ClockThứ Ba, 26/07/2016 13:43

Xanh đồi Tri Giang

TTH - Ai từng sống ở vùng quê Phú Lộc đều biết đồi Tri Giang (thường gọi Đồi 30) và ngã ba Ràng Bò, xã Lộc Điền - những địa danh một thời hứng chịu đạn bom của chiến tranh, nay trở thành một trong những xã đầu tiên đạt nông thôn mới của huyện Phú Lộc.

Lịch sử khắc ghi

Đầu tháng 7, chúng tôi về thăm Đồi 30, địa danh đi vào sử sách với những trận giao chiến giữa ta với quân đội Mỹ. Chiến trường xưa nay là những vườn rừng, vườn đồi xanh um, điểm xuyết những ngôi nhà bê tông mái bằng, mái ngói xinh xắn.

Mô hình trồng tiêu của gia đình anh Nguyễn Phước

Bên chân Đồi 30, tôi chuyện trò với ông Võ Tá Đoan, người có thời gian dài gắn bó với khói lửa chiến tranh ở Lộc Điền. Giọng chậm rãi, ông Đoan kể, cách đây hơn 40 năm, Đồi 30 là cứ điểm hết sức quan trọng của quân đội ta và Mỹ. Địch xây dựng ở đây một cứ điểm quân sự với hệ thống giao thông hào, xe tăng, súng, nhằm ngăn chặn xâm nhập của quân ta ở phía rừng. Còn ta chọn nơi đây làm mục tiêu tiến công, tạo điều kiện cho mặt trận Huế thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch của chiến trường trọng điểm Xuân 68. Theo lời ông Đoan, Phú Lộc bấy giờ đã huy động tối đa lực lượng bộ đội địa phương, du kích, dân công phối hợp cùng bộ đội chủ lực...tham gia đánh phá đồn bốt, cắt đứt giao thông đường bộ, tiêu diệt địch ở khu vực Đồi 30 để giải phóng quê hương, tiếp đến giải phóng Huế. Với sự tập trung lực lượng và chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng của hai bên, ở Đồi 30 đã diễn ra nhiều trận chiến quyết liệt.

Từ Đồi 30, chúng tôi xuôi về Đá Dầm, thôn Bạch Thạch thăm lại tượng đài chiến thắng ở Ngã ba Ràng Bò - trung tâm căn cứ chiếm đóng của Mỹ, ngụy trước, sau Tết Mậu Thân. Tôi gặp ông Nguyễn Văn Tiêu, quê ở Nam Định, nguyên Chính trị viên, Đại đội Biệt động 1, Huyện đội Phú Lộc gắn bó với Lộc Điền từ sau năm 1968 và ông được Nhà nước phong tặng nhiều huân chương, danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ thời gian này. Ông Tiêu đã ngoài 70 tuổi, đôi mắt không còn sáng như xưa nhưng vẫn đậm chất lính Cụ Hồ.

Như lời ông Tiêu, trước năm 1975, vùng đất Lộc Điền gọi là xã Lương Lộc, với núi đồi bạt ngàn, dân cư thưa thớt. Phần lớn bà con theo kháng chiến, riêng thanh niên xung phong vào bộ đội, du kích… Thời ấy, dẫu khó khăn gian khổ nhưng quân và dân địa phương một lòng vững tin theo con đường cách mạng. Suốt những năm từ 1969-1971, ông Tiêu người vừa chỉ huy vừa phối hợp các lực lượng địa phương đánh phá đồn bốt và chia cắt hệ thống giao thông huyết mạch từ Huế vào Đà Nẵng, tiếp thêm sức mạnh cho quân dân Phú Lộc đánh thắng kẻ thù.

Ông Tiêu kể thêm, sau Hiệp định Paris kết ký, Khu ủy Thị Thiên đề ra cho các địa phương “Phải chuẩn bị chu đáo để đánh trả quân địch một cách kiên quyết, đánh thật đau, tiêu diệt mọi mặt”. Lộc Điền là một địa bàn rộng, được giúp đỡ từ các lực lượng sau khi mở các cuộc tấn công lớn vào khu vực Mỏ Tàu-La Sơn, giải phóng vùng lớn từ La Sơn đến địa bàn Nam Phổ Cần (Lộc An), lực lượng vũ trang ở Lộc Điền nổi dậy diệt ác trừ gian; đánh phá các đồn bốt, đánh hỏng các tuyến giao thông làm cho địch rơi vào thế bế tắc, hết đường tháo chạy vào Đà Nẵng và hướng về biển Thuận An. Ngày 23/3/1975, xã Lộc Điền giải phóng, mở ra một trang sử mới

