ClockThứ Ba, 02/08/2016 06:41

Xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung: “Mỏng” cả vốn lẫn người

TTH - Theo quy hoạch đến 2020 của Chính phủ, Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung (BTMT) tại Thừa Thiên Huế sẽ trở thành địa chỉ văn hóa, tham quan du lịch, học tập nghiên cứu.

Khu vực hồ Châu Chữ thuộc BTMT sẽ trồng vườn tre, trúc đặc trưng

Ba mục tiêu lớn

Năm 2010, không đơn giản khi Chính phủ chọn, quy hoạch xây dựng BTMT ở Thừa Thiên Huế. Do nơi đây có hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới phân bố dọc theo dãy Trường Sơn, được Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF đánh giá là một trong 200 vùng sinh cảnh toàn cầu theo phân hạng quốc tế. Qua điều tra, tổng hợp riêng trong phạm vi Vườn Quốc gia Bạch Mã có 2.131 loài thực vật, 126 loài lưỡng cư, 336 loài bướm, 358 loài chim, 92 loài cá và 83 loài động vật có vú. Những cánh rừng tự nhiên trong khu vực có các loài thực vật và động vật đặc hữu hoặc gần đặc hữu được ghi nhận là mới đối với Việt Nam và thế giới. Thứ nữa, dọc bờ biển các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung có 12 đầm, phá ven bờ nước lợ, trong đó tiêu biểu là hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai - nơi gồm các đầm phá nối liền, như phá Tam Giang, đầm Sam - Chuồn, đầm Thủy Tú và đầm Cầu Hai kéo dài 68 km, với diện tích mặt nước gần 22.000 ha. Nơi đây, do có nguồn lợi thủy sinh phong phú, tính đa dạng sinh học cao về hệ sinh thái, giống loài và nguồn gen. Đây cũng là điểm dừng chân của hơn 30 loài chim nước di trú, trong đó, nhiều loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và danh mục các loài chim được bảo vệ nghiêm ngặt của Cộng đồng châu Âu.

Cuối năm 2013, Sở KH&CN, đơn vị được giao thực hiện BTMT đã công bố quy hoạch chi tiết tại khu vực phường An Tây (phía tây TP. Huế) với diện tích gần 100 ha. BTMT chia nhiều khu vực, như khu trung tâm, khu rừng mưa nhiệt đới, khu nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực, bãi đỗ xe, vườn thú... với hạ tầng kỹ thuật kết hợp các cụm di tích lịch sử văn hoá hiện có, đảm bảo yếu tố cảnh quan, môi trường. Ông Phan Mãn, Phó Giám đốc Sở KH&CN, Giám đốc BTMT cho rằng, trong quy hoạch tổng thể, đây là dự án khả thi, hướng đến 3 mục tiêu lớn. Đó là tạo một thiết chế văn hóa hoàn toàn mới nhằm mục tiêu thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Thứ hai, là một phòng thí nghiệm lớn về tự nhiên, nơi các nhà khoa học và sinh viên… nghiên cứu, học tập, tham quan, sinh hoạt ngoại khóa. Cuối cùng tạo điểm đến, giới thiệu sản phẩm du lịch độc đáo dành cho du khách.

Kinh phí hạn chế

Sau khi công bố quy hoạch, tiến độ xây dựng BTMT được triển khai theo lộ trình. Hiện nay, Sở KH &CN đang triển khai giai đoạn 1 (2015-2020). Trong đó, dự án Rừng mưa nhiệt đới (RMNĐ) là một trong những hạng mục khởi đầu của BTMT đã giao cho Công ty TNHH NNMTV Lâm nghiệp Tiền Phong thực hiện quy mô khoảng 70ha, nằm ở tiểu khu 91, phường An Tây - TP. Huế (48,95 ha) và tiểu khu 154 thuộc xã Thủy Bằng- thị xã Hương Thủy (18,11 ha). Kinh phí thực hiện là 7,5 tỷ đồng nhằm cải tạo, trồng, bảo tồn các cây rừng đặc trưng tiêu biểu cho gỗ, cho hương và dược liệu quý của dãy Trường Sơn dọc theo các tỉnh duyên hải miền Trung. Theo đó, vài năm đến, khu vực này không chỉ lưu giữ, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen các loài thực vật đặc trưng và tiêu biểu cho hệ sinh thái RMNĐ của các tỉnh duyên hải miền Trung, mà sẽ là một “phòng thí nghiệm” tự nhiên thu nhỏ phục vụ cho nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo.

Cũng thời điểm này, đơn vị tiến hành xây dựng khu trung tâm với kinh phí 20 tỷ, gồm các hạng mục khu nhà điều hành, hệ thống hạ tầng đường giao thông, cấp nước, điện và xây dựng khu thế giới côn trùng (vườn bướm) khoảng hơn 3,26ha. Khu này sẽ có sự hỗ trợ từ dự án thử nghiệm nghiên cứu, chuyển giao KHCN ở huyện Phong Điền với 17ha, do Viện Hàn lâm KHCN xây dựng. Giai đoạn 2020-2025 sẽ xây dựng nhà trưng bày mẫu vật, khu dịch vụ giải trí và chiếu phim 4D. Sau năm 2030 sẽ đề xuất các hạng mục tiếp theo, như xây dựng khu thủy vực “Thế giới thủy sinh đầm phá” để trưng bày nguồn đa dạng sinh học của hệ đầm phá ven biển tiêu biểu trong 12 đầm phá nhiệt đới ven bờ của Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á.

Ông Phan Mãn cho biết, đơn vị đã tổ chức nhiều hội thảo, tham quan học tập nghiên cứu nhiều nơi để có kinh nghiệm trong quản lý, xây dựng BTMT. Tuy vậy, cái vướng trong quá trình xây dựng là do kinh phí hạn chế và nguồn nhân lực mỏng chỉ có 6 cán bộ. Do đó rất khó quản lý và đẩy nhanh việc triển khai các hạng mục trong BTMT. “Để BTMT về đích đúng hẹn, rất cần sự quan tâm, phối hợp hỗ trợ của các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương, không chỉ nguồn vốn mà cả nhân lực con người” - ông Mãn nói.

Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Đến bảo tàng để thêm yêu văn hóa truyền thống

Bảo tàng Mỹ thuật Huế không chỉ là không gian trưng bày các triển lãm thu hút công chúng tham quan, mà những năm qua, nơi này đã trở thành điểm đến như một trường học trải nghiệm cho các em học sinh. Không chỉ hiểu thêm về nghệ thuật như hội họa, sắp đặt…, các em còn được nhập vai để cho ra tác phẩm theo cách của riêng mình.

Đến bảo tàng để thêm yêu văn hóa truyền thống
Góp phần xây dựng cổng trường an toàn

Hình ảnh nhiều phụ nữ, đoàn viên thanh niên, cựu chiến binh tổ chức kẻ vẽ nơi đậu xe cho phụ huynh trước các cổng trường được nhiều người tấm tắc khen. Dù chỉ là những việc làm nhỏ, nhưng góp phần làm cho cổng trường thực sự là nơi an toàn đối với học sinh.

Góp phần xây dựng cổng trường an toàn
Kết nối cùng thiên nhiên

Thừa Thiên Huế lưu dấu với du khách không chỉ có những giá trị văn hóa đặc biệt mà còn hấp lực bởi cảnh quan thiên nhiên khi muốn trải nghiệm...

Kết nối cùng thiên nhiên
Return to top