ClockThứ Năm, 01/09/2016 06:11

Xóa “Bức tường ô nhục”

TTH - Từ phía cửa Thượng Tứ đi ra Cửa Hậu (cửa Chính Bắc), qua khỏi Cầu Kho sẽ thấy một bức tường thành phía bên trái, không ít người- nhất là những người trẻ, những người mới lần đầu đến Huế- sẽ rất lấy làm lạ không hiểu bức tường ấy là cái gì, thuộc kiến trúc nào của Kinh thành Huế? Xin được thưa, nó vốn là một bức tường của đồn Mang Cá ngày trước. Và gắn với nó là câu chuyện bi tráng một thời lịch sử...

1-Đường Cầu Kho-Cửa Hậu chính thức tái khai thông tháng 12/2012

Mang Cá, đó là tên gọi dân gian quen dùng để chỉ Trấn Bình Đài- một khu thành nhỏ nhưng có vai trò cực kỳ quan trọng về mặt quân sự, trấn giữ vị trí “yết hầu” cho kinh đô- được xây dựng từ thời Gia Long ở góc Đông Bắc Kinh thành Huế (về sau người Huế còn dùng danh xưng Mang Cá lớn, Mang Cá nhỏ để phân biệt vùng Trấn Bình Đài với khu nhượng địa mới do những biến động lịch sử mà chúng tôi sắp đề cập). Trong tiến trình xâm lược Việt Nam, biết rõ tầm quan trọng của Trấn Bình Đài, thực dân Pháp đã cố tìm cách chiếm hữu cho bằng được. Sau khi đã tấn công đánh chiếm Trấn Hải Thành ở Thuận An (1883), một năm sau, bằng Hòa ước Giáp Thân (hay còn gọi là Hòa ước Patenôtre -1884), với việc Nam triều “công nhận và chấp nhận sự bảo hộ của Pháp”, chấp nhận để “Một Tổng Khâm sứ, đại diện Chính phủ Pháp cư trú trong thành Huế với một đội hộ tống quân sự”, thực dân Pháp đã buộc triều đình nhà Nguyễn phải nhượng Trấn Bình Đài lại cho chúng chiếm giữ.

2-Dấu tích “bức tường ô nhục”

Đêm mồng 4 rạng mồng 5/7/1885 (22 rạng 23 tháng 5 Ất dậu), phe chủ chiến của triều đình dưới sự lãnh đạo của 2 đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã bất ngờ nổ súng tấn công Pháp. Cuộc tập kích bất thành, vua Hàm Nghi và Tam cung được hộ giá xuất bôn hạ chiếu Cần Vương. Sau sự kiện đó, Pháp đã đưa Kiên Giang Quận công Nguyễn Phúc Ưng Đường lên ngôi, lấy hiệu là Đồng Khánh; đồng thời, yêu sách mở rộng khu “nhượng địa” Mang Cá với lý do chúng phải tăng cường lực lượng phòng thủ, khuôn viên Trấn Bình Đài đã quá chật hẹp, không đủ chỗ cho lực lượng tăng cường đồn trú. Trong sách “700 năm Thuận Hóa-Phú Xuân-Huế” (NXB Trẻ-2009), nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đề cập về sự kiện này như sau: “... Sau nhiều lần thương lượng, cuối cùng bằng một văn thư đề ngày 2 tháng 7 năm Đồng Khánh nguyên niên (29/7/1886) của viện Cơ Mật, triều Nguyễn cắt thêm đất làm nhượng địa cho Pháp. Khu nhượng địa Mang Cá nhỏ (Trấn Bình Đài- TG) nới rộng ra đến đoạn đường Lục Bộ nối liền Cầu Kho với cửa Chính Bắc (Cửa Hậu). Cửa Chính Bắc cũng nằm trong giới hạn của nhượng địa. Khu nhượng địa mới này bao gồm đất của đơn vị quân đội Nam triều có tên Hậu Bảo, lao cấm cố, Tượng cuộc (nơi ở và xưởng sản xuất của thợ thủ công), Tượng Lại bái (thợ chuyên bịt đồng, bịt bạc cho nhà vua)...Đặc biệt là đất đặt dinh Quảng Đức cũ, sau là Phủ doãn Thừa Thiên....”. Khu nhượng địa mới này được dân Huế quen gọi là Mang Cá lớn, chiếm một diện tích rất rộng lớn ở góc Đông Bắc Kinh thành Huế.

Vậy nhưng, giặc Pháp vẫn chưa thỏa mãn. Sách “700 năm Thuận Hóa-Phú Xuân-Huế” cho hay, sau khi có được khu nhượng địa, người Pháp định cho đào một đoạn sông dọc theo đường ranh giới nối Ngự Hà với Hộ Thành hà phía sau Kinh thành. Nhưng triều đình thấy đây là việc làm hệ trọng nên đã lấy cớ “đứt long mạch” để ngăn cản. Không đào được sông dọc theo đoạn đường Lục Bộ như ý đồ ban đầu, Trung tướng Roques của thực dân Pháp đã cho xây một bức tường cao 4m, dài 600m, thẳng góc và tiếp giáp với mặt trong bắc Kinh thành. Công việc hoàn tất vào năm 1888. Điều đáng nói là bức tường này được xây không theo đường ranh giới đã được thỏa thuận mà người Pháp còn ngang nhiên đẩy đường ranh giới về phía tây thêm 50m nữa. Đây là “bức tường ô nhục” sau thời Kinh đô thất thủ (7/1885). Từ đó trở đi, cửa Chính Bắc chính thức bị “bế môn”, chấm dứt sự đi lại sau bảy thập kỷ kể từ lúc được hình thành. Cửa Hậu đóng đã khiến cho việc giao thương, sinh hoạt của cả vùng đất phía bắc Kinh thành Huế bị đình trệ. Tòa cổng thành oai nghi rạng rỡ một thời dần dà bị đổ nát, lối đi phong kín cỏ cây, cảnh quan trông rất buồn...

3-”Bức tường ô nhục” chạy dọc ở mé tây đoạn đường Cầu Kho-Cửa Hậu

Sau 1954, Pháp bị đánh bại rút khỏi thuộc địa, Mang Cá tiếp tục được chính quyền Sài Gòn dùng làm căn cứ quân sự. Sau 26/3/1975, nơi đây là doanh trại Quân đội nhân dân Việt Nam.

Mở lại Cửa Hậu là nguyện vọng, là nhu cầu của dân Huế, nhất là người dân sống trong khu vực Kinh thành. Nguyện vọng đó đã được Bộ Quốc phòng đáp ứng. Năm 2004, Cửa Hậu đã lại được khai thông. Và dù mới chỉ được thông phần cổng, còn lối đi thì vẫn phải rẽ lên phía tây một quãng, rồi theo đường Mang Cá, song nó vẫn đã mang lại niềm hân hoan, phấn khởi vô bờ cho người dân cố đô sau gần 120 năm cánh cổng này bị phong kín. Chính Bắc Môn cũng được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đầu tư tôn tạo, trả lại nét uy nghi vốn có như xưa. Công trình được khánh thành ngày 21/5/2004 sau 4 tháng thi công.

Hơn 8 năm sau, chiều 6/12/ 2012, thêm một sự kiện làm nức lòng dân Huế: Đường Cầu Kho- Cửa Hậu khánh thành! Với việc khánh thành đoạn đường trên, đường Đinh Tiên Hoàng đã trở lại thông tuyến như xưa, nối thẳng tắp một mạch từ cửa Thượng Tứ ra Cửa Hậu. Không chỉ cho mở thông tuyến đường, Bộ Quốc phòng- qua chủ đầu tư là Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế còn chi gần 8,4 tỷ đồng để đầu tư quy mô cho tuyến đường dài gần 550m này. Tuyến đường có mặt cắt ngang 12,8m, mặt đường rộng 7,6m. Kết cấu bê tông nhựa với đầy đủ vỉa hè, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh... bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, mỹ thuật, đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại, chỉnh trang đô thị, góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển...

Đường Đinh Tiên Hoàng ra Cửa Hậu bây giờ đông vui tấp nập. Ở mé tây, bức tường gạch cũ của đồn Mang Cá- “bức tường ô nhục” một thời nay “kết thúc sứ mạng”, nằm lặng lẽ như một chứng tích lịch sử. Nhiều lần qua về tuyến đường này, tôi tự liên tưởng và thấy vui vui. Đường Cầu Kho- Cửa Hậu đẹp đẽ, thênh thang, như biểu tượng của thành quả cách mạng, của tự do và hạnh phúc, của tương lai và phồn thịnh. Bên kia là “bức tường ô nhục”, nó gợi nhớ và nhắc nhở mỗi người hãy luôn nhớ về bài học chủ quyền, nhắc nhở mọi người phải biết trân quý, nâng niu và giữ gìn những thành quả mà cả dân tộc này đã phải đổ rất nhiều máu xương mới có được...

Diên Thống

 

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận
Return to top