ClockThứ Năm, 14/09/2017 13:21

Xếp hạng đúng giúp các trường “tự nhìn lại mình”

TTH - Bảng xếp hạng đại học (ĐH) do nhóm chuyên gia độc lập công bố ngày 6/9 đang có nhiều ý kiến trái chiều về tính chính xác, khách quan. Liên quan vấn đề này, TS. Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc ĐH Huế, chia sẻ với Thừa Thiên Huế Cuối tuần: “Phải khẳng định xếp hạng đại học là cần thiết và xếp hạng đúng sẽ giúp các trường “tự nhìn lại mình”.

TS. Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc Đại học Huế

Theo TS. Tùng, ở nhiều quốc gia, đánh giá xếp hạng ĐH đã được quan tâm từ rất sớm và có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống giáo dục của quốc gia đó. Hiện nay, đó cũng là xu hướng của giáo dục ĐH nhiều quốc gia trên thế giới.

Việc nhóm chuyên gia độc lập tiến hành công việc tương tự theo ông có cần thiết không khi một trong những căn cứ để xếp thứ hạng của họ là thành tích của công bố quốc tế?

Hiện nay, có rất nhiều trang web, tổ chức nước ngoài thực hiện xếp hạng các trường ĐH trên thế giới. Về xếp hạng ĐH ở Việt Nam hiện tại, tôi được biết có hai bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH được nhiều người biết đến nhất là Webometrics của Phòng thí nghiệm Cybermetrics và Scientometrics for Vietnam của Nhóm trắc lượng khoa học Việt Nam.

Công bố xếp hạng ĐH của nhóm chuyên gia độc lập có căn cứ vào thành tích của công bố quốc tế, nhưng họ cũng có phương pháp nghiên cứu, xếp hạng riêng, trên nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, trong đó có cẩm nang tuyển sinh hay báo cáo “Ba công khai” của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng nhiều nguồn dữ liệu khác. Tiêu chí xếp hạng của họ cũng có những khác biệt nhất định so với các xếp hạng của một số tổ chức khác.

Theo tôi, việc nhóm chuyên gia độc lập tiến hành nghiên cứu, xếp hạng ĐH là cần thiết. Mỗi xếp hạng có cách đánh giá khác nhau, hướng tới mục đích để các trường “tự nhìn lại mình”. Các xếp hạng như là một thước đo, dĩ nhiên mang tính tương đối nhưng là cơ sở thông tin để các trường tham khảo, kịp thời điều chỉnh chiến lược đào tạo cũng như xây dựng, phát triển đơn vị mình. Và, xếp hạng vừa công bố cũng vậy.

Theo công bố xếp hạng đã nói, ĐH Huế có thứ hạng 8/49. Ông đánh như thế nào về kết quả này? Theo ông, tiêu chí nào chưa đúng về ĐH Huế?

Thật khó để khẳng định thứ hạng 8/49 của ĐH Huế như công bố là phù hợp hay chưa, vì điều này phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, tôi cho rằng, xếp hạng chỉ mang tính tương đối, kết quả được thể hiện qua các số liệu tổng hợp cần thiết từ nhiều nguồn, chưa phản ánh chính xác, đầy đủ chất lượng.

Hơn nữa, dữ liệu thông tin còn phân tán, số liệu ĐH Huế công bố trong một số trường hợp chưa thực sự đầy đủ. Nhất là số liệu các công trình nghiên cứu được công bố quốc tế chưa cập nhật hết. Trong trường hợp này là số liệu thật bị giảm nên vị thứ xếp hạng có thể bị giảm so với thực chất.

ĐH Huế là ĐH vùng, trong khi 49 trường được xếp hạng có mô hình ĐH không thống nhất (ĐH Quốc gia, ĐH vùng, trường ĐH). Liệu khi xếp hạng, “sai số” sẽ lớn?

Bảng xếp hạng tổng thể các trường đại học Việt Nam. Ảnh: Internet​

Mô hình đào tạo cũng như đặc trưng ngành nghề đào tạo cũng khó thống nhất khi xếp hạng. ĐH Quốc gia, ĐH vùng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực trong khi các trường ĐH thường đào tạo đơn ngành. Ở những đơn vị đào tạo đa ngành, có một số ngành thuộc về nghệ thuật, khoa học xã hội nhân văn là ngành đặc thù khó có những nghiên cứu công bố quốc tế. Đây chính là những điểm gây khó cho quá trình xếp hạng nếu xếp hạng ĐH có các mô hình ĐH không thống nhất.

