ClockThứ Sáu, 08/04/2016 13:46

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất

TTH - Trong những ngày qua, vấn đề an toàn thực phẩm “nóng” cả trên diễn đàn Quốc hội lẫn ngoài xã hội, khiến mọi người bức xúc, nhưng câu hỏi làm gì và khi nào người dân mới an tâm với thực phẩm sạch vẫn đang là thách thức.

Kiểm soát nỗi sợ hãi

Thực phẩm là loại hàng hóa ai cũng phải sử dụng hàng ngày, gắn liền với sức khỏe, tính mạng của mọi người. Do vậy, những thông tin về thực phẩm có chứa tồn dư kháng sinh, sử dụng hóa chất bị cấm trong nuôi trồng, chế biến luôn khiến người tiêu dùng nơm nớp lo sợ. Phát biểu tại hội trường Quốc hội ngày 1/4 mới đây, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) phải chua xót: Vấn nạn thực phẩm bẩn đã đẩy người dân vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”: không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy”.

Trong thực tế, không ít người vì hám lợi trước mắt, cộng với sự tiếp sức của các đầu nậu buôn bán, họ sử dụng hóa chất độc hại trong nuôi trồng. Chưa kể một số trường hợp do thiếu kiến thức, họ trị bệnh cho vật nuôi theo kiểu trị bệnh cho người thế nào thì áp dụng cho vật nuôi như thế. Với cách nghĩ đó, họ vô tư sử dụng chất kháng sinh trong chăn nuôi. Hệ lụy, họ không chỉ đầu độc người tiêu dùng mà còn hại chính mình, gây thiệt hại cho người làm ăn chân chính do mất tin tưởng của người tiêu dùng với thực phẩm...

Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, cơ quan báo chí đã phát hiện một số cơ sở sử dụng các chất cấm trong sản xuất, chăn nuôi, chế biến thực phẩm, như sử dụng Salbutamol để tạo nạc cho heo- chất có tác hại lớn đối với con người; tiêm thuốc an thần cho heo; sử dụng chất Auramine O (vàng ô) trộn vào thức ăn chăn nuôi cho gà trong thời gian vỗ béo. Mới đây nhất là Đà Nẵng, Vinh phát hiện sử dụng chất vàng ô để ngâm làm cho măng có màu sắc bắt mắt hơn. Và còn rất nhiều vụ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản, sử dụng hóa chất trong trồng trọt, sử dụng nước nhiễm bẩn để chăm sóc, sơ chế rau đang diễn ra âm thầm…

Tác hại của thực phẩm bẩn đã rõ, hành lang pháp luật về an toàn thực phẩm khá đầy đủ, các cơ quan chức năng cũng vào cuộc, người tiêu dùng đã “nói không” với thực phẩm bẩn, nhưng thực phẩm bẩn vẫn tràn lan. Điều này cho thấy, việc tổ chức thực thi luật còn nhiều yếu kém. Đơn cử, chất Salbutamol- chất có hại với con người khi làm thức ăn chăn nuôi bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấm nhập, trong khi đó Bộ Y tế cho nhập để làm thuốc chữa bệnh, nhưng không quản lý tốt dẫn đến việc sử dụng tràn lan trong chăn nuôi. Hoặc trường hợp chủ cơ sở ở Bình Dương bị bắt quả tang tiêm thuốc an thần Prozil fort (chất cấm) vào hàng trăm con heo chỉ bị xử phạt 10,5 triệu đồng là quá nhẹ so với lợi nhuận họ kiếm được từ việc làm phi pháp. Hy vọng, từ 1/7 tới đây, khi Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực, với mức xử phạt cao nhất đến 500 triệu đồng và phạt tù đến 20 năm đối với những người có hành vi sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gây hậu quả nghiêm trọng sẽ có sức răn đe mạnh hơn, góp phần ngăn chặn việc sử dụng chất cấm.

Điều quan trọng hơn, để đẩy lùi thực phẩm bẩn cần xây dựng chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ thực phẩm an toàn giúp người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng, thuận lợi và thúc đẩy tiêu thụ bền vững. Thực tế hiện nay, chuỗi liên kết này còn quá ít và quá yếu so với nhu cầu của người tiêu dùng. Ngay trên địa bàn Thừa Thiên Huế, con số này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay và tập trung ở đô thị, còn khu vực nông thôn hầu như còn bỏ ngỏ. Một kinh nghiệm hay ở Hà Tĩnh là thực hiện “3 hóa” trong sản xuất nông nghiệp (liên kết hóa, xã hội hóa và doanh nghiệp hóa), từ đó xây dựng được các mô hình vừa tập trung, vừa phân tán, tạo ra giá trị mới, sản phẩm mới cho xã hội. Tất nhiên, để nhân rộng mô hình này còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ, nhưng đây là xu thế tất yếu trong sản xuất hàng hóa và là giải pháp rút ngắn hơn con đường đưa thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng.

Hoàng Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng. Tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Một thành phố trực thuộc Trung ương đang được hình thành, và Huế hứa hẹn sẽ trở thành nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4 Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

TIN MỚI

Return to top