ClockThứ Bảy, 11/06/2016 09:56

Xuất bản nhiều bộ sách giáo khoa: Luật Giáo dục chưa phù hợp

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Nếu thực hiện "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" thì cần thay đổi Luật Giáo dục và Luật Xuất bản.

Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam vừa phát hành bộ sách song ngữ Việt –Anh môn Toán và các môn khoa học tự nhiên. Mặc dù theo lý giải của NXB Giáo dục Việt Nam, bộ sách này chỉ là sách tham khảo nhưng phần tiếng Anh của bộ sách chưa được Bộ GD-ĐT tổ chức thẩm định. Điều này khiến dư luận lo ngại bộ sách này chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng để đưa vào giảng dạy. Ngoài ra, nhiều trường Tiểu học cũng chưa đủ các điều kiện cần thiết để học tập và giảng dạy theo sách song ngữ.

Vậy việc phát hành bộ sách song ngữ của NXB Giáo dục Việt Nam có đúng không và việc áp dụng giảng dạy song ngữ ở các trường học sẽ nên như thế nào? Phóng viên VOV.VN phỏng vấn GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. 

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết

PV: Thưa GS, là người từng biên soạn sách giáo khoa (SGK), ông có thể cho biết quan điểm về việc NXB Giáo dục Việt Nam cho phát hành bộ sách song ngữ Việt –Anh môn Toán và các môn khoa học tự nhiên nhưng phần tiếng Anh chưa được Bộ GD-ĐT thậm định?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Bộ sách song ngữ mà NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản là sách tham khảo nên các trường và phụ huynh cần sử dụng nó cho đúng. Ví dụ, không nên đưa vào dạy trong chương trình chính khóa vì hiện nay chúng ta chưa có chủ trương dạy một số môn bằng tiếng Anh thay tiếng Việt, và phần tiếng Anh trong bộ sách này chưa được Hội đồng thẩm định SGK của Bộ GD-ĐT thông qua.  

Tuy nhiên, có một sự thực phải nói là lâu nay việc đưa sách vào dạy ở các trường đã “phớt lờ” quy định “một chương trình, một bộ SGK thống nhất” của Luật Giáo dục.

Nhiều trường ngoài công lập đã tự viết sách Toán và một vài môn học khác bằng tiếng Anh để giảng dạy cho học sinh trường mình nhiều năm nay. Bản thân Bộ GD-ĐT cũng cho phép đưa nhiều bộ sách chưa hề được Hội đồng Thẩm định SGK của Bộ thẩm định vào giảng dạy. Ví dụ như một số sách “công nghệ giáo dục” đang được dạy ở các trường tiểu học hơn 40 tỉnh, thành.

Như vậy, có thể thấy việc thực hiện “một chương trình, nhiều bộ SGK” đã trở thành một nhu cầu bức thiết, vượt qua cả quy định của pháp luật. Do đó, Luật Giáo dục cần được sửa đổi cho phù hợp với thực tế. Nhưng có một điều không thể thay đổi là tất cả các loại sách đưa vào dạy trong nhà trường, kể cả sách tham khảo, đều phải được Hội đồng Thẩm định SGK của Bộ GD-ĐT duyệt. Nếu không thì không khác gì cho học sinh dùng thuốc chưa được Bộ Y tế cấp phép.

PV: Như ông đề cập, nếu phải sửa lại Luật Giáo dục thì phải sửa như thế nào?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Chúng ta phải sửa lại Luật Giáo dục theo hướng thực hiện “một chương trình, nhiều bộ SGK” để phát huy nguồn lực xã hội, nâng cao chất lượng SGK.

Nhưng để cho nhiều nhà xuất bản có thể tham gia làm sách, chúng ta cũng cần kiến nghị Quốc hội sửa Luật Xuất bản. Bởi vì theo quy định của luật này, NXB phải “có tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ, xuất bản phẩm chủ yếu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản”; và theo quy định đó thì rất ít NXB có chức năng, nhiệm vụ làm SGK.

PV: Thưa GS, nhiều phụ huynh lo ngại, khi xuất bản sách song ngữ mà phần tiếng Anh chưa được thẩm định thì vẫn có thể xảy ra sai sót. Trong khi đó, các trường học chưa chuẩn bị kỹ về đội ngũ giáo viên có đủ trình độ và kỹ năng để vừa giảng dạy Toán và Ngoại ngữ thì rất khó có thể giảng dạy tốt được. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi nghĩ rằng, những băn khoăn của phụ huynh là có cơ sở, mặc dù NXB Giáo dục Việt Nam là một đơn vị có đội ngũ tác giả, biên tập viên các môn học rất hùng hậu.

Còn về việc triển khai bộ sách này cũng như các sách song ngữ khác, chắc chắn sẽ gặp khó khăn, bởi theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, điều khó nhất trong việc triển khai dự án dạy tiếng Anh ở cấp tiểu học là trình độ tiếng Anh của giáo viên còn hạn chế. Đó là nói về giáo viên tiếng Anh. Còn giáo viên Toán tiểu học mà nói giỏi tiếng Anh thì hiếm như … sao buổi sớm.

