ClockChủ Nhật, 21/01/2018 12:12

Xứ sở dầu thơm

TTH - Từ cây cỏ hoang dại trên vùng rú cát mênh mông Phong Điền, dưới đôi bàn tay tài hoa của người thợ - những nông dân chân chất, tinh dầu được chưng cất tỷ mẫn. Để rồi, nghề nấu dầu bưởi, cỏ hôi, riềng ở xã Phong Chương đã vươn xa khi sản phẩm tinh dầu đóng chai đã đi ra ngoại tỉnh…

Công phu nghề nấu dầu trầmHương dầu của mạBảo tồn và phát triển nghề dầu tràm ở Lộc ThủyNỗi niềm từ “thủ phủ” dầu tràmỔn định hoạt động kinh doanh dầu tràm tại chợ Đông BaKhẳng định chất lượng dầu tràm HuếBảo vệ thương hiệu dầu tràm HuếTrà, dầu tràm và ...Phú Lộc xây dựng vùng nguyên liệu tràm

Tinh dầu sả, cỏ hôi được chiết xuất tại cơ sở ông Nguyễn Văn Tấn (Phong Chương)

1 - Nhắc đến “xứ sở dầu thơm” ai cũng nghĩ đến “thủ phủ” của các loại dầu tràm, sả ở Lộc Thủy (Phú Lộc). Nhưng không. Vùng rú cát rộng hàng trăm ha ở Phong Điền không chỉ là bạt ngàn cây tràm chắn cát, mà nó còn là vùng nguyên liệu để chiết xuất ra những thứ tinh dầu độc đáo, lạ lẫm như cỏ hôi, riềng, bưởi...

Nghề nấu tinh dầu xuất hiện ở Phong Chương mới chỉ 5 năm trở lại đây với 14 lò đỏ lửa ngày đêm. Nhưng “đủ trình” để nấu dầu cỏ hôi, dầu bưởi thì chỉ mới có được 4 hộ. Để cung cấp cho những lò chưng cất dầu công suất lớn này, hàng ngày, ở Phong Chương có cả “đội quân” cơm đùm gạo bới lên vùng rú cát để khai thác cây cỏ hôi, bổi, tràm.

Ngồi trò chuyện với chủ lò Nguyễn Văn Tấn (thôn Bàu, xã Phong Chương), chốc chốc lại có những chuyến xe chở củi cùng lỉnh kỉnh đủ thứ bao bì chở cỏ hôi tươi về “nhập hàng”. Vừa bưng hai bao tạ cỏ hôi từ trên chiếc xe máy về đánh chịch giữa sân nhà, bà Nguyễn Thị Leo- một thợ chuyên cung cấp nguyên liệu thở hắt: “Từ sáng giờ chỉ chở về chừng đó thôi. Cỏ hôi tươi nặng lắm, ngày mai nếu bác nấu thì tôi chở hàng tiếp”. Khuôn mặt bà Leo như giãn ra, quên hết mệt mỏi khi ông Tấn vừa móc ra 300 nghìn trong ví ra “trả tươi” cho thành quả lao động một ngày mệt nhọc.

Bà Leo cho biết, trước đây, cỏ hôi, tràm, bổi quanh vùng rú cát này rất nhiều. Từ ngày vùng nguyên liệu ở Phú Lộc khan hiếm, dân trong đó đổ xô ra mua rất nhiều nên giờ phải đi xa hơn mới có hàng. Mỗi ngày từ sáng đến chiều, hộ bà Leo hái được chừng 2 tạ cỏ hôi được các chủ lò mua 150 nghìn đồng/tạ. Nghề hái cỏ hôi chỉ mới thịnh trong chừng 6 tháng trở lại đây khi 4 lò chưng cất tinh dầu loài cây này ở Phong Chương đi vào hoạt động. Mỗi hộ dân làm nghề này bình quân thu nhập vài trăm nghìn đồng/ngày, so với công việc đồng áng tuy không nhàn hơn song vẫn có thu nhập đều đặn.

