắn hạn về CNTT do phía họ tổ chức. Bên cạnh đó, 3S và ĐH Huế có những hợp tác trong lĩnh vực CNTT, hỗ trợ học bổng cho người học và tham gia các hoạt động xã hội, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Cơ sở nào để tin rằng cơ hội đó có thể trở thành hiện thực, thưa PGS?

Công ty 3S có trụ sở đặt tại địa bàn tỉnh, không phải liên doanh liên kết mà hướng đến hoạt động ngay tại tỉnh, kết nối hệ thống CNTT trong cả nước và quốc tế.

Thứ hai, Công ty 3S sử dụng nguồn nhân lực CNTT để phục vụ ngay tại tỉnh. Điều này khác với nhiều DN là ký kết tại Huế nhưng SV đi làm tại địa phương khác. Lợi thế nữa là 3S tuyển nhân sự nhiều đối tượng khác nhau, không chỉ SV tốt nghiệp chuyên ngành CNTT mà còn SV học bằng khác chuyển đổi ngành nghề sang CNTT hoặc học các chương trình đào tạo ngắn hạn.

Họ còn trao cho người học cơ hội thực tập, thực hành ngay tại DN đạt chuẩn đầu ra theo yêu cầu của DN. CNTT thay đổi từng ngày, có những phần mềm, hạ tầng cơ sở nhà trường không thể đầu tư mỗi năm vì thiếu kinh phí hoặc đầu tư sẽ lãng phí thì DN sẽ hỗ trợ.

Có khó khăn nào liên quan việc hợp tác giữa ĐH Huế và Công ty 3S không, thưa PGS?

Hai đơn vị kết nối và tiến đến ký kết nhanh là đáng mừng nhưng sự gắn kết chưa lâu cũng có những cái khó, có thể sẽ chưa hiểu được nhau. Tuy nhiên, cách giải quyết là hằng năm, thậm chí 6 tháng một lần sẽ có những cuộc họp, ngồi lại để đánh giá, điều chỉnh nếu chưa phù hợp chứ không phải ký 6 năm một lần rồi cứ thế áp dụng.

Sau khi ĐH Huế ký kết với 3S, một lãnh đạo tỉnh tâm huyết nhắc lại sự chuyển đổi giữa đào tạo khoa học cơ bản sang khoa học ứng dụng diễn ra chậm và tin hướng đi mới này là tín hiệu lạc quan, PGS nghĩ thế nào về vấn đề này?

Mô hình ĐH Việt Nam bắt đầu thay đổi. Định hướng của ĐH Huế là ĐH nghiên cứu kết hợp với ứng dụng, bởi vì ĐH Huế là ĐH đa ngành, đa lĩnh vực. Một số ngành khoa học cơ bản hiện nay khó về tuyển sinh và đang chuyển hướng sang một số ngành kỹ thuật, ứng dụng. Vừa rồi ĐH Huế mở hơn 20 ngành liên quan đến kỹ thuật ứng dụng.

Nếu tỉnh có số DN lớn và mạnh thì ĐH Huế dễ tuyển và phát triển các ngành liên quan. Điển hình vừa qua là nhóm ngành về du lịch. ĐH Huế sẵn sàng cung ứng nguồn nhân lực khi tỉnh cần và các DN đến với Huế, từ lĩnh vực y dược hay lĩnh vực khác, sắp đến là nông nghiệp công nghệ cao. Song, hiện trên địa bàn vẫn còn khá ít doanh nghiệp lớn.

Do thế, ĐH Huế muốn “xắn tay” cùng tỉnh thu hút các DN lớn về Huế để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế địa phương và thúc đẩy đào tạo.

Với tinh thần đồng hành cùng tỉnh, ngoài Công ty 3S, ĐH Huế có những dự định gì sắp tới, thưa PGS?

Chúng tôi xác định, mối quan hệ giữa địa phương và ĐH Huế phải chủ động hơn. Khi tỉnh cần vấn đề nào đó, nếu ĐH Huế làm được sẽ “bắt tay” làm ngay, đề xuất tỉnh sẽ có những hỗ trợ.

Chúng tôi cũng muốn mối quan hệ giữa nhà trường – DN – Nhà nước cùng phối hợp tốt. Tỉnh tạo cơ chế chính sách, nhà trường đào tạo nguồn nhân lực và DN có cơ chế hỗ trợ đào tạo, thực tập, học bổng, tất cả đều mang lại lợi ích cho các bên.

ĐH Huế cũng hướng đến các DN về cơ điện tử, kỹ thuật công nghệ cao và những ngành liên quan đến hướng phát triển của tỉnh và không tác động nhiều đến môi trường. Có thể mở một số ngành mới thích ứng công nghệ nano, trí tuệ nhân tạo…

Xin cảm ơn chia sẻ của PGS!

HỮU PHÚC (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Khi người học được “chấm điểm” người dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học; trong đó, có một tiêu chí rất được quan tâm là tỷ lệ người học hài lòng với giảng viên về chất lượng và hiệu quả giảng dạy không thấp hơn 70%.

Khi người học được “chấm điểm” người dạy

TIN MỚI

Return to top