Sau khi công bố xếp hạng ĐH, có ý kiến cho rằng, ĐH Huế được xếp thứ 3 về tiêu chí giáo dục đào tạo là khó chấp nhận vì đây là trường có tuyển đầu vào ngành sư phạm rất thấp. Theo ông, với quy mô ĐH vùng (không chỉ có riêng trường sư phạm), ý kiến trên đã thực sự chính xác?

Cần phải nói rõ, dư luận về điểm chuẩn một số ngành sư phạm thấp vừa qua là do cách quy đổi điểm chuẩn của Bộ GD&ĐT theo thang điểm khác với mọi năm và hoàn toàn không dưới điểm sàn. Thực tế, lượng thí sinh ở mức điểm đó cũng rất ít. Đối với ngành sư phạm, ngoài điểm chuẩn cao, sự đam mê với nghề sư phạm của thí sinh cũng cần được trân trọng. Những năm qua, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế là đơn vị đào tạo có thương hiệu, nhiều ngành lấy điểm chuẩn cao. Quan trọng nhất là khi sinh viên ra trường, các đơn vị tuyển dụng đánh giá rất tốt.

ĐH Huế là ĐH vùng, gồm 8 trường thành viên, 2 khoa trực thuộc, 1 phân hiệu. Công bố của nhóm nghiên cứu độc lập dựa trên mặt bằng chung của các đơn vị, không thể lấy một đơn vị để đánh giá cả ĐH Huế. Vì vậy, ý kiến trên theo tôi chưa chính xác.

Quan điểm của ông là công bố xếp hạng ĐH rất cần thiết. Điều này mang lại lợi ích gì cho ĐH Huế?

Tôi ủng hộ việc công bố xếp hạng ĐH. Xếp hạng đúng giúp các trường “tự nhìn lại mình”. Mỗi công bố xếp hạng có những điểm hay nếu các trường chịu khó nhìn nhận. Công bố xếp hạng ĐH là cơ sở để các trường tham khảo, nhìn lại chiến lược đào tạo của mình, những mặt được để phát huy, những mặt chưa được để kịp thời điều chỉnh. Đó là cơ sở công khai để người học nhìn nhận, lựa chọn ngôi trường ĐH mình sẽ học. Cũng cần phải nói thêm, lợi ích này chỉ thực sự rõ ràng khi xếp hạng đó đúng và được nghiên cứu rất kỹ lưỡng.

Nhưng ĐH Huế là ĐH vùng, trong khi xếp hạng không nói riêng từng trường thành viên, sẽ khó cho các trường, khoa thuộc ĐH Huế “tự nhìn lại mình”?

Chưa hẳn là thế. Chúng tôi luôn xem xếp hạng, đánh giá của các tổ chức là thước đo để đưa ra chiến lược phát triển. ĐH Huế là ĐH vùng, mái nhà chung của 11 đơn vị thành viên. Trong các hội nghị liên quan, chúng tôi vẫn “mổ xẻ” các xếp hạng và thẳng thắn trao đổi với các trường. Nhờ đó, các đơn vị thành viên vẫn có thể “tự nhìn lại mình”.

Theo ông, để đưa ra xếp hạng chính xác, cần những giải pháp nào?

Theo tôi, giải pháp phải đến từ nhiều phía. Đầu tiên, Bộ GD&ĐT cần đưa ra các chuẩn để phục vụ cho việc phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH. Các tổ chức đánh giá cần xây dựng những tiêu chí cụ thể, nguồn số liệu phải thực sự chính xác. Các nhóm nghiên cứu cũng cần lưu ý đến việc khảo sát các nhà tuyển dụng, cựu sinh viên và điều quan trọng hơn là phải có sự phản hồi, trao đổi từ phía cơ sở được đánh giá.

Phía đơn vị được đánh giá phải công khai, minh bạch số liệu chính xác, điều này phải xem lại hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu. Với các trường ĐH Quốc gia, ĐH vùng có thể khó hơn, nhưng quyết tâm sẽ làm được.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

HỮU PHÚC (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xếp hạng cho các di tích

Hội đồng xét duyệt hồ sơ di tích lịch sử - văn hóa ngày 26/1 dưới sự chủ trì của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng đã họp thông qua hồ sơ xếp hạng cho các di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.

Hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xếp hạng cho các di tích
Return to top