ClockThứ Tư, 15/03/2017 06:06
Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế:

Xử trí thành công trường hợp tăng huyết áp cấp cứu bằng can thiệp đặt stent động mạch thận 2 bên

TTH - Đơn vị DSA (đơn vị chụp và can thiệp mạch) Trung tâm tim mạch Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế vừa can thiệp thành công cho một bệnh nhân bị tăng huyết áp cấp cứu với những biểu hiện tổn thương nặng cơ quan đích bằng phương pháp can thiệp đặt stent động mạch thận 2 bên.

   

PGS.TS. Hoàng Anh Tiến (đầu tiên, bên phải) và ekíp thực hiện ca can thiệp

Bệnh nhân tên là Nguyễn Thị H, (76 tuổi, TP.Huế) nhập viện trong tình trạng huyết áp tăng rất cao (270/120 mmHg), đau đầu dữ dội, giảm ý thức, suy thận độ 3. Lâm sàng có tiếng thổi tâm thu 2 bên rốn, siêu âm Doppler và chụp cản quang động mạch thận phát hiện bệnh nhân bị hẹp động mạch thận hai bên mức độ nặng (động mạch thận trái hẹp 95% và động mạch thận phải hẹp 90%).

GS.TS Huỳnh Văn Minh, Giám đốc Trung tâm tim mạch, cho biết: “Mặc dù đã được dùng thuốc điều trị huyết áp bằng đường tĩnh mạch nhưng bệnh nhân không hạ huyết áp và đối diện nguy cơ xuất huyết não, phù phổi cấp, suy tim cấp… Do đó, bắt buộc phải xử trí cấp cứu bằng can thiệp đặt stent động mạch thận 2 bên. Trước đây, Đơn vị DSA đã can thiệp động mạch thận 1 bên cho nhiều bệnh nhân nhưng can thiệp động mạch thận 2 bên thì đây là lần đầu tiên thực hiện và trường hợp như vậy rất hiếm gặp cũng như tiên lượng rất nặng nếu không được can thiệp kịp thời. Do bệnh nhân khó khăn về kinh tế nên Ban Giám đốc Bệnh viện trường đã hỗ trợ hoàn toàn kinh phí cho bệnh nhân (khoảng 50 triệu đồng)”.

PGS.TS.Hoàng Anh Tiến (thứ hai, từ trái sang) can thiệp đặt stent động mạch thận 2 bên cho bệnh nhân

Theo PGS.TS Hoàng Anh Tiến, Phó trưởng khoa Nội Tim mạch, trưởng ekip can thiệp, bệnh nhân bị xơ vữa mạch máu, vôi hóa nhiều, quá trình can thiệp có thể dẫn tới vỡ mạch máu và tắc động mạch thận, suy thận cấp, chảy máu sau phúc mạc có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, để thực hiện cấp cứu bằng can thiệp đặt stent động mạch thận 2 bên cho bệnh nhân đòi hỏi bác sĩ phải được đào tạo chuyên sâu về tim mạch can thiệp và đội ngũ ekip phải hỗ trợ rất tốt. Sau khi được can thiệp, bệnh nhân đã tỉnh táo, không còn đau đầu, huyết áp ổn định 140/90 mmHg. Bệnh nhân đã được xuất viện 2 ngày sau khi được can thiệp (13/3).

Việc thực hiện thành công phương pháp can thiệp đặt stent động mạch thận 2 bên của Đơn vị DSA, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế mở ra cơ hội cứu sống thêm nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp cấp cứu do hẹp động mạch thận thời gian tới.

Ngọc Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cuồng sảng rượu cấp: Nguyên nhân & can thiệp cấp cứu

Cuồng sảng rượu cấp hay còn gọi là cơn động kinh do cai rượu hoặc cuồng sảng do thiếu rượu là trạng thái mê sảng. Tình trạng này khởi phát rất nhanh và đột ngột, thường xảy ra khi người nghiện rượu nặng ngưng uống rượu. Cuồng sảng rượu cấp là biến chứng nghiêm trọng nhất của hội chứng cai rượu. Cuồng sảng rượu cấp có nguy cơ tử vong cao và những rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến bản thân và những người xung quanh.

Cuồng sảng rượu cấp Nguyên nhân  can thiệp cấp cứu
Cấp cứu thành công một số trường hợp trong mưa lũ

Tối 16/10, lãnh đạo Trung tâm Y tế (TTYT) Phong Điền cho biết vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân 66 tuổi được phòng khám Điền Hải chuyển lên trong tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc sốt vàng da, đau bụng, huyết áp hạ.

Cấp cứu thành công một số trường hợp trong mưa lũ

TIN MỚI

Return to top