ClockThứ Hai, 27/05/2019 05:15

Xây dựng chợ sạch, văn minh

TTH - Chợ truyền thống cần "cải tổ" để cạnh tranh với các loại hình kinh doanh hiện đại. Trong đó, việc giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng chợ khang trang, văn minh là một trong những mục tiêu mà đơn vị quản lý và tiểu thương quan tâm.

Trách nhiệm thuộc về Ban Quản lý chợ“Thay áo” sau chuyển đổi mô hình quản lý chợ

Đặc thù của chợ truyền thống là tiêu thụ chủ yếu thực phẩm tươi sống nên rác thải, nước thải phát sinh là điều không tránh khỏi (Trong ảnh: Hoạt động mua bán tại chợ An Cựu-TP. Huế)

Thiếu hạ tầng về môi trường

Hạn chế tình trạng rác thải chồng chất từ hoạt động của chợ Bến Ngự (TP. Huế), Ban quản lý (BQL) chợ bố trí, sắp xếp lại điểm tập kết rác, hợp đồng người thu gom và vận chuyển rác sau mỗi buổi chợ. Về cơ bản đã khắc phục được tình trạng nhếch nhác, ô nhiễm do rác. Tuy nhiên, những chợ có điều kiện và kịp thời khắc phục tình trạng ô nhiễm rác thải như chợ Bến Ngự không nhiều.

Toàn tỉnh hiện có 154 chợ đang hoạt động; trong đó 4 chợ hạng 1, 20 chợ hạng 2 và 130 chợ hạng 3. Đối với các chợ hạng 2 trở lên, có 2 chợ do doanh nghiệp quản lý, 4 chợ do HTX quản lý và 18 chợ do BQL chợ quản lý. Đối với chợ hạng 3, có 52 chợ do tổ quản lý; 53 chợ khoán cho 1 người quản lý hoặc không có người quản lý. Rất nhiều chợ đã được xây dựng từ cách đây ba, bốn chục năm, thậm chí nhiều chợ chỉ là tạm bợ..., nên vấn đề môi trường chưa được quan tâm. Cả một số chợ mới được xây dựng và cải tạo sau này cũng chưa tính đến việc đầu tư các công trình bảo vệ môi trường (BVMT).

Theo kết quả khảo sát của Sở Công thương năm 2018, môi trường không khí tại các chợ chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm. Tuy nhiên, mùi hôi tại các vị trí tập kết rác thải gây ô nhiễm, ảnh hưởng cảnh quan môi trường.

Nước thải tại các chợ chủ yếu phát sinh từ hoạt động kinh doanh và sinh hoạt của tiểu thương, từ cặn bã thực vật, rau quả, giấy, các chất hữu cơ… Kết quả lấy mẫu, phân tích nước thải 20 chợ trên địa bàn tỉnh với 10 chỉ tiêu cho thấy hầu hết nước thải của các chợ đều không đạt quy chuẩn cho phép, nhất là các chỉ tiêu oxy hóa sinh, tổng rắn lơ lửng, amoni và tổng coliform đều vượt giới hạn cho phép so với quy chuẩn do hầu hết chưa được xử lý trước khi thải ra môi trường hoặc vào hệ thống thoát nước của khu vực.

Gắn giữ sạch môi trường với kinh doanh

Các chợ truyền thống chủ yếu trao đổi hàng hoá thực phẩm tươi sống thiết yếu hàng ngày. Đặc thù này phát sinh nhiều rác thải, nước thải. Vì thế, nếu đòi hỏi không có rác ở chợ sẽ rất khó. Vấn đề là BQL các chợ cần tổ chức thu gom, vận chuyển rác thải, vệ sinh chợ đảm bảo yêu cầu về mỹ quan, môi trường và bố trí các gian hàng kinh doanh hợp lý.

Đến nay, có 91,3% chợ đã có các hoạt động thu gom và xử lý chất thải rắn nhưng hình thức xử lý phần lớn chưa phù hợp, chưa đúng quy định. Hiện còn 45,7% chợ tự thu gom và xử lý, 33,3% chợ tự thu gom và thuê xử lý, 12,3% thuê thu gom và xử lý. Số lượng các chợ có công tác thu gom và xử lý chất thải nguy hại rất hạn chế, chỉ chiếm 11,6% trong tổng số các chợ.

Ông Nguyễn Lương Bảy, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, trong bộ tiêu chí xây dựng chợ VMTM, chợ an toàn vệ sinh thực phẩm có tiêu chí về vệ sinh môi trường. Để đạt tiêu chí này, chính quyền địa phương trực tiếp quản lý, BQL các chợ phải đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo phục vụ môi trường, như: hệ thông thoát nước và xử lý nước thải, trang thiết bị thu gom, vận chuyển rác thải, bố trí khu vực tập trung rác hợp lý... Phong trào "Ngày Chủ nhật xanh", "Nói không với túi ni lông, đồ nhựa sử dụng 1 lần" nên được "gõ" đến từng chị em tiểu thương để hưởng ứng thực hiện, từng bước giảm lượng chất thải rắn phát sinh tại chợ.

Trong tương lai, khả năng chuyển đổi các chợ truyền thống sang mô hình trung tâm thương mại, hoặc kết hợp giữa chợ với trung tâm thương mại là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng.

Hiện toàn tỉnh có 67,4% chợ chưa có các thủ tục pháp lý ban đầu và các thủ tục pháp lý về môi trường; 82,6% chợ chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải; 17,4% có hệ thống thu gom và thoát nước nhưng chưa đồng bộ (chỉ có khả năng thoát nước thải, chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải).

Bài, ảnh: Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Góp phần xây dựng cổng trường an toàn

Hình ảnh nhiều phụ nữ, đoàn viên thanh niên, cựu chiến binh tổ chức kẻ vẽ nơi đậu xe cho phụ huynh trước các cổng trường được nhiều người tấm tắc khen. Dù chỉ là những việc làm nhỏ, nhưng góp phần làm cho cổng trường thực sự là nơi an toàn đối với học sinh.

Góp phần xây dựng cổng trường an toàn
Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

Chiều 8/4, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị để nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 và thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

TIN MỚI

Return to top