Cũng có ý kiến đề xuất để giáo viên tiếng Anh dạy sách Toán song ngữ. Tôi hiểu rằng kiến thức Toán ở tiểu học không phức tạp, nhưng để dạy cho tốt thì giáo viên tiếng Anh khó có thể đảm bảo được.

Tóm lại, nếu bộ sách này được giảng dạy theo hình thức thí điểm thì các trường được chọn phải có đội ngũ giáo viên vừa có khả năng giảng dạy Toán, vừa có khả năng sử dụng tiếng Anh tốt. Vì vậy, ngành Giáo dục và các cơ quan chức năng phải xem xét kỹ có nên triển khai hay không trong tình hình hiện nay.

Ngoài ra, vì không dạy được trong chương trình chính khóa, chắc sẽ phải dạy ngoài giờ. Nếu vậy thì phải xem liệu có quá tải đối với học sinh hay không.

PV: Theo ông, việc giảng dạy SGK song ngữ nên được thực hiện thế nào?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Giáo dục, “tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác”; “việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài” thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.  

Như vậy, việc dạy học song ngữ (thực chất là dạy bằng tiếng nước ngoài) trong điều kiện chưa đảm bảo về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mà còn đặt ra vấn đề rất lớn về chính sách giáo dục, chính sách đối với ngôn ngữ dân tộc. Bởi lẽ, nếu các môn học, cấp học, trình độ đào tạo đều đua nhau dạy bằng tiếng Anh thì vị trí và sự phát triển của tiếng Việt sẽ ra sao?

Tăng cường ngoại ngữ cho thanh niên để đáp ứng nhu cầu hội nhập là cần thiết; nhưng tăng cường ngoại ngữ không có nghĩa là thay chỗ của tiếng Việt.

Trở lại lịch sử, suốt hàng ngàn năm phong kiến và ngót 80 năm Pháp thuộc, trừ một vài trường hợp cá biệt, tiếng Việt chưa bao giờ có được vị thế ngôn ngữ quốc gia. Ngôn ngữ chính thức được sử dụng trong các lĩnh vực hành chính, pháp luật, khoa học, giáo dục… là tiếng Hán hoặc tiếng Pháp.

Tuy vậy, nhân dân ta, tiêu biểu là tầng lớp trí thức yêu nước, đã không ngừng phấn đấu và sáng tạo để giữ gìn và phát triển tiếng nói của dân tộc, làm cho nó ngày càng trở nên giàu đẹp, tinh tế.

Bước phát triển lớn nhất của tiếng Việt là từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sau ngày Độc lập, Chính quyền cách mạng đã quyết định sử dụng tiếng Việt làm ngôn ngữ chính thức trong tất cả các lĩnh vực. Tất cả các môn học ở các trường đều dạy bằng tiếng Việt. Nhờ vậy, tiếng Việt đã có những bước phát triển hết sức nhanh chóng, mạnh mẽ. Từ chỗ bị dè bỉu là “nôm na mách qué”, tiếng Việt đã thể hiện được khả năng dồi dào đáp ứng nhu cầu giao tiếp trên tất cả các lĩnh vực, từ hành chính, pháp luật, ngoại giao đến khoa học, văn hóa, giáo dục ... không kém gì các ngôn ngữ phổ biến trên thế giới.

Chúng ta không có quyền, dù với bất cứ lý do gì, đẩy lùi bước tiến lịch sử ấy của tiếng Việt – thứ của cải vô cùng quý báu mà cha ông đã giữ gìn, phát triển và truyền lại cho chúng ta, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định.

PV: Xin cảm ơn GS đã có cuộc trao đổi cởi mở!

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không lan truyền thông tin chưa kiểm chứng về các xuất bản phẩm sử dụng trong nhà trường

Trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, không ít lần trên mạng xã hội xuất hiện những hình ảnh, nội dung sai sự thật hoặc không chính xác về sách giáo khoa khiến dư luận hoang mang, đồng thời, ảnh hưởng tới uy tín của ngành giáo dục. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia giáo dục khuyến cáo người dân nên thận trọng khi tiếp cận các nguồn thông tin không chính thống và không lan truyền những nội dung chưa được kiểm chứng, tác động tiêu cực tới quá trình dạy, học của thầy và trò các nhà trường.

Không lan truyền thông tin chưa kiểm chứng về các xuất bản phẩm sử dụng trong nhà trường
Nhộn nhịp thị trường đồ dùng học tập

Sách giáo khoa (SGK) và đồ dùng học tập là hành trang không thể thiếu của học sinh. Trước thềm năm học mới là thời điểm mua sắm SGK, đồ dùng học tập diễn ra sôi động nhất.

Nhộn nhịp thị trường đồ dùng học tập
Để không lệ thuộc sách giáo khoa

Hàng chục năm qua, sách giáo khoa (SGK) được xem là pháp lệnh. Giáo viên đã quen dạy học bám sát nội dung trong sách, thậm chí nhiều thầy cô dạy đúng đến từng câu, từng chữ. Khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, SGK chỉ là tài liệu tham khảo, giáo viên phải sử dụng một cách chủ động, không lệ thuộc.

Để không lệ thuộc sách giáo khoa

TIN MỚI

Return to top