ClockThứ Sáu, 23/09/2016 13:56

Xây dựng thương hiệu sản phẩm: Các làng nghề chưa mặn mà

TTH - Việc xây dựng thương hiệu chưa được nhiều làng nghề quan tâm và đầu tư đúng hướng, khiến sản phẩm làng nghề chưa được đăng ký và quảng bá rộng rãi.

Từ nay đến năm 2020, trà Cung đình Huế sẽ được ưu tiên xây dựng nhãn hiệu tập thể

Bỏ ngỏ

Làng nghề chế biến thủy hải sản An Dương ở xã Phú Thuận (Phú Vang) hình thành từ hàng trăm năm trước. Với trên 100 hộ dân tham gia chế biến các loại nước mắm, ruốc, các loại mắm, cá, mực khô quy mô hộ gia đình, song khi nhắc đến việc xây dựng thương hiệu và đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm làng nghề, nhiều người vẫn chưa mặn mà. “Nghề cha truyền con nối, đánh bắt được chừng nào thì chế biến chừng đó. Sản phẩm làm ra đem ra chợ bán, rồi thông qua người quen đưa vào tận TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Quảng Bình tiêu thụ. Cứ ngon, giá cả hợp lý là có người mua chứ cần chi phải đăng ký thương hiệu cho rườm rà, tốn kém”, chị Nguyễn Thị Tú ở làng An Dương nói.

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận Nguyễn Quang Dân băn khoăn: “Chế biến thủy hải sản là nghề chính của người dân nơi đây, mặc dù chính quyền địa phương đã nỗ lực trong công tác phát triển nghề, song do các hộ dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, đến nay nhiều sản phẩm của làng nghề vẫn chưa có nhãn mác nên sức tiêu thụ chưa cao và khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại”.

Một số sản phẩm làng nghề như nón lá Mỹ Lam, hoa giấy Thanh Tiên (Phú Vang), gốm Phước Tích, đệm bàng Phò Trạch, mộc Mỹ Xuyên (Phong Điền), đan lát Bao La, Thủy Lập (Quảng Điền), dầu tràm Lộc Thủy (Phú Lộc)… mặc dù tiêu thụ tốt, song có khá nhiều sản phẩm vẫn chưa đăng ký thương hiệu khiến công tác xúc tiến thương mại, quảng bá chưa hiệu quả. “Qua khảo sát, hiện có khá nhiều sản phẩm chưa được đăng ký nhãn hiệu do các cơ sở sợ tốn kinh phí, trong khi đó có một số sản phẩm đi đăng ký thương hiệu nhưng không đạt vì không đáp ứng các tiêu chí, khiến việc đưa sản phẩm vào siêu thị hoặc giới thiệu tại các hội chợ trong và ngoài nước gặp khó khăn”, Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại- Nguyễn Lương Bảy chia sẻ.

Một rào cản khá phổ biến, khiến công việc xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm làng nghề còn khó khăn là do sản phẩm làng nghề chủ yếu sản xuất thủ công, manh mún, nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình và “mạnh ai nấy làm” nên sự gắn kết giữa các hộ trong làng nghề chưa cao. Trong khi việc đầu tư máy móc hiện đại và khâu giới thiệu, quảng bá sản phẩm phải mất nhiều chi phí.

Định hướng

Hiện toàn tỉnh đã xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm như đúc đồng, nón lá, tôm chua, bún bò Huế. Tỉnh còn khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các nhãn hiệu tập thể ở địa phương như nhãn hiệu tập thể gạo đỏ Quảng Điền, rau má Quảng Thọ, rượu làng Chuồn, gạo thơm Thủy Thanh, dưa hấu Vinh Lộc…, góp phần hình thành thương hiệu cho nhiều sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề.

Toàn tỉnh hiện có 88 làng nghề, trong đó có 69 làng nghề truyền thống, 8 làng nghề tiểu thủ công nghiệp và 11 làng nghề mới du nhập với trên 2.600 cơ sở sản xuất.

Theo Ban chỉ đạo thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng tỉnh, từ nay đến năm 2020, ưu tiên xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm ruốc Huế, trà cung đình, dầu tràm, pháp lam Huế; đăng ký bảo hộ thương hiệu ra nước ngoài đối với nhãn hiệu tập thể mè xửng Huế. Đối với các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý đã được xác lập, tỉnh tổ chức quản lý, khai thác và phát triển tốt thương hiệu các sản phẩm đặc trưng này.

Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh cho biết: “Năm 2016 và những năm tiếp theo, Sở sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT tăng cường công tác bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, đồng thời tập trung khâu quảng bá sản phẩm và hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề. Với tổng kinh phí gần 145 tỷ đồng đầu tư cho hoạt động khuyến công giai đoạn 2016-2020, sắp tới nhiều làng nghề tiếp tục được hỗ trợ máy móc thiết bị, đào tạo nghề và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề”.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Dấu carbon” trên sản phẩm

Khi ý thức được “dấu carbon” trên sản phẩm, mỗi người sẽ chọn được hướng đi, một lối sống, sinh hoạt phù hợp hơn...

“Dấu carbon” trên sản phẩm
Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Góp phần xây dựng cổng trường an toàn

Hình ảnh nhiều phụ nữ, đoàn viên thanh niên, cựu chiến binh tổ chức kẻ vẽ nơi đậu xe cho phụ huynh trước các cổng trường được nhiều người tấm tắc khen. Dù chỉ là những việc làm nhỏ, nhưng góp phần làm cho cổng trường thực sự là nơi an toàn đối với học sinh.

Góp phần xây dựng cổng trường an toàn

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top