Màu xanh đã trở lại

Từ một vùng đất chịu nhiều ảnh hưởng của chiến tranh, bằng nghị lực vượt khó, đến nay Lộc Điền đã vươn lên mọi mặt. Các công trình phúc lợi “điện, đường, trường, trạm” được xây dựng, phát huy hiệu quả. Dịch vụ buôn bán ở các khu vực dân cư ngày càng mọc lên sầm uất, thu hút tiểu thương khắp nơi; nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản, vườn đồi, vườn rừng ngày càng phát triển mạnh. Đáng chú ý, các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh tìm đến mở cơ sở khai thác khoáng sản đang tạo thêm sắc diện mới cho vùng chiến địa xưa. Cuối năm 2015, Lộc Điền trở thành một trong những địa phương đầu tiên của huyện Phú Lộc đạt xã nông thôn mới.

Tôi bước vào thăm vườn của anh Trần Chỉnh, thôn Quê Chữ sau chân đồi 30. Đó là những hàng tiêu trải dài màu xanh nhìn thích mắt. Giờ ông Chỉnh có 1.000 gốc tiêu xanh tốt; trong đó, 400 gốc đã cho thu hoạch với khoảng 2 tấn. Với giá như hiện tại ông thu khoảng 300 triệu đồng, trừ các chi phí hơn 60 triệu đồng, số còn lại bỏ túi...

Một điển hình làm kinh tế hộ gia đình giỏi là anh Nguyễn Phước-người thanh niên được ông Chỉnh truyền nghề đã mạnh dạn đầu tư khai hoang phát triển mô hình trồng tiêu tại thôn Đồng Xuân 1.500 m2  vào năm 2008. Đến nay anh sở hữu 500 gốc tiêu, trong đó 300 gốc đã vào tuổi thu hoạch từ năm 2013. Hiện bình quân mỗi năm anh thu từ 5 - 6 tạ tiêu, trừ chi phí cũng thu về không dưới 100 triệu đồng.

Tôi còn gặp nhiều trường hợp sống bên Đồi Tri Giang và Ngã ba Ràng Bò trước đây nghèo khó, nhưng được sự động viên, hỗ trợ từ các cấp ngành, đoàn thể, họ đã vượt khó phát triển các mô hình kinh tế theo hướng vườn - ao - chuồng - trại, có nguồn thu ổn định, xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc, con cái học hành chăm ngoan, như hộ anh Nguyễn Trai thôn Trung Chánh; anh Nguyễn Văn Thịnh, thôn Bạch Thạch; anh Nguyễn Bốn ở thôn Lương Điền Thượng...

Ông Trần Quang Anh, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Điền chia sẻ, những kết quả đạt được của Lộc Điền hôm nay là kết tinh của sự kế thừa và phát huy truyền thống từ các thế hệ đã dày công vun đắp, xây dựng. Thành quả đó sẽ được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương trân trọng, tự hào và tiếp tục cùng nhau vun đắp thêm để Lộc Điền mãi là điểm sáng hôm qua, hôm nay và trong thời gian đến...

Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không chỉ giữ bình yên, mà còn phải xanh, sạch, đẹp

Dù tất bật với nhiệm vụ giữ vững sự bình yên cho cuộc sống Nhân dân, nhưng cán bộ, chiến sĩ công an trong toàn tỉnh đã sắp xếp thời gian, công việc để tham gia “Ngày Chủ nhật xanh” với mục tiêu đặt ra là: Vì một TP. Huế không chỉ bình yên, an toàn, thân thiện, mà còn phải xanh, sạch, đẹp.

Không chỉ giữ bình yên, mà còn phải xanh, sạch, đẹp
ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh

Đông Nam Á có thể mở khóa thêm 300 tỷ USD doanh thu hàng năm từ các khoản đầu tư xanh vào năm 2030, nếu các chính phủ tăng cường hợp tác về lưới điện và thị trường carbon trong khu vực, đồng thời đưa ra những biện pháp khuyến khích tốt hơn cho năng lượng sạch và các quy định rõ ràng hơn về tài chính xanh, theo báo cáo của Bain & Company, GenZero, Standard Chartered và Temasek được công bố ngày hôm nay (15/4).

ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh
Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc

Ngày 7/4, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc
A Lưới đẩy mạnh phong trào Ngày Chủ nhật xanh

Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” trên địa bàn huyện miền núi A Lưới đã nhanh chóng lan tỏa và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần trong việc thay đổi diện mạo nông thôn, làng bản vùng biên giới; nâng cao ý thức của người dân, đồng bào thiểu số trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa.

A Lưới đẩy mạnh phong trào Ngày Chủ nhật xanh
Return to top