Nhận cỏ hôi tươi vào lò để chiết xuất dầu

Do cỏ được dùng chiết xuất tinh dầu nên người hái cũng phải lựa chọn cỏ tươi, không úa và mọc tự nhiên ở vùng đất sạch. “Cỏ ở vùng người ta đã xịt thuốc hóa chất, hay vùng nước thải trên rú cát tuyệt đối bà con không lấy, mà có lấy về chủ lò cũng biết ngay vì có mùi lạ. Làm cái gì cũng có chữ tâm trong nghề là rứa đó chú à”, bà Leo trải lòng. Nói rồi bà lên xe đi mất hút.

Không chỉ thu mua cỏ hôi, các chủ lò ở Phong Chương còn “đặt hàng” các nguyên liệu để chưng cất dầu như vỏ bưởi, cây riềng. Thứ nguyên liệu khan hiếm này được đặt mua ở các chợ trong huyện. Cứ mỗi bao (loại 100kg) bưởi khô được chủ lò mua với giá 150-200 nghìn đồng. Những vùng đất trồng cây ăn quả ở Phong Điền đã góp phần làm phong phú thêm cho nguyên liệu tinh chế dầu ở Phong Chương.

2 - Mỗi mẻ dầu ra lò là cả một quá trình chưng cất công phu của người thợ từ khâu lựa chọn, làm sạch nguyên liệu đến canh lửa dưới nồi. Ông Nguyễn Văn Tấn, một chủ lò bảo nấu dầu tràm, sả thì dễ vì nó là thứ dầu truyền thống, có kinh nghiệm trong nghề, còn đối với dầu cỏ hôi, dầu bưởi thì mới mẻ hoàn toàn. Ông Tấn đã “đổ không ít lò” mới có những mẻ dầu hoàn thiện như ngày hôm nay. Ông kể “cơ duyên” chọn cây cỏ hôi để chiết xuất tinh chế dầu khá tình cờ. Có lần, ông lên mạng đọc được cách chế tinh dầu một số loài cây có tính dược thảo. Về nhà, ông Tân nghĩ ngay đến cây cỏ hôi bởi cách chữa dân gian cũng như những kinh nghiệm bí truyền cho thấy cây cỏ hôi trị được xoang, viêm tai. Vùng nguyên liệu xứ cát pha ở Phong Chương cũng là “thủ phủ” của loài cây này. Thế là ông bắt đầu nấu thử.

Mẻ tinh dầu cỏ hôi đầu tiên ông không lấy được giọt nào bởi dầu cứ tuột xuống dưới chai rồi chảy thẳng ra ngoài. Kiểm tra mọi thiết bị từ lò, ống dẫn chưng cất đều bình thường. Sau đó ông phát hiện ra loài cỏ hôi bông trắng không chưng cất được dầu. “Cỏ hôi có hai loại, bông trắng và bông tím. Không biết vì nguyên nhân chi, bông trắng nấu dầu cứ chảy tuột, trong khi cây bông tím cho dầu rất đạt. Mẻ đầu tiên này tui mất 1,5 triệu đồng tiền nguyên liệu, tiền củi”, ông Tấn nói.

Tinh dầu cỏ hôi có ích cho sức khỏe

Hiện tại, cứ đều đặn 2 lần mỗi ngày, lò chưng cất của ông Tân luôn đỏ lửa. Nguyên liệu cỏ hôi tươi được rũ đất, rửa sạch rồi nhận vào lò. Tinh dầu được nấu bốc hơi theo ông dẫn, ra chai đựng. Dầu nhẹ hơn nước sẽ nổi phía trên, cứ thế người thợ cứ hứng chai mà thu dầu. Là loại cây dược thảo, “khó tính” nên mỗi lò cỏ hôi chưng được rất ít dầu. Mỗi mẻ ông Tấn nấu 500kg cỏ hôi tươi, 150 lít nước, chưng cất lửa đều trong 6 giờ đồng hồ cho ra 80ml tinh dầu. Mỗi lít tinh dầu cỏ hôi có giá 20 triệu đồng được khách hàng ngoài Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Trị, Quảng Bình đặt mua đều đặn. Ngoài ra, dầu cỏ hôi còn được ông Tân đóng chai nhỏ (loại 10ml) bán cho các cơ sở kinh doanh tinh dầu trên địa bàn với giá 150- 200 nghìn đồng/chai.

