ClockThứ Hai, 27/03/2017 14:10

Xin hãy nhẹ tay

TTH - Quy định phải cách gốc 1,5m, đơn vị thi công lại đào cách gốc chỉ 50cm. Đào gần và đào sâu mà không làm tổn hại bộ rễ- trừ “rễ cám”- là điều khó thuyết phục, trừ phi cả hàng cây... không có cái rễ nào mọc về phía bị đào.

Nếu hỏi con đường nào là đẹp nhất ở Huế, có lẽ, mười người sẽ gần như cả chục đáp ngay: Đường Lê Lợi!

Có cây đã buộc phải chống đỡ thế này để khỏi đổ ngã.

Đường Lê Lợi không dài lắm, áng chừng 2 cây số, chạy dọc bờ nam sông Hương, kéo từ cầu Ga cho đến Đập Đá. Dọc 2 bên con đường xinh đẹp này tọa lạc nhiều công sở, trường học, khách sạn như: Đại học Huế, Khách sạn La Residence (một thời là dinh thự của thống đốc Pháp tại Huế), các trường: Quốc Học, Đồng Khánh-Hai Bà Trưng, Trung tâm dịch vụ du lịch Festival (mà người Huế vẫn quen gọi là “Sẹc”), nhà văn hóa Huế, Khách sạn Morin, Đại học Sư phạm... Toàn những kiến trúc không cũ theo thời gian mà thậm chí còn ngược lại, càng ngày càng đẹp, càng quý. Tuy vậy, tạo nên hồn cốt cho con đường này cần phải kể đến đôi hàng cây, mà đa phần là cây long não, quanh năm tình tự chụm đầu vào nhau che mát cho cả tuyến đường. Long não là loài cây quý, dáng thế dễ thương, bộ lá xanh và sáng tựa màu ngọc, hương thơm dễ chịu và có khả năng giúp sát khuẩn cho bầu không khí. Tuy nhiên, đây là loài cây lớn chậm. Theo ước tính, để có hàng cây như ở đường Lê Lợi, ít nhất cũng phải mất cả trăm năm. Hàng cây đã in đậm vào tâm thức của mỗi người Huế và không ai có thể tưởng tượng được Huế sẽ như thế nào, đường Lê Lợi sẽ như thế nào nếu mất đi đôi hàng long não. Bởi vậy, khi có một cây bị đổ ngã hay bỗng dưng chết đi, người ta thấy hẫng hụt, tiếc thương, cảm giác như thể mất đi một cái gì ruột thịt vậy. 

Cũng bởi thế nên những ngày qua, khi thấy người ta đã gỡ lề, đào mương, đúc cống ngay sát những gốc cây long não tuyến đường Lê Lợi để thi công công trình thoát nước đô thị, rất nhiều người đã thảng thốt lo cho sự “an nguy” của hàng long não. Sự quan tâm của dư luận buộc báo Thừa Thiên Huế phải thực hiện một trang chuyên đề về vấn đề này. Theo dõi nội dung, thấy ý kiến từ những người có trách nhiệm liên quan nói để phục vụ thi công hệ thống thoát nước thì đây là điều bất khả kháng; là rễ nhánh, rễ cọc vẫn được bảo vệ, chỉ tổn hại rễ cám, mà rễ cám thì không tác động lắm đến sinh trưởng của cây.

Riêng ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Ban quản lý Dự án cải thiện môi trường nước Tp. Huế, còn khẳng định đại ý, từ trước đến nay “chưa có cây xanh nào chết” do thi công hạ tầng đô thị hay hệ thống thoát nước v.v... Nói chung, tất cả đều mang tính động viên và trấn an dư luận. Tuy nhiên, với không ít người, trong đó có bản thân người viết, vẫn thấy không được yên lòng. Làm sao thiết kế quy định phải đào cách gốc 1,5m, đơn vị thi công lại đào cách gốc chỉ 50cm. Đào gần và đào sâu như thế mà không làm tổn hại bộ rễ, ít nhất là hệ thống rễ nhánh, là điều khó thuyết phục, trừ phi cả hàng cây... không có cái rễ nhánh nào mọc về phía đào cống(?!!). Ông giám đốc ban quản lý dự án cải thiện môi trường nước trấn an không có cây chết, nhưng ông có dám khẳng định rằng sẽ không có cây đổ? Hãy thử đến hiện trường mà xem, đã có cây có nguy cơ đổ ngã, sợ gây họa cho người đi đường, đơn vị thi công buộc phải dùng những cọc thép chống tạm. Đang “trời yên biển lặng” mà còn thế, tháng gió ngày mưa chuyện gì sẽ xảy ra?

Khi đặt bút viết những dòng này, đoạn thi công đã kéo dài từ hàng rào phía trên của Bảo tàng Hồ Chí Minh cho đến bia Quốc Học. Ở đoạn này, “người ngoại đạo” nhìn vào cũng có thể nghĩ ngay, nếu công trình chỉ cần tịnh tiến vào phía trong công viên một vài mét thì sẽ rất tốt.  Yên tâm cho hàng long não mà cũng tránh được làm tổn hại lề đường Lê Lợi- lề đường được đầu tư đồng bộ, quy mô và sang trọng nhất đầu tiên của Huế; công trình từng được chủ đầu tư tuyên bố là vĩnh viễn sẽ không bị đào xới sau khi làm xong (do trước đó đã có sự phối hợp đồng bộ để các ngành, các doanh nghiệp có hạ tầng ngầm đầu tư, thi công hoàn chỉnh công trình của mình trước, sau đó mới xây dựng lề đường, bó vỉa).

Dự án cải thiện môi trường nước vẫn đang còn tiếp tục triển khai. Không rõ đối với đường Lê Lợi thì đã xong chưa, nhưng chắc chắn là sẽ có thêm nhiều sự đào xới ở nhiều tuyến đường khác nữa. Bởi thế, cũng như nhiều người dân Huế khác, chúng tôi cầu mong những đơn vị hữu quan hãy “thương tình” mà nhè nhẹ tay với những hàng cây đô thị. Bởi đó không chỉ là lá phổi, là cảnh quan, mà còn là một phần của di sản, một phần của linh hồn của thành phố núi Ngự sông Hương...

Huy Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sự nghiêm khắc cần thiết của hành khách

Trong số những hành vi gây mất an toàn giao thông, việc vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông hàng đầu…

Sự nghiêm khắc cần thiết của hành khách
Sáng kiến cảm động

Ở đây xin không bàn sâu chuyện hay - dở khi xây dựng lăng mộ cho người chết, chỉ xin nói về một tấm lòng luôn nghĩ cho người nghèo...

Sáng kiến cảm động
Trả nợ kiểu... quái dị

Bà Sương ở một mình, chẳng làm lụng gì nhưng nhờ cháu chắt đứa nào cũng thương, thỉnh thoảng gửi ít kinh tài trợ giúp nên sống cũng phong lưu.

Trả nợ kiểu  quái dị
Sẽ là một không gian không dễ bỏ qua

“Ba, cho con đi đường sách chơi đi”. Thằng bé nhà tôi yêu cầu sau khi hoàn tất kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Tất nhiên là tôi rất sẵn lòng. Hai cha con thắng bộ, lên xe và thẳng tiến về đường sách Hai Bà Trưng. Đến nơi, thằng bé lập tức sà vào mấy cái giá sách để truyện cổ tích, truyện tranh để chọn, rồi ra một góc ngồi ngấu nghiến.

Sẽ là một không gian không dễ bỏ qua
Chụp & gọi (?!!)

Chiều muộn, nhưng còn 2 cô đồng nghiệp đang nhỡ việc chưa xong, anh và bác tài đành phải nán lại chờ để về cùng xe.

Chụp  gọi
Return to top