Theo ông Tấn, tinh dầu cỏ hôi được sử dụng để pha loãng với nước muối sinh lý, nhỏ trị xoang, kháng viêm. Ngoài tinh chế dầu cỏ hôi, cơ sở ông Trần Mạnh Đăng (thôn Nhất Phong, xã Phong Chương), còn chiết xuất tinh dầu bưởi bán ra thị trường. Chia sẻ về cách nấu loại dầu này, ông Đăng cho biết, cứ mỗi 3 tạ bưởi khô, chiết ra được 1,2-1,3 lít dầu bưởi, bán với giá 6 triệu đồng/lít. Dầu bưởi được sử dụng trong làm đẹp (mượt tóc) nên phái nữ rất ưa chuộng. Hiện, dầu cỏ hôi, dầu bưởi từ cơ sở của ông Đăng, ông Tân cùng 2 hộ khác ở Phong Chương, đã cung cấp một lượng sản phẩm lớn cho “thủ phủ” tinh dầu Lộc Thủy. Các loại dầu này cũng theo các chuyến xe Bắc - Nam trên dọc đường thiên lý đi khắp mọi miền đất nước. 

Ông Lê Viết Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Chương cho hay, hiện tại, các loại tinh dầu mới như cỏ hôi, bưởi tại các cơ sở trên địa bàn mới bán chừng 30 lít. Đây là sản phẩm mới, bà con mới bắt tay thí điểm chưng cất trong vài tháng trở lại đây nhưng cho thấy hiệu quả kinh tế rất cao. Khách hàng chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc đặt mua với số lượng khá lớn và phần còn lại bà con bán sĩ lại cho các cơ sở chuyên bán các loại tinh dầu ở các huyện. “Đến nay, mới chỉ có tinh dầu sả, tràm có nhãn mác. Sắp tới địa phương sẽ đề xuất với huyện, làm việc với các sở, ngành để đăng ký thương hiệu sản phẩm, có giấy hợp quy cho các loại tinh dầu mới này”, ông Long khẳng định.

Ngoài 4 hộ ở thôn Bàu, Nhất Phong, hiện nay 10 chủ lò còn lại trên địa bàn xã cũng đang đầu tư trang thiết bị, mua nguyên liệu để thử nghiệm tinh nấu dầu cỏ hôi, dầu bưởi. Những hộ dân này cũng đang dành quỹ đất để phát triển vùng nguyên liệu sản xuất lâu dài. Trong đó, sẽ trồng thử cây cỏ hôi trong vườn nhà. Ông Lê Viết Phước - Chủ tịch UBND xã Phong Chương cho rằng, ngoài sản xuất nông nghiệp, dưới sự hỗ trợ của địa phương, nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp mới được các hội viên Hội nông dân trên địa bàn xã triển khai hiệu quả. Trong đó, nghề nấu dầu cỏ hôi, dầu bưởi đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao từ loại hình này. “Tận dụng vùng nguyên liệu phong phú, đến nay, các cơ sở chiết xuất tinh dầu trên địa bàn có thu nhập bình quân từ 150-200 triệu đồng/lò/năm. Giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương”, ông Phước cho biết thêm.

Theo nghiên cứu của đông y, cỏ hôi là loại thảo dược có tính mát, vị cay. Cỏ hôi được sử dụng để chữa nhiều bệnh như viêm họng, viêm xoang, chữa rong kinh ở sản phụ sau sinh, bệnh viêm đường tiết niệu... Tinh dầu cỏ hôi có khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, chữa viêm xoang rất tốt.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hoa & dòng Hương

Chuyện gợi nhớ trong tôi về Đà Lạt. Thành phố nơi cao nguyên được mệnh danh là xứ sở của muôn hoa. Và, mỗi khi nhắc tới Đà Lạt, người ta thường nhớ về 4 mùa hoa tượng trưng cho 4 mùa nơi đây.

Hoa  dòng Hương
Nét Huế tại xứ sở hoa anh đào

Những ngày cuối thu, trong không gian nhiệm trú và thực hành nghệ thuật tại Trung tâm Koganecho - Yokohama, Nhật Bản công chúng và bạn bè quốc tế đã được thưởng lãm một loại hình nghệ thuật truyền thống của Huế thông qua sự giới thiệu và trình bày của nghệ sĩ Phan Lê Chung (Giảng viên Khoa Hội họa, trường đại học Nghệ thuật Huế).

Nét Huế tại xứ sở hoa anh đào

TIN MỚI